A Vậy Hả
Trang Chủ » Hành trình kỳ tích trồng thanh long sinh thái trên vùng ngập mặn.

Hành trình kỳ tích trồng thanh long sinh thái trên vùng ngập mặn.

cover image - Hành trình kỳ tích trồng thanh long sinh thái trên vùng ngập mặn.
Mai Trúc Lâm - sáng lập Thanh long sinh thái  trồng trên vùng ngập mặn

Mai Trúc Lâm

Sáng lập Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn

0Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

0

Nhân Viên

750Tr

Vốn khởi đầu

“Kể từ khi bắt đầu, cả nhà mình gặp rất nhiều khó khăn, từ khi thử nghiệm đến khi có thành quả đầu tiên. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất đó chính là chứng minh dự án của mình sẽ thành công.”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh hay làm dự án gì?

Trang trại Mai Gia – nơi sản xuất thanh long của gia đình Lâm

Xin chào mọi người, mình là Trúc Lâm, hiện là một trong những nhà sáng lập của dự án Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn. Ngoài ra mình cũng chính là Founder của dự án mắm Hadicaft

Tính đến năm 2021, dự án Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn của gia đình mình đã có gần 10 năm nghiên cứu và phát triển.

Có thể nói đây chính là một trong những dự án tâm huyết không chỉ của riêng Lâm mà còn đối với cả gia đình, đặc biệt là với cha mình – một lão nông nghèo có quyết tâm làm kinh tế.

Tại sao bạn khởi động dự án “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn”? 

Xuất phát từ mục tiêu thoát nghèo, năm 2009, gia đình mình đã bắt đầu hành trình quyết tâm thay đổi đời sống. Và người tiên phong trong hành trình “vượt nghèo” đó chính là cha mình.

Ban đầu, gia đình mình chưa thể xác định rõ ràng dự án sẽ hướng đến sản phẩm cụ thể nào. Vì thế, cả nhà đã cùng nhau thử nghiệm nhiều loại cây trái và con giống để nuôi trồng trên vùng ngập mặn – thường xuất hiện ở các tỉnh miền Tây.

Có thể nói, nhắc đến vùng ngập mặn, có lẽ mọi người thường sẽ nhớ đến những đợt xâm nhập mặn khủng khiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, mỗi năm những vùng mặn lại xuất hiện ngày càng nhiều, gây ra những trăn trở cho người dân miền Tây.

Và với quyết tâm “tìm ánh sáng cho vùng mặn”, sau hai năm kể từ ngày thử nghiệm nuôi trồng con giống trên những vùng nước mặn, trái thanh long đầu tiên được trồng cộng sinh trên thân cây mắm đã ra đời. Kể từ đó, dự án “Thanh long sinh thái  trồng trên vùng ngập mặn” cũng chính thức bắt đầu.

Cha của Lâm – người khởi xướng và tâm huyết nhất với dự án

Quá trình bạn sản xuất những trái thanh long sinh thái  trồng trên vùng ngập mặn đầu tiên như thế nào?

Thử nghiệm

Có thể nói, quá trình thử nghiệm nuôi trồng động thực vật trên vùng ngập mặn thật không dễ dàng. Đặc biệt hơn khi những gì gia đình mình đang nỗ lực không nhận được sự ủng hộ từ bà con nông dân.

Trước khi nhận được trái ngọt đầu tiên là trái thanh long đầu tiên và duy nhất kể từ khi bắt đầu vào năm 2011, gia đình mình đã từng thử nghiệm thất bại 40-50 con giống khác nhau, từ tôm cá đến các loại cây ăn quả như: sapo, mãng cầu…

Nhận thấy cây thanh long có thể sống cộng sinh trên thân cây khác, mình và gia đình đã thử nghiệm trồng thanh long trên nhiều loại cây, nhưng chỉ có thân cây mắm là phù hợp. Vì thế, kể từ đó gia đình Lâm đã chọn cây mắm là vật chủ cộng sinh với thanh long.

Việc làm này không chỉ giúp cả nhà mình thu được giá trị từ thanh long mà còn tận dụng được nguồn giá trị từ cây mắm, góp phần gia tăng những lợi ích nhận được từ dự án và bảo vệ vùng ngập mặn.

Và cây thanh long đầu tiên nở hoa sau thời gian dài nỗ lực ấy chính là kết quả xứng cho những cố gắng của cả nhà mình. Đặc biệt là cha Lâm – người khởi xướng và cũng là người tâm huyết nhất với dự án.

Hình ảnh về quả thanh long sinh thái được trồng trên vùng ngập mặn

Nghiên cứu

Sau kỳ tích trái thanh long sinh thái  đầu tiên được ra đời trên vùng ngập mặn, từ số lượng vài chục gốc ban đầu, hiện nay số lượng gốc đã được nhân lên 800-1000 gốc/ hecta thanh long.

Tuy nhiên, Lâm và gia đình đã tiếp tục thực hiện các thử nghiệm trên các giống thanh long khác nhau.Quá trình thử nghiệm được triển khai trên các giống thanh long mới được đưa về từ các vùng Bình Thuận, Long An nhưng hoàn toàn không thành công

Với mùa vụ đầu tiên, gia đình mình đã thu hoạch được 5-7kg/gốc thanh long, đỉnh điểm nhất về khối lượng thanh long thu được trên một gốc thanh long mà gia đình mình thu hoạch được là 20kg.

Điểm đặc biệt của thanh long được trồng trên vùng ngập mặn đó chính là ngoại hình của chúng có vỏ bóng, mỏng màu tím sen, khác biệt màu sắc so với các loại thanh long khác. Ngoài ra, vỏ cũng mỏng hơn, bên trong thịt lại ít hạt và có mùi vị của nhãn đặc trưng.

Hơn nữa, những cây thanh long được trồng tại trang trại Mai Gia chính là những cây thanh long đầu tiên được trồng trên vùng ngập mặn – khác biệt hoàn toàn so với các giống thanh long khác được trồng trên cạn từ môi trường nuôi dưỡng đến mùi vị của quả.

Với các cây thanh long được trồng cộng sinh với cây mắm, gia đình Lâm mất khoảng 1 tháng để thu hoạch trái ( do không sử dụng thuốc để kích thích tăng trưởng). Ngoài ra, toàn bộ các phần khác của cây thanh long cũng được gia đình tận dụng để làm đa dạng hệ sinh thái như: làm thức ăn cho tôm cá phía dưới mặt nước.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên tại các tỉnh miền Tây có một loại cây ăn trái sống ở vùng ngập mặn. Thực sự gia đình mình rất tự hào vì đã góp phần tạo nên “điều không thể” này.

Thanh long trồng trên vùng ngập mặn từ trang trại Mai Gia

Bạn bắt đầu bán những sản phẩm đầu tiên như thế nào?

Thời gian đầu, mình bắt đầu bán những trái thanh long đầu tiên bằng cách đem ra các chợ địa phương để giới thiệu.

Với mỗi ký thanh long được trồng theo phương pháp mới, mình bán với giá 15.000 – 20.000 đồng/kg. Mức giá này có thể cao hơn so với các loại thanh long khác, tuy nhiên chất lượng nhận lại là hoàn toàn xứng đáng.

Trong giai đoạn đầu tiên ra mắt sản phẩm, doanh thu trung bình thu về đạt mức từ chục triệu đồng trở lên. Đó là tín hiệu đáng mừng đối với Lâm và gia đình khi những trái thanh long đặc biệt của mình được nhiều người đón nhận.

Ngoài ra, Lâm cũng đã tận dụng thêm trang Facebook cá nhân để quảng bá sản phẩm. Hiện tại đây vẫn là một trong những kênh bán hàng chính mang lại nguồn thu cho dự án.

Kinh doanh/dự án của bạn hiện thời ra sao?

Hiện tại, dự án “Thanh long sinh thái  trồng trên vùng ngập mặn” đã bước qua gần 10 năm nghiên cứu và phát triển. Thông qua báo chí, truyền hình, tâm huyết của cả gia đình mình ngày càng được biết đến rộng rãi hơn.

Nguồn nhân lực hỗ trợ phát triển dự án sau 10 năm vẫn chủ yếu là gia đình mình. Và cha mình có lẽ là người đóng góp nhiều công sức nhất cho dự án.

Trước đây, ông thường dành từ 10-16 tiếng/ngày để nghiên cứu và phát triển dự án. Về sau khi quy trình đã trở nên ổn định hơn, khoảng thời gian ông đầu tư cho “đứa con tinh thần” cũng giảm đi một nửa.

Về phía Lâm, hiện tại mình thường dành từ 2-3 tiếng để chăm sóc dự án của gia đình. Công việc chủ yếu của mình liên quan đến tìm kiếm đầu ra và phát triển quy mô kinh doanh, bao gồm cả việc chăm chút cho bộ định vị thương hiệu hay các hoạt động marketing trong tương lai.

Nếu đánh giá về độ thành công của dự án, mình nghĩ hiện tại “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn” của trang trại Mai Gia đạt 6/10 điểm. Về doanh thu, trong 3 tháng mùa mưa, nguồn lợi từ kinh doanh dự án thanh long thu về 20-25 triệu đồng.

Ngoài ra, mình vẫn còn các nguồn doanh thu từ việc tận dụng các nguồn lực sẵn có khác. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại mình xin phép không tiết lộ kỹ càng hơn.

Hiện tại thanh long sinh thái Mai Gia đã được chấp nhận thanh toán trên các nền tảng trực tuyến

Làm sao bạn tìm và giữ được khách hàng/người theo dõi?

Có 3 nguồn giúp mình tìm kiếm khách hàng phổ biến nhất:

  • Báo chi, truyền thông

 Kể từ khi dự án được nghiên cứu thành công, danh tiếng của dự án ngày càng được nhiều người biết đến. Bắt đầu từ báo chí, truyền hình tỉnh Cà Mau, hiện nay “Thanh long sinh thái  trồng trên vùng  ngập mặn” của trang trại Mai Gia đã được đông đảo đơn vị truyền thông lớn biết đến và đưa tin khắp cả nước như: Báo nhandan.vn, vnexpress.net, tienphong.vn…

Nhờ vào sự đưa tin của các đơn vị báo chí, rất nhiều khách hàng đã tìm đến Lâm và gia đình để đặt hàng. Đó cũng được xem là sự thành công của gia đình mình.

  • Truyền miệng
  • Seeding

Thời gian đầu Lâm cũng thường xuyên seeding các hội nhóm về nông sản sạch, nông sản xanh để giới thiệu sản phẩm. Nhờ việc chịu khó seeding hội, nhóm, sản phẩm thanh long  sinh thái của trang trại Mai Gia cũng được nhiều người biết đến và tìm mua.

Kể từ khi phát triển thành công dự án đến nay, “Thanh long sinh thái  trồng trên vùng ngập mặn” của trang trại Mai Gia đã đạt được nhiều giải thưởng lớn như: Én xanh – cuộc thi Én xanh 2019, giải khuyến khích – Eureka 2019, giải tư – Business Ideas 2019, giải ba – Ý tưởng khởi nghiệp CIC 2019, giải hai – Khởi nghiệp quốc gia 2019, giải hai – Ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp trong tầm tay 2019. 

Gần đây nhất, dự án thanh long của gia đình Lâm đã xuất sắc đi đến vòng chung kết cuộc thi SBC – Cuộc thi toàn cầu về sáng tạo xã hội 2021. Ngoài ra, “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn” còn lọt Top 20 dự án có tác động xã hội.

Chính vì sự xuất sắc trong các cuộc thi, “Thanh long sinh thái  trồng trên vùng ngập mặn” cũng được biết đến nhiều hơn, từ đó thu hút một lượng khách hàng tiềm năng quan tâm và chuyển đổi thành mua hàng.

Về việc giữ chân khách hàng: Hiện tại mình chỉ giữ liên lạc với khách đã mua hàng thông qua Zalo, Facebook để chăm sóc họ tốt hơn.

Thu hoạch “thanh long mặn” tại vườn

Những thách thức lớn nhất bạn gặp phải?

Kể từ khi bắt đầu, cả nhà mình gặp rất nhiều khó khăn, từ khi thử nghiệm đến khi có thành quả đầu tiên. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất đó chính là chứng minh dự án của mình sẽ thành công.

Không chỉ riêng hàng xóm xung quanh từng không tin vào độ thành công của dự án, kể cả khi mang “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn” chinh chiến tại các cuộc thi lớn, Lâm cũng không ít lần đối diện với sự không tin tưởng vào tính thực tế của ban giám khảo với “đứa con tinh thần” này.

Lâm nhớ, trong một lần mang dự án tham dự một cuộc thi về khởi nghiệp, anh giám khảo cuộc thi đã cho mình điểm tuyệt đối về tính sáng tạo. Tuy nhiên về mức độ khả thi lại không được đánh giá cao, một phần vì lúc ấy dự án còn đang trong giai đoạn mới nghiên cứu.

Nhưng quả thật trời không phụ người có lòng, sau này “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn” không chỉ thành gây được tiếng vang mà anh giám khảo ấy cũng trở thành người anh thân thiết hỗ trợ mình rất nhiều.

Ngoài ra, do thanh long chỉ thu hoạch theo mùa, đặc biệt hơn năng suất thanh long của dự án không cao như trồng thanh long theo phương pháp thông thường. Vì thế, việc làm sao tối ưu hóa được lợi nhuận cũng như duy trì hoạt động doanh nghiệp trong những tháng chưa thu hoạch được thanh long cũng là thách thức với gia đình Lâm.

Trúc Lâm bên giải thưởng Én Xanh 2019

Từ khi khởi đầu, bạn đã học được gì? Kế hoạch sắp tới?

Có thể nói trên con đường theo đuổi dự án, cả Lâm và gia đình đều có được những bài học nhất định, từ việc chấp nhận những thiếu sót cho đến các bài học về quản lý tài chính, quản lý thời gian hay tạo dựng các mối quan hệ.

Trong đó bài học xây dựng mối quan hệ có lẽ là bài học lớn nhất đối với cá nhân mình, đặc biệt khi mình là người trẻ còn thiếu sót những kinh nghiệm. Việc có được những mối quan hệ tốt từ những người anh, chị, bạn bè đã hỗ trợ Lâm rất nhiều trong việc điều hành và phát triển dự án khởi nghiệp.

Về kế hoạch tương lai, hiện tại Lâm đang chờ đợi được cấp bằng sáng chế cho một vài sản phẩm khác được khai thác từ chính cây thanh long.

Ngoài ra, Lâm cũng thực hiện thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu bao gồm: bao bì, mẫu mã hộp đựng… để sản phẩm đến tay khách hàng một cách chỉn chu và phù hợp với giá cả.

Ngoài việc chờ được cấp giấy phép hoạt động công ty, mình cũng đang đợi được cấp bằng sáng chế các dự án khác, mục tiêu tối ưu hóa nguồn tài nguyên có sẵn và xây dựng khu sinh thái vùng ngập mặn đa dạng trong tương lai.

Những người nào, cuốn sách nào, web, podcast, TV show hay tài liệu nào có ảnh hưởng nhất đến bạn?

Sách: Đắc nhân tâm

Podcast: Web5ngay

Bạn sử dụng những công cụ, phần mềm gì?

  • Bán hàng: Zalo, Facebook
  • Giới thiệu sản phẩm: Website trangtraimaigia.com
  • Quản lý hoạt động kinh doanh: Excel

Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?

Hiện tại mình chưa có nhu cầu tuyển thêm người cho dự án

Lời khuyên cho những người đang bắt đầu?

Hãy tiếp tục theo đuổi dự án của mình, đừng để ý đến những lời người khác nói về mình. Đặc biệt là khi họ chưa từng thử việc mình đã làm. Thay vì vậy, chúng ta nên lắng nghe góc nhìn từ người đi trước để đúc kết cho mình những kinh nghiệm trong việc phát triển dự án.

Tìm bạn và dự án của bạn ở đâu?

Facebook: https://www.facebook.com/maitruclam4real

Web: https://trangtraimaigia.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maigiafarm

Tóm tắt

  • Tên dự án: Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn
  • Người được phỏng vấn: Mai Trúc Lâm
  • Vốn khởi đầu: 750 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 109 h/tuần
  • Doanh thu: 0 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 2 người
  • Số nhân viên hiện thời: 0 người
  • Kênh tăng trưởng: ruyền miệng, báo chí/truyền thông, seeding
  • Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha