A Vậy Hả
Trang Chủ » Cô giáo trẻ biến vải vụn thành mô hình kinh doanh tiềm năng

Cô giáo trẻ biến vải vụn thành mô hình kinh doanh tiềm năng

cover image - Cô giáo trẻ biến vải vụn thành mô hình kinh doanh tiềm năng
Nguyễn Thanh Ngọc Thảo - sáng lập Made By Zy

Nguyễn Thanh Ngọc Thảo

Sáng lập Made By Zy

5Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

1

Nhân Viên

2Tr

Vốn khởi đầu

“Một khi đã bước vào hành trình xanh này, các bạn không hề đơn độc. Mình đã từng hoang mang và rất sợ bị bỏ rơi, nhưng rồi trên hành trình này, có những người bạn đến và luôn giang tay giúp đỡ khi mình cần”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh hay làm dự án gì?

Xin chào, mình tên là Nguyễn Thanh Ngọc Thảo, người tạo ra câu chuyện về Made By Zy- hành trình tái chế vải thành những phụ kiện chăm sóc tóc. Ở made By Zy, chúng mình chuyên sản xuất những phụ kiện như cột tóc, scrunchies, băng đô, nơ kẹp tóc, túi vải đựng bình nước.

Đặc biệt, các sản phẩm này đều được làm thủ công bằng tay. Ở Made by Zy, chúng mình mong muốn mang trải nghiệm sản phẩm đến khách hàng tầm trung, theo đuổi giấc mơ màu xanh và góp phần tạo nên những sản phẩm vải tăng vòng đời cho những tấm vải vụn vô tri thành những sản phẩm bền vững.

Ra đời vào năm 2020, hiện tại Made By Zy đang ở quy mô nhỏ. Doanh thu dao động từ 4.000.000-5.000.000/ tháng. Đồng thời mình cũng chỉ đang làm 1 mình do tính chất công việc và thời gian. Hiện trang Page đạt khoảng 8000 người theo dõi

Tại sao bạn có ý tưởng kinh doanh phụ kiện từ vải vụn?

Tháng 2/2020 sau khi ra trường, trong một dịp về quê ở Cần Thơ, mình tình cờ nhìn thấy dì mình – vốn là một thợ may, đang tiến hành may những tấm vải vụn không còn sử dụng để tạo ra những bộ đồ đẹp. Thấy thú vị, mình đã xin dì một số miếng vải để tận dụng may cột tóc và túi ly vải khi rảnh vào ngày cuối tuần.

Ban đầu chỉ định thử may cho vui thôi, nhưng kết quả bất ngờ, mình may được một chiếc cột tóc xinh xinh, 1 túi ly vải đẹp để có thể tạm biệt với chiếc túi nilon. Điều này dần tạo ra thói quen sống xanh của mình đến tận bây giờ.

Mặc dù biết tái sử dụng vải vụn từ lâu, nhưng ý tưởng về việc cho mọi người trải nghiệm những sản phẩm tái chế từ vải vụn lại đến trong một lần ngồi uống nước với 1 người bạn thân. Bạn ấy đang làm cho một dự án thiện nguyện mang nước sạch đến người dân vùng cao, tuy nhiên kinh phí hoạt động vẫn chưa có.

Trong lần nói chuyện đó, mình đã nảy ra ý tưởng bán các sản phẩm của mình để trích ra 1 phần tiền gây quỹ hỗ trợ cho dự án của bạn, và rất may là dự án cũng như sản phẩm được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Trên đà đó, mình quyết định thành lập Made By Zy với mong muốn khuyến khích mọi người nâng cao tinh thần tái chế, tái sử dụng, tiết giảm việc thải rác ra môi trường.

Ít ai biết các sản phẩm băng đô này được tái sử dụng từ vải vụn

Hiện tại, bên cạnh công việc chính là một giáo viên cấp 2, tất cả thời gian còn lại bao gồm cuối tuần mình đều đầu tư cho Made By Zy.

Đọc thêm: Thời trang gai dầu và khát khao giúp đỡ cộng đồng dân tộc thiểu số

Quá trình mà bạn hình thành nên sản phẩm?

Lọc vải

Ở Made By Zy, các sản phẩm chủ yếu được may từ nguồn vải vụn. Ban đầu mình có nhận quần áo cũ về cắt may, nhưng về sau do thiếu nhân sự nên đến giờ mình chỉ nhận vải vụn thôi.

Tưởng chừng mọi chuyện trở nên đơn giản, nhưng việc xử lý số vải vụn này cũng đem đến cho mình khá nhiều khó khăn. Bởi đặc thù các phụ kiện tóc kích thước khá bé, nên mình chỉ chọn lựa những miếng vải trung bình. Trong quá trình lọc vải, có những mảnh vải vụn quá không sử dụng được, lại có những miếng vải khá lớn vượt quá so với kích thước sản phẩm. Thời điểm đó mình không biết phải mang những tấm vải đó đi đâu.

Sau này, mình nghĩ ra cách đăng bài tặng những tấm vải lớn trong những hội nhóm tặng cho những người cần hơn. Dần dần thì công đoạn này cũng diễn ra ổn định.

Tạo rập và cắt may

Thật ra khi bắt đầu dự án Made By Zy, mình như một tấm chiếu mới hoàn toàn. Ban đầu mình dự định may khoảng 5-10 cái thôi thì có thể may tay được, nhưng sau này dần xuất hiện xu hướng scrunchies, nên nhiều khách có nhu cầu đặt mua sản phẩm nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc mình phải may với số lượng lớn. Chính vì thế, mình chọn cách tạo rập, tức là tìm ra số đo chuẩn đẹp nhất, sau đó cắt ra hàng loạt.

Do may bằng tay nên với mỗi cái băng đô, cột tóc,…mình đều hoàn thành trong khoảng 60 phút. Vì mất quá nhiều thời gian, nên sau này mình quyết định đầu tư mua một chiếc máy may nhỏ, nhờ vậy mà công đoạn may sản phẩm rút ngắn hơn rất nhiều.

Chiếc máy may nhỏ đã giúp Thảo tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều

Ngoài ra, mỗi sản phẩm có số lượng giới hạn tùy theo số lượng vải, có nhiều mẫu mình chỉ may được 1-2 cái, và không thể sản xuất hàng loạt, nhiều khách muốn mua một mẫu với số lượng lớn nhưng không được, mình cũng khá buồn. Tuy nhiên, theo mình, mỗi món đồ bạn mua ở Made By Zy đều mang vẻ độc đáo, đó chính là nét đẹp của những sản phẩm tái sử dụng.

Mỗi sản phẩm ở Made By Zy đều mang nét độc đáo rất riêng

Đọc thêm: Vốn 10 triệu, xây dựng cửa hàng đồ cói top 1 nhiều bài đánh giá

Bạn bắt đầu bán những sản phẩm của mình như thế nào? Khó khăn ra sao?

Đi tìm nguồn ra

Những ngày đầu tiên, mình tái chế được 100 sản phẩm bao gồm cột tóc và băng đô. Thế nhưng suốt 5 tháng đầu, quanh đi quẩn lại chỉ bán được 20 chiếc. Và để đạt được mục tiêu truyền thông sản phẩm và lan tỏa thói quen sống xanh, mình buộc phải tìm nguồn phân phối hàng cho Made By Zy.

Thời điểm tìm đầu ra cho Made By Zy, mình phải đối mặt với sức cạnh tranh cực kỳ lớn từ những sản phẩm phụ kiện giá rẻ bày bán trên các sàn thương mại điện tử, vốn thường được gia công với số lượng lớn.

Mình đã mất rất nhiều thời gian để loay hoay đi tìm sự công nhận cho sản phẩm. Suốt thời gian dài giới thiệu, câu trả lời mình nhận được vẫn luôn là “ KHÔNG” hoặc “ Không phù hợp”. Liên tục bị mọi người từ chối, mình cũng khá nản. Mình thậm chí cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý chấm dứt dự án.

Bày bán trên hội chợ sống xanh

Như một hy vọng cuối cùng, mình quyết định đăng một bài viết vào group Ý tưởng tái sử dụng – Người tiêu dùng xanh cốt để giới thiệu Made By Zy và tìm người cộng tác. Bất ngờ thay, từ bài viết này, một chị liên hệ mình mang sản phẩm đến phiên chợ “Sống Xanh” để trưng bày. Cơ hội này như tia sáng cuối đường hầm , vì vậy mình không ngần ngại mà quyết định tham gia.

Khi mở gian hàng tại hội chợ, ban đầu khách vẫn nghĩ các sản phẩm ở Made By Zy là những sản phẩm mua đi bán lại. Nhưng bằng đam mê, niềm tin vào sản phẩm, mình tận tình giải thích rằng đó là vải vụn để khách nắm được tinh thần cùng thông điệp của sản phẩm. Và mình không ngờ đến là họ đón nhận và ủng hộ câu chuyện Made By Zy nhiệt tình, nó như tiếp thêm niềm tin để mình bước tiếp.

Tham dự hội chợ sống xanh chính là tia sáng cuối đường hầm của Thảo

Sau lần bày bán gian hàng tại hội chợ, mình nhận được thêm lời mời cộng tác từ Trạm Xanh. Từ đây, qua những lần trao đổi trực tiếp với khách, mình chính thức biết cách tiếp cận và duy trì nguồn khách hàng của Made By Zy cho đến giờ.

Hiện những khách hàng biết và quan tâm đến sản phẩm của mình cũng xuất từ tình yêu môi trường nên đa số là khách hàng khá dễ thương. Có những chị khách mua hàng xong và còn đóng góp 1 chút ít để duy trì dự án điều đó làm mình thật sự rất rất vui.

Tuy nhiên, cũng chín người mười ý, vì nguồn vải của mình hiện đang được “tặng lại” nên khi đưa ra với giá thành ngang với giá thị trường thì cũng có nhiều ý kiến phản hồi lại nhưng nhìn chung là mọi người đều thích và ủng hộ mình cũng như chặng đường sắp tới. 

Mở workshop lan truyền thông điệp

Bên cạnh việc may và bán sản phẩm, vào mỗi cuối tuần mình thường tổ chức những buổi workshop tự tay làm những phụ kiện từ vải vụn. Những workshop này hướng đến đối tượng là giới trẻ, các bạn nhỏ từ 6 – 12 tuổi. Mình mong đây sẽ là nơi trải nghiệm để mọi người có thể hình dung và ý thức được tầm ảnh hưởng của mình đến môi trường xung quanh.

Những workshop nhỏ luôn được Thảo đều đặn tổ chức mỗi cuối tuần

Làm cách nào để bạn truyền thông điệp của Made By Zy đến đối tượng là trẻ em?

Đa số phụ huynh ngày nay đều khá quan tâm đến vấn đề môi trường và có ý thức giáo dục từ sớm cho các bạn nhỏ. Và họ chọn workshop của Made By Zy như một nơi để gửi con đến học tập thêm vào cuối tuần.

Thực ra, với các bạn nhỏ, mình không cố gắng áp đặt thông điệp sống xanh, bảo vệ môi trường ngay lập tức, mình cần thời gian để cho các bạn hiểu.

Ở buổi đầu tiên mình sẽ cho bạn nhỏ tiến hành phân loại vải, sau đó giải thích tính chất của từng loại. Tiếp đến, ở buổi thứ 2, sau khi biết được công dụng của từng loại vải, mình sẽ cho các bé quan sát vòng đời và hành trình phân hủy của vải. Và phân tích cho các bạn hiểu với mức độ phân hủy khác nhau, khi bé vứt xuống sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.

Bằng việc xây dựng nhận thức, mình truyền những thông điệp sống xanh vào thế giới quan của con trẻ. Các bạn sẽ trực tiếp làm sản phẩm, và kể cho ba mẹ nghe hôm nay đã học được những gì ở workshop. Các bạn đến học khá vui, có những nhóm sinh viên tham gia workshop để tiến hành mô hình khởi nghiệp xanh của riêng bạn . Điều này, cho mình thấy được dấu hiệu tích cực chứng tỏ hành trình của Made By Zy đã đi đúng hướng.

Các bạn nhỏ thực hành cắt may, phân loại vải ở workshop

Làm cách nào để bạn có thể giữ được khách hàng/ người theo dõi?

Bảo hành

Phân khúc khách hàng Made By Zy hướng tới là các bạn học sinh, sinh viên, nên mỗi sản phẩm chỉ có giá từ 15-20k.

Thông thường, khi các bạn mua hàng ở Made By Zy, mình sẽ có những chính sách bảo hành sản phẩm, dù khách chỉ mua một chiếc cột tóc giá 15k, nhưng nếu có vấn đề bạn có thể mang đến Trạm Xanh, chúng mình sẽ thu hồi và sửa chữa. Chính điều này gắn liền với tinh thần của tiệm – khuyến khích các bạn giảm thiểu tối đa việc mua mới, nâng cao tinh thần tái sử dụng.

Tích điểm đổi quà

Bên cạnh bảo hành, chúng mình cũng có chính sách mua hàng tích điểm để đổi lấy túi đựng vải nước (cupholder) . Sau khi khách mua hàng, mình còn viết kèm theo một tag nho nhỏ gửi lời cảm ơn đến những khách hàng đồng hành cùng Made By Zy cho đến hiện tại.

Với mỗi lần mua hàng ở Made By Zy bạn sẽ được tích điểm đổi cupholder

Mình không chạy quảng cáo, mà chủ yếu thu hút khách hàng thông qua truyền miệng. Sắp tới là dịp lễ 8/3, đây là dịp đặc biệt của Made By Zy, là thời điểm mà chúng mình có nhiều ưu đãi, ví dụ như mua 1 tặng 1. Vào dịp này bạn có thể tha hồ sắm cho mình một chiếc túi đựng nước chỉ với giá 15k, rất đáng để đón chờ.

Từ khi khởi đầu, bạn đã học được gì?

Lý trí nhiều hơn

Bản thân mình là người sống và làm việc rất tình cảm. Có những thời điểm vì làm việc theo cảm xúc nên mình bị mất khá nhiều mối quan hệ, mình rất buồn.

Từ kinh nghiệm của mình, trong kinh doanh chúng ta nên học cách làm việc lý trí, đặc biệt là trong vấn đề nhân sự. Khi bắt đầu công việc, hãy cố gắng sắp xếp mọi thứ rõ ràng, cộng sự nên hợp tác trên tinh thần win-win, hỗ trợ lẫn nhau – tôi không bỏ bạn bạn không bỏ tôi.

Mặc dù tình cảm sẽ đem đến sự cộng tác, nhưng để mối quan hệ trở nên bền chặt, mọi sự cộng tác phải hướng đến tinh thần chung. Nếu không phân biệt rạch ròi, chúng khó tiến xa được trên hành trình của mình.

Cứ làm đi

Trước đó khi bắt đầu vận hành Made By Zy, gia đình đã từng phản đối, và ba mẹ hướng mình đến công việc theo đúng chuyên ngành đã học. Có những thời điểm mình hoài nghi về bản thân về dự án. Khi hỏi ý kiến bạn bè người thân thì luôn có những luồng ý kiến tích cực, lẫn tiêu cực khác nhau, dần khiến mình mâu thuẫn.

Dần dần mình học được cách tin vào bản thân, kiên trì với giấc mơ, và đó chính là khởi đầu cho chuyến xe tích cực mà mình và Made By Zy đã và đang gửi đến cộng đồng.

Kế hoạch

Made By Zy đang đi chậm lại, bởi sau dịch bệnh thói quen mua sắm của mọi người dần tiết giảm hơn, hiện tại mình tập trung sản xuất những dòng sản phẩm chính, và thời gian còn lại mình dành để học hỏi, giúp đỡ các bạn Gen Z trên hành trình khởi nghiệp “xanh”.

Lời khuyên bạn dành cho người mới bắt đầu?

Đầu tiên các bạn phải biết mình là ai và mình đang ở đâu? khi biết được mình đang ở đâu thì bạn cần xác định mình phải làm gì trong khả năng của mình. Ý tưởng chỉ là một phần trên giấy việc thực hiện hóa mới chính là vấn đề mà các bạn cần phải làm.

Đặc biệt, các bạn phải vững về tâm lý, vì khi các bạn quyết định theo đuổi thời trang xanh đồng nghĩa với việc bạn phải đối đầu với fast fashion – một nhánh thời trang không ngừng thay đổi theo trào lưu.

Mình nghĩ các bạn nên có ekip đồng hành hỗ trợ như hậu cần, truyền thông, và sáng tạo nội dung. Mặc dù đi một mình bạn cũng có thể về đích, nhưng nếu cộng tác với team, các bạn có thể đi nhanh và phát triển tốt hơn cùng nhau.

Và tin mình đi, một khi đã bước vào hành trình xanh này, các bạn không hề đơn độc. Mình đã từng hoang mang và rất sợ bị bỏ rơi, nhưng rồi trên hành trình này, có những người bạn đến và luôn giang tay giúp đỡ khi mình cần. Cho nên hãy cứ làm đi, cứ đi đi. Tặng các bạn câu này mà mình khá thích “ Do what they think you can do” .

Tìm bạn và dự án của bạn ở đâu?

Facebook: http://facebook.com/MadebyZy

Số điện thoại: 0901447269

Tóm tắt

  • Nguồn doanh thu: bán sản phẩm
  • Tên dự án: Made By Zy
  • Người được phỏng vấn: Nguyễn Thanh Ngọc Thảo
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 24 h/tuần
  • Kênh tăng trưởng: Facebook, xây dựng cộng đồng, đối tác, báo chí/truyền thông)
  • Doanh thu: 5 triệu/tháng
  • Vốn khởi đầu: 2 triệu VND
  • Số người sáng lập: 1 người
  • Số nhân viên hiện thời: 1 người

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha