A Vậy Hả
Trang Chủ » Thời trang gai dầu và khát khao giúp đỡ cộng đồng dân tộc thiểu số

Thời trang gai dầu và khát khao giúp đỡ cộng đồng dân tộc thiểu số

cover image - Thời trang gai dầu và khát khao giúp đỡ cộng đồng dân tộc thiểu số
Thảo Trần - sáng lập Hemp Ơi

Thảo Trần

Sáng lập Hemp Ơi

1

Nhân Viên

“Bên trong mỗi người luôn có khao khát được cho đi, khi mình giúp cộng đồng dân tộc nhận thức được giá trị của họ, thì chính khách hàng Hemp Ơi sẽ cảm nhận và đồng hành cùng mình trên hành trình đó.”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh hay làm dự án gì?

Mình là Thảo Trần, là sáng lập và người điều hành của thương hiệu thời trang bền vững Hemp Oi. Dự án nhằm mục đích đồng hành cùng những tâm hồn mê thời trang và yêu thương Trái Đất này, lan tỏa lối sống xanh bền vững và kết nối cộng đồng với những thông điệp tích cực, ý nghĩa.

Ra đời vào tháng 4/2021, Hemp Ơi là kết tinh từ khao khát hỗ trợ dân tộc vùng cao, tạo thêm thu nhập và gìn giữ nghề dệt vải truyền thống của họ. Tất cả sản phẩm ở đây đều làm từ sợi bền vững và dệt tay bởi đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam với chất liệu đặc trưng:

Vải gai dầu: Trồng tự nhiên và dệt tay bởi đồng bào dân tộc H’Mong – Loại vải được đánh giá là tương lai của Trái Đất xanh vì tính bền vững và thân thiện với môi trường

Vải cotton hữu cơ: Trồng tự nhiên và dệt tay bởi đồng bào dân tộc Lô Lô

Tại sao bạn khởi động dự án? Làm sao bạn có ý tưởng này?

Hemp Ơi được ra đời rất tình cờ qua những lần đi du lịch vùng cao của mình. Đó cũng là thời điểm chuyển giao nhận thức của bản thân khi mình muốn cho đi nhiều hơn, lan toả những điều tốt đẹp và xây dựng một cộng đồng những người trẻ văn minh, tử tế và có lối sống hoà hợp với thiên nhiên.

Trước đây mình đã biết về vải gai dầu, và cũng đi du lịch ở những vùng núi sâu Tây Bắc nhiều. Tuy nhiên, chuyến đi đó là lần đầu tiên mình tận mắt chứng kiến những cánh đồng gai dầu bao la, trù phú.

Đối với người dân tộc thiểu số, hemp ( gai dầu) là một loại cây quý giá được trồng ở khắp mọi nơi. Cả bản làng đều dệt hemp, và những bộ quần áo hemp thường được người dân tộc trân quý, họ chỉ sử dụng trong những dịp lễ tết, làm của hồi môn cho đám cưới,…

Người H’Mông mặc đồ gai dầu không chỉ trong cuộc sống, mà còn cả để sang thế giới bên kia. Chính vì thế, một cách tự nhiên loài cây này gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây.

Khi càng đào sâu tìm hiểu về chất liệu này, mình càng nhận thức được gai dầu chính là món quà kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng. Cây được trồng tự nhiên với 0% thuốc trừ sâu hay hoá chất độc hại, và các sản phẩm từ gai dầu có thể thay thế được nhiều thứ.

Ngoài ra, trong chuyến đến thăm các bản làng dân tộc H’Mông, mình có cơ hội trò chuyện với một em bé hiếm hoi biết tiếng Kinh, em tâm sự với mình về ước mơ được đến trường như bạn bè đồng trang lứa. Bên trong mình dâng lên nỗi niềm xót xa khó tả, và mình tự hỏi bản thân có thể làm được gì giúp em và cả những mảnh đời giống em không. Từ đây ý tưởng về Hemp Ơi ra đời với mong muốn ban đầu nhằm mang lại thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Hemp Ơi ra đời nhằm mang lại thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Thông qua Hemp Ơi, mình muốn đưa mỗi người trở về với những kết nối quan trọng của cuộc đời mình:

Kết nối thiên nhiên

Từ khi sinh ra, chúng ta đã có một mối liên kết vô hình với mẹ thiên nhiên, đó chính là ngôi nhà mang đến cho ta sự sống. Bằng ý tưởng thời trang xanh và lối sống bền vững, Hemp Ơi hy vọng mỗi khách hàng có thể trân trọng và biết ơn món quà Trái Đất ban tặng. Giây phút chúng ta thực sự trở về với thiên nhiên, bên trong sẽ dâng lên rung cảm mãnh liệt dẫn mỗi người đến những kết nối tiếp theo.

Kết nối với con người

Con người và thiên nhiên luôn tồn tại mối quan hệ tương quan về năng lượng, và khi kết nối ấy trở nên sâu sắc, cũng là lúc chúng ta muốn cho đi nhiều hơn. Sử dụng chính sản phẩm dệt tay từ làng nghề truyền thống, mình mong muốn gìn giữ nét văn hóa lâu đời của người dân tộc nơi đây, đồng thời tạo ra cộng đồng gắn kết những người có lối sống xanh, bền vững.

Kết nối với chính mình

Khi khao khát cho đi lớn dần, mỗi người sẽ tự nhiên mong muốn kết nối với chính mình bằng cách trả lời vô vàn câu hỏi đặt ra bên trong mỗi ngày.

Và để những kết nối ấy trở nên sâu sắc, chúng ta cần phải hiện diện trong thực tại. Giữa sự hối hả của cuộc sống, rất khó để chúng ta có hiện diện, vì vậy trong mỗi sản phẩm của Hemp Ơi, mình đều kèm thêm tag với thông điệp – “Here and now, live in the moment” để lan tỏa và truyền cảm hứng sống trân trọng giây phút hiện tại.

Mỗi sản phẩm của Hemp Ơi luôn kèm theo tag “Here, now and live in the moment”

Nhận định của bạn về ngành thời trang bền vững ở Việt Nam?

Hiện tại, ở Việt Nam có rất nhiều thương hiệu thời trang bền vững, nhưng đến gần đây mình mới nhận thấy những dấu hiệu tích cực. Các hãng thời trang nhanh cũng đang bắt đầu hướng tới dòng sản phẩm organic như một cách thể hiện trách nhiệm thương hiệu dành cho cộng đồng. Và chính bản thân mình cũng đã tiếp nhận và hình thành nhận thức về thời trang bền vững từ những thông điệp như vậy.

Có thể nói, các brand thời trang xanh ở Việt Nam đang phát triển theo hướng đi âm thầm, khá kén đối tượng, họ chú trọng xây dựng câu chuyện thông điệp. Chính vì thế nếu muốn ngành thời trang bền vững ngày càng phát triển ở Việt Nam, chúng ta cần tăng cường nhận thức và đẩy mạnh thông điệp giá trị nhiều hơn nữa.

Quá trình mà bạn hình thành nên sản phẩm thời trang gai dầu?

Thuyết phục người dân sản xuất:

Do vải hemp là món đồ rất thiêng liêng gắn liền với đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc H’Mông, và nghề dệt gai dầu được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chính vì thế để họ có thể dệt và kinh doanh mặt hàng này rất khó.

Khi ý tưởng Hemp Ơi xuất hiện, mình quyết định trò chuyện với các cô trong bản về việc dệt bán các sản phẩm vải gai dầu. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất xuất phát từ niềm tin, vì Hemp Ơi là startup nhỏ, người dân nghĩ mình là một du khách vãng lai nên họ rất hoài nghi, và không nghĩ đây là công việc có thể thay đổi cuộc đời họ.

Qua thời gian, mình cố gắng thuyết phục các cô bằng sự chân thành, tử tế, và mình nghĩ một cách nào đó tấm lòng của mình đã chạm đến cô và các cô đồng ý hợp tác. 

Ban đầu, mình gom vải nhiều nơi, từ từng hộ gia đình dệt một và công đoạn đó thực sự gặp nhiều khó khăn. Sau đó mình may mắn kết nối được với một chị trong bản. Giống như mình, chị cũng muốn gìn giữ nghề dệt gai dầu truyền thống trước nguy cơ bị mai một, nên chị cùng các chị em khác trong bản đã quyết định thành lập hợp tác xã để cùng nhau dệt vải và làm đồ thủ công. Dưới sự giúp đỡ của các chị, công đoạn gom vải của mình đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Hợp tác xã dân tộc thiểu số đang dệt vải hemp

Kiểm tra khâu sản xuất

Thực ra, ở Hemp Ơi, từ việc kiểm tra sản xuất đến thành phẩm đều xuất phát từ niềm tin tuyệt đối, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Với mình trong kinh doanh, mọi thứ phải đến từ lòng tin, khi mình làm việc nghiêm túc, chính trực, người ta cũng đáp lại mình bằng những sản phẩm từ tấm lòng.

Như mọi người biết, các sản phẩm thủ công từ gai dầu chắc chắn sẽ không giống như sản xuất công nghiệp hàng loạt. Đôi khi sẽ có những hàng chỉ lệch hàng, màu phấn kẻ còn sót lại, hay sợi vải pha thêm chút màu tự nhiên khi giặt sông,.. nhưng sai sót nhỏ ấy khách hàng lại rất thích. Đó chính là nét đẹp độc đáo trong triết lý Wabi Sabi của người Nhật, trên đời chẳng có gì hoàn hảo, một chiếc bình vỡ cũng có vẻ đẹp riêng, một nếp nhăn trên vải cũng là cả câu chuyện dài…

Mỗi sản phẩm gai dầu của Hemp Ơi đều mang vẻ đẹp trong triết lý Wabi Sabi

Gai dầu là chất liệu phổ biến ở nước ngoài, nhưng tại Việt Nam còn khá mới, bạn có gặp khó khăn gì khi bắt đầu không?

Thực ra, đối tượng khách hàng ban đầu Hemp Ơi hướng đến ở nước ngoài. Vì người ngoại quốc khi đến Việt Nam, họ chỉ biết đến Sài Gòn và Hà Nội, và ít được tiếp xúc với những làng nghề truyền thống. Những dấu ấn văn hóa này nếu không biết gìn giữ sẽ rất dễ mất đi, đặc biệt đặt trong bối cảnh cộng động dân tộc thiểu số đang đang bắt đầu tiếp nhận và ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Kinh.

Khi khảo sát thị trường ở các quốc gia Châu Âu như Đức, Cộng Hòa Séc, Tây Ban Nha, Philippines…mình nhận được phản hồi khá tốt. Thế nhưng, sau khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài đợt đầu tiên thì dịch bùng phát, cả nước lockdown. Lúc đầu, mình khá hụt hẫng vì đang trong tâm thế sẵn sàng đưa Hemp Ơi lên sàn. Nhưng rồi sau khi ngẫm lại, mình nhận ra đây là dấu hiệu cho thấy Hemp Ơi cần được đầu tư và phát triển “chiều sâu” thêm trước khi đánh sang “chiều rộng”. 

Trong khoảng thời gian đó, mình phát hiện tại Việt Nam cũng có rất nhiều bạn trẻ theo đuổi lối sống xanh, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và con số đó đang không ngừng tăng lên, tại sao mình không cố gắng làm tốt tại chính quê nhà trước tiên? Từ đây, mình bắt đầu tập trung xây dựng thông điệp, hình ảnh, website… cũng như chia sẻ câu chuyện của Hemp Ơi.

Hiện tại quy mô của Hemp Ơi còn rất nhỏ. Chúng mình bước đầu có hơn 1000 theo dõi trên instagram và gần 5000 trên facebook.

Bạn có bao giờ sợ hãi khi khởi động dự án với tầm nhìn lớn như vậy?

“Nỗi sợ thì luôn tồn tại bên trong, điều quan trọng là bạn có dám lôi nó ra ngoài và đối diện với nó hay không.”

Trước khi khởi động Hemp Ơi, mình đã từng làm MC, biên tập viên truyền hình, bước đầu đạt chút thành tựu nhỏ của tuổi trẻ. Khi tách ra bắt đầu Hemp Ơi, mình đã từng mang trong mình rất nhiều nỗi sợ. Liệu mình có cân bằng được dự án mình tâm huyết với nhu cầu vật chất thực tế để đi cùng nó một chặng đường dài, liệu mình có đánh mất niềm tin và sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè từ cái bóng của thành tựu nhỏ bé trước kia…. 

Khi từ bỏ mong cầu ổn định, và quyết định bước sang lĩnh vực hoàn toàn mới, mình đã từng có rất nhiều nỗi sợ như vậy. Nhưng khi nhìn vào bức tranh lớn hơn, phải chăng mỗi chúng ta ở đây đều có cho riêng mình một sứ mệnh, một nhiệm vụ được thông qua mình để gửi gắm đến Trái Đất này. Mỗi bước đi là một bước mình tới gần hơn với sứ mệnh ấy. Vậy nên, nếu mình không làm thì ai làm, nếu mình không bắt đầu thì ai bắt đầu, và nếu không làm bây giờ thì khi nào. Nhờ những câu hỏi như vậy, mình mới có đủ dũng khí bước ra nỗi sợ để tìm câu trả lời cho riêng mình.

Làm cách nào để bạn có thể giữ được khách hàng/ người theo dõi?

Xây dựng niềm tin thương hiệu

Thực ra bản thân mình thấy không ai có khả năng “giữ” ai cả. Vì sự lựa chọn luôn nằm ở phía đối phương. Đối với một thương hiệu cũng vậy. Bạn không giữ khách hàng, bạn tạo ra giá trị và khi họ thấy được sự đồng điệu, họ sẽ đồng hành cùng bạn. 

Thời điểm mình ra mắt Hemp Ơi, mọi người gần như chưa biết gì về sản phẩm. Khác với thị trường nước ngoài đã khá quen thuộc với chất liệu gai dầu, ở Việt Nam, mình cần đi từ bước xây dựng nhận thức về sản phẩm thông qua câu chuyện thương hiệu.

Khi đánh vào thị trường Việt, mình xây đắp nền móng cơ bản trước bằng việc giải thích nguồn gốc, lợi ích, cách thay thế của vải hemp, cách nó tác động đến con người và môi trường như thế nào, phương thức mình hỗ trợ đời sống dân tộc thiểu số thông qua thương hiệu ra sao… Mình cũng không ngại ngần thể hiện “màu” của Hemp Oi thông qua những khẳng định, tuyên bố và nghiêm túc thực hiện chúng.

Mình tin tưởng khách hàng đến với Hemp Ơi và họ cũng vậy. Nhu cầu sở hữu sản phẩm có thể có hoặc chưa, nhưng họ biết rằng Hemp Ơi đã, đang và sẽ lan toả những điều tốt đẹp đến cộng đồng. Đồng hành cùng Hemp Ơi giống như sự lựa chọn đồng hành và đi lên cùng một người bạn tích cực vậy. 

Niềm tin thương hiệu là bí quyết Hemp Ơi có được sự tin tưởng của khách hàng

Bài học lớn nhất bạn nhận được khi bắt đầu hành trình này?

Trước đó thời sinh viên mình cũng thử sức với nhiều dự án kinh doanh thời trang nhỏ, sau đó là căn hộ dịch vụ…Tuy nhiên, thời điểm đó mình không xây dựng thương hiệu dựa trên những câu hỏi, lý do lớn bên trong, mà lại chọn những lý do cơ bản như thu nhập để mưu cầu bản thân, nên khi gặp khó khăn, thử thách mình rất dễ mất động lực.

Khi xây dựng Hemp Ơi mình không còn bắt đầu từ mục tiêu doanh số hay lợi ích bản thân mà từ những giá trị sâu sắc hơn. Và mình cũng nhận ra bên trong mỗi người luôn có khao khát được cho đi. Niềm hạnh phúc khi được làm điều gì đó tốt đẹp cho Trái Đất này, cho cộng đồng hay chỉ đơn giản là cho một cá nhân nào đó, mình muốn nó được cộng hưởng và lan toả thông qua Hemp Oi.

Kế hoạch tiếp theo của bạn?

Hiện tại, sản phẩm của Hemp Ơi đang có mặt tại thương hiệu quà tặng bền vững Việt với 1 store ở Crescent Mall, 2 store ở Thảo Điền. Đồng thời mình cũng kết hợp với một website thương mại điện tử chuyên cung cấp những mặt hàng thân thiện với môi trường. Khi tình hình dịch ổn hơn, mình sẽ đưa Hemp Ơi trở lại thị trường nước ngoài, đầu tiên là Châu Âu. Bên cạnh đó, mình cũng đang ấp ủ dự định thiết kế một không gian nhỏ cho Hemp Oi tại Sài Gòn trong năm tới.

Lời khuyên bạn dành cho người mới bắt đầu?

Chỉ cần bạn dũng cảm bắt đầu

Trong kinh doanh, hay khởi nghiệp, khi bắt đầu một hướng đi mới mình nghĩ chúng ta nên tìm kiếm động lực, lý do bắt đầu. Lý do ấy nên xuất phát từ những dấu hỏi lớn trong bạn, thôi thúc bạn trải nghiệm và dấn thân để khám phá câu trả lời. Dù cả thế giới ngoài kia nghĩ gì, chỉ cần bạn tin vào điều mình đang làm. Nếu niềm tin và câu hỏi không đủ lớn, khi gặp thử thách chúng ta thường dễ dàng từ bỏ. Khoảnh khắc bạn tìm thấy “nó” , dù có khó khăn thế nào, có thử thách ra sao, vì bạn tin tưởng, nên sẽ luôn có cách để vượt qua. 

Tìm bạn và dự án của bạn ở đâu?

Website: https://hempoi.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/hempoivn

Instagram: https://www.instagram.com/hemp.oi/

Tóm tắt

  • Nguồn doanh thu: bán sản phẩm
  • Tên dự án: Hemp Ơi
  • Người được phỏng vấn: Thảo Trần
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 50 h/tuần
  • Kênh tăng trưởng: truyền miệng,marketing nội dung, xây dựng cộng đồng, đối tác
  • Số người sáng lập: 1 người
  • Số nhân viên hiện thời: 1 người

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha