A Vậy Hả
Trang Chủ » Yêu mến nông nghiệp “sạch”, anh dược sĩ tạo nên thương hiệu cà phê Xì Phố.

Yêu mến nông nghiệp “sạch”, anh dược sĩ tạo nên thương hiệu cà phê Xì Phố.

cover image - Yêu mến nông nghiệp “sạch”, anh dược sĩ tạo nên thương hiệu cà phê Xì Phố.
Lê Đức - sáng lập Xì Phố cà phê

Lê Đức

Sáng lập Xì Phố cà phê

140Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

3

Nhân Viên

200Tr

Vốn khởi đầu

“Đức luôn tâm niệm “ Con người sạch làm nên sản phẩm lành. Mình phải đủ tốt thì mới làm ra sản phẩm tốt được”. Vì vậy, nhà nông khi làm việc với Đức thường sẽ thấy Đức khá khó tính trong quy trình làm việc. Bởi vì, Đức muốn tạo nên những sản phẩm Việt Nam chất lượng thực sự đến tay người tiêu dùng. Và xa hơn nữa là cạnh tranh được với sản phẩm từ nước ngoài, chất lượng tương xứng với giá thành khách hàng đã bỏ ra.”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh hay làm dự án gì?

Chào mọi người, mình là Lê Đức – nhà sáng lập Xì Phố Cafe. Hiện tại, mình đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài công việc kinh doanh, mình cũng đang là nhân viên tại một công ty dược. 

Trước khi bắt đầu với Xì Phố Cafe, mình đã là người có sở thích và niềm đam mê với loại thức uống này. Thậm chí, mình đã từng đi học các khóa học về bảo quản, pha chế cà phê, dù lúc ấy điều đó cũng chưa phục vụ cho công việc của mình.

Mình cũng từng tham gia một số cuộc thi về cà phê được tổ chức và đã đạt một số giải thưởng từ các như:

  • Quán quân vô địch Rang cà phê Đông Nam Á mở rộng – ASEAN Open Roastmasters Championship năm 2019.
  • Á quân cuộc thi Rang Trade Off tại Nha Trang năm 2019.
  • TOP 6 cuộc thi pha chế Brewing (pha chế dụng cụ thủ công) năm 2019.

Tại sao bạn khởi động dự án Xì Phố Cafe? Làm sao bạn có ý tưởng này?

Trước đây, mình có quen biết một người chị, chị tên La, là người đã giúp đỡ mình rất nhiều trong suốt những năm tháng đại học. Và cũng là người giúp đỡ mình ở giai đoạn đầu khi dấn thân vào con đường kinh doanh cà phê.

Chị La là người bỏ phố về quê để trồng cà phê sạch theo hướng canh tác tự nhiên. Với mong muốn giúp đỡ chị về đầu ra, cộng thêm yêu mến hướng kinh doanh sản xuất “sạch” chị đang theo đuổi, mình đã quyết định mở quán kinh doanh. 

Tuy nhiên, sau một năm, Đức đã quyết định đóng quán vì nhìn thấy hướng đi mới thuận lợi hơn. Đó là thay vì chỉ kinh doanh quán cà phê bình thường, Đức có thể phát triển theo hình thức bao toàn bộ vườn của nhà nông, đào tạo nhà vườn và thu mua sản phẩm của họ cung cấp lại cho khách hàng. 

Cách làm này vừa giúp Đức kiểm soát chất lượng cà phê (do áp dụng quy trình riêng mà Xì Phố đã nghiên cứu), vừa có thể hỗ trợ bà con trong việc tìm đầu ra thông qua hình thức bao trọn vườn, đảm bảo nguồn ra cho nhà nông.

Và đó là câu chuyện tiền đề cho lý do vì sao Xì Phố Cafe ra đời.

Những hạt cà phê được trồng theo quy trình của Xì Phố Cafe

Ngoài mong muốn được giúp đỡ nông dân nhiều hơn trong mặt tiêu thụ nông sản, với Xì Phố Cafe , Đức vẫn còn nguyên do khác để khởi động dự án

  • Bảo vệ môi trường: Vốn xuất thân là một dược sĩ, Đức hiểu rằng sự tác động của các loại hóa chất trong quá trình canh tác sẽ gây ảnh hưởng lớn như thế nào đến sức khỏe và môi trường. Vì vậy, khi quyết định xây dựng Xì Phố Cafe, Đức đã tâm niệm sẽ tạo nên những sản phẩm chất lượng, “sạch” và không gây hại đến môi trường xung quanh. 
  • Thay đổi tư duy về cà phê Việt Nam: Mỗi khi nhắc đến cà phê Việt, người ta hay tập trung vào sản lượng thay vì chất lượng. Hơn thế nữa, có rất nhiều người vẫn có định kiến cà phê Việt Nam là cà phê “độn”. Vì vậy, Đức muốn thay đổi tư duy này, đồng thời xóa bỏ định kiến về chất lượng cà phê Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Để làm được điều đó, Đức đã phải học tập và suy nghĩ rất nhiều để xây dựng nên một quy trình canh tác, sản xuất sản phẩm là cà phê một cách chỉn chu. 

Quá trình bạn bắt đầu những bước đi đầu tiên cho Xì Phố Cafe như thế nào?

Thời điểm đầu tiên, sau khi đóng quán để hoạt động theo hướng đi mới. Việc đầu tiên mình làm đó là đi học về nông nghiệp (sơ chế, canh tác…). Đó toàn bộ là quá trình tự học, giúp Đức có thể hiểu hơn về cà phê. Từ đó, chính bản thân mình mới có đầy đủ các kiến thức để hướng dẫn lại cho nhà nông trong hệ thống sản xuất và canh tác của mình.

Đồng thời, giai đoạn ấy, Đức cũng cất công đi tìm nhà vườn phù hợp với dự án, yêu thích làm nông nghiệp “sạch”, có mong muốn hợp tác lâu dài với mình. Và nhà vườn đầu tiên Đức hợp tác không ai khác cũng chính là vườn nhà chị La – người chị đã gắn bó với mình ngay từ ban đầu.

Sau này, Đức còn gặp và cộng tác thêm với 2,3 nhà vườn khác nữa. Dần dần, nông dân biết đến mình nhiều hơn, họ có lời mời được hợp tác. Tuy nhiên, Đức rất cân nhắc, bởi vì Xì Phố Cafe có một quy trình đánh giá, sản xuất khá nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Vì vậy, các nhà vườn hợp tác với mình đều là những vườn cà phê đã được Đức làm việc, hướng dẫn rất kỹ ngay từ ban đầu, họ phải đạt tiêu chuẩn của Xì Phố. Sau đó, Đức mới quyết định hợp tác.

Tuy quy trình kỹ càng và nghiêm ngặt như vậy, nhưng nhà vườn khi hợp tác với Đức, mình vẫn luôn cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ bà con hết sức. Không những bao trọn gói đầu ra sản phẩm, giá thành Đức thu mua từ bà con cũng cao hơn so với các bên khác. 

 Hình ảnh một nhà vườn đang hợp tác với Xì Phố

Đức luôn tâm niệm “ Con người sạch làm nên sản phẩm lành. Mình phải đủ tốt thì mới làm ra sản phẩm tốt được”. Vì vậy, nhà nông khi làm việc với Đức thường sẽ thấy Đức khá khó tính trong quy trình làm việc. Bởi vì, Đức muốn tạo nên những sản phẩm Việt Nam chất lượng thực sự đến tay người tiêu dùng. Và xa hơn nữa là cạnh tranh được với sản phẩm từ nước ngoài, chất lượng tương xứng với giá thành khách hàng đã bỏ ra.

Và để làm được điều đó, những con người làm ra sản phẩm là Đức hay nhà nông, ai cũng cần phải có “tâm” trong toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm. Chỉ có khi người làm ra cà phê hiểu được những giá trị mình sẽ mang đến cho bản thân, khách hàng, cộng đồng và xã hội, sản phẩm cuối cùng mới mang về chất lượng tốt nhất.

Ví như khi làm việc với nông dân để hướng dẫn họ canh tác theo hướng nông nghiệp “sạch”, họ áp dụng. Về sau sức khỏe của bản thân nhà nông và gia đình họ được bảo đảm (do không tiếp xúc với chất hóa học độc hại), thì chất lượng sản phẩm đến tay khách hàng cũng được đảm bảo. 

Trong suy nghĩ của Đức, nông nghiệp sạch sẽ bảo vệ được sức khỏe con người. Người trồng phải được hưởng lợi và bảo đảm sức khỏe trước, sau đó đến người rang, người thân của họ và cuối cùng là khách hàng của Xì Phố. Có như thế, Đức mới quyết định làm việc với họ và thu mua với mức giá tốt.

Và đó cũng chính là giá trị mà mình hay Xì Phố Cafe muốn lan tỏa rộng rãi hơn trong tương lai.

Anh đã bắt đầu bán sản phẩm đầu tiên như thế nào?

Nhà vườn đầu tiên Đức hợp tác là vườn chị La nằm trong Lazy Village, sau khi nhà nông thu hoạch, Đức thu mua và bán lại cho khách hàng. Dần dần, khách sỉ biết đến nhiều hơn, đơn hàng tiêu thụ cũng cao hơn trước. 

Đức rất vui vì hướng đi mới đã có thể giúp người nông dân tiêu thụ được sản lượng cao hơn trước. Tuy nhiên, sau này Đức còn mở rộng thêm mảng rang cà phê. Với Đức, làm thêm mảng rang không phải để kiếm được nhiều tiền hơn, mà mục đích chính là giúp bà con bán được thêm nhiều sản phẩm.

Khách du lịch trải nghiệm hạt cà phê Xì Phố tại Đà Lạt

Quy mô và tình hình kinh doanh hiện thời của Xì Phố Cafe như thế nào?

Về các nhà vườn Đức đang hợp tác, hiện tại có khoảng 5-6 nông trại hợp tác chính, trải dài các khu vực khác nhau.

Về quy mô, Xì Phố Cafe hiện tại đang trên đà phát triển và càng ngày càng được biết đến nhiều hơn. Đa phần khách hàng của Xì Phố Cafe đều là những người yêu thích cà phê hoặc có quan tâm đến sản phẩm từ nông nghiệp sạch.

Số nhân viên hiện thời của dự án là 04 người (tính cả Đức). Trong đó:

  • 01 người chịu trách nhiệm về kế toán, sổ sách
  • 01 người chịu trách nhiệm rang xay sản phẩm
  • 01 người đóng hàng

Cuối cùng là Đức, chịu trách nhiệm quản lý, nhận hàng, làm việc với nhà nông và đối tác của Xì Phố.

Khách hàng chính của Xì Phố đến từ nguồn nào? Và làm sao anh có thể giữ chân được khách hàng?

Các khách hàng biết đến Xì Phố Cafe hiện tại đa phần đều đến từ nguồn truyền miệng, được người quen giới thiệu.

Trước đây, mình cũng từng chạy quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên, sau nhiều ngày thử nhưng không ra đơn, mình đã quyết định dừng lại để tham khảo học thêm về Digital Marketing.

Ngoài ra, hiện tại Đức cũng có một đội ngũ những người cộng tác với Xì Phố về đầu ra, họ sẽ giúp Đức giới thiệu và tìm kiếm khách hàng.

Về việc giữ chân khách hàng đa phần đến từ khâu chăm sóc khách hàng, mình thường hỏi han cũng như tham khảo ý kiến của khách để lấy thông tin nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm.

Các sản phẩm hiện đang được Xì Phố Cafe kinh doanh

Những thách thức lớn nhất bạn gặp phải?

Khó khăn rất nhiều nhưng lớn nhất với mình có lẽ là khó khăn về việc Làm việc với con người. Đối với một số nhà nông, họ chưa hiểu hướng đi mà Đức đang theo đuổi, vì vậy quá trình làm việc Đức phải nỗ lực giải thích và hỗ trợ họ hiểu về mục tiêu của mình.

Trường hợp với nhà nông lớn tuổi, họ lại quan tâm về giá cả, hoặc bảo thủ không muốn đi theo quy trình mà mình đề ra. 

Ngoài ra, không ít nhà vườn sau khi biết giá sản phẩm mình bán cho khách hàng lại cho rằng mình ép giá nhà nông. Tuy nhiên, họ lại không nghĩ đến các gánh nặng chi phí khác mà Đức phải quan tâm khi là nhà cung ứng.

Với Đức, với các nhà vườn không thể hợp tác lâu dài, Đức sẽ ngưng hợp tác để tìm nông trại khác phù hợp hơn với mục tiêu mà Đức đã đề ra. Tất nhiên, do yêu cầu cao nên Đức vẫn hỗ trợ hướng dẫn bà con hết lòng, giúp bà con hiểu hết về quy trình và nâng cao năng suất tốt nhất, để cả hai có thể cùng nhau đi lên, đồng hành và phát triển thịnh vượng.

Một khó khăn nữa mà Đức vẫn gặp khó khăn đó chính là thanh toán toàn bộ giá trị đơn hàng cho bà con. Khi hợp tác với Đức, bà con thường chỉ được thanh toán trước 30%/ giá trị đơn hàng trước khi năm mới đến. Tuy nhiên, 30% giá trị này được Đức thanh toán có thể đã bằng toàn bộ số đơn hàng bà con nhận được khi hợp tác với đơn vị khác. Vì vậy, có thể nói, giá thu mua nông sản của Xì Phố Cafe là tương đối cao trên thị trường.

Những người đã tạo ra hạt cà phê Xì Phố chất lượng

Từ khi khởi đầu, bạn đã học được gì? Kế hoạch sắp tới?

Khi bắt đầu với Xì Phố Cafe Đức đã học được nhiều bài học như:

  • Học cách làm nông nghiệp sạch và trở thành người nông dân chân chính: Tạo ra những sản phẩm tốt cho nông nghiệp, bảo vệ cây xanh, môi trường.
  • Có cách nhìn mới về nông sản Việt Nam: Dù chất lượng cà phê Việt Nam cũng không thua kém các nước khác, nhưng nhắc đến cà phê Việt, mọi người thường tập trung về sản lượng thay vì chất lượng. Cá nhân mình thấy nếu đầu tư quy trình chỉn chu thì sẽ có thể thay đổi góc nhìn của mọi người về chất lượng cà phê Việt Nam, xóa bỏ định kiến cà phê “độn” trong mắt nhiều người.
  • Hiểu và biết về giá trị bản thân: Nhờ có hành trình xây dựng Xì Phố Cafe, Đức cảm nhận mình đang thực sự được “sống”. Cũng như ngày càng hiểu về mục tiêu cũng như giá trị mình đang theo đuổi.

Về kế hoạch sắp tới, mình dự định sẽ thành lập doanh nghiệp kinh doanh để có thể mở rộng và phát triển thương hiệu đi xa hơn. Đồng thời, Đức cũng cố gắng tìm thêm người cộng tác hỗ trợ về mặt đầu ra sản phẩm. 

Chân dung anh Đức –  Chủ thương hiệu Xì Phố cà phê

Những người nào, cuốn sách nào, web, podcast, TV show hay tài liệu nào có ảnh hưởng nhất đến bạn?

  • Podcast: Hiếu TV
  • Youtube: Duy Nguyễn (chia sẻ triết lý về kinh doanh)
  • Blogger: Nguyễn Tống Hải Vân
  • Em trai Bùi Cảnh (một người em trong nghề mà mình quen biết)

Bạn sử dụng những công cụ, phần mềm gì?

Mình chỉ sử dụng những máy móc phục vụ cho sản xuất như máy rang xay cà phê, máy đóng gói.

Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?

Hiện tại, mình đang có nhu cầu tìm người cộng tác về đầu ra sản phẩm.

Lời khuyên cho những người đang bắt đầu?

Lời khuyên của mình là:

  • Nếu đủ đam mê với công việc mà mình thích thì mới làm được
  • Hãy cố gắng sống tốt với hiện tại.

Tìm bạn và dự án của bạn ở đâu?

Fanpage: https://www.facebook.com/xiphocafe

Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/duc.le.397

Tóm tắt

  • Tên dự án: Xì Phố cà phê
  • Người được phỏng vấn: Lê Đức
  • Vốn khởi đầu: 200 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 8 h/tuần
  • Doanh thu: 140 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 1 người
  • Số nhân viên hiện thời: 3 người
  • Kênh tăng trưởng: Truyền miệng
  • Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha