A Vậy Hả
Trang Chủ » Doanh thu 100 triệu/tháng từ chuỗi bánh mì Việt

Doanh thu 100 triệu/tháng từ chuỗi bánh mì Việt

cover image - Doanh thu 100 triệu/tháng từ chuỗi bánh mì Việt
Lê Tấn Thành - sáng lập Viet’s Bread

Lê Tấn Thành

Sáng lập Viet’s Bread

80-100Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

7

Nhân Viên

233Tr

Vốn khởi đầu

“Sau khi đã cân nhắc và suy nghĩ cẩn thận rồi thì các bạn cứ bắt tay vào làm thôi. “

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh gì?

Thương hiệu bánh mì Viet’s Bread

Mình là Thành, sinh viên năm cuối ngành truyền thông số tại đại học RMIT Việt Nam. Hiện tại mình đang làm freelancer UI/UX design (Thiết kế giao diện/trải nghiệm người dùng).

Bên cạnh đó, mình đang phát triển mô hình kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh (bánh mì), cung cấp nguyên liệu và nhượng quyền thương hiệu Viet’s Bread cùng với một người anh từ tháng 10/2019 đến nay. 

Các bạn cũng có thể thấy các xe bánh mì của mình ở nhiều nơi như: vòng xoay tòa nhà PV Tower huyện Nhà Bè, đối diện trường Đại học Tôn Đức Thắng, vòng xoay dưới chân cầu Him Lam, trong một số chuỗi siêu thị tiện lợi, phòng gym và các quán cafe ở quận 7, quận 4.

Ngoài ra thì Viet’s Bread cũng có xuất hiện trên các app như Baemin, GoFood.

Xem thêm: Cách cô chủ 8X tiệm trà Hemilys Tea thành công giữa đại dịch

Ý tưởng mở chuỗi bánh mì đến từ đâu?

Mình rất thích đọc các bài báo trên tạp chí Forbes Việt Nam và theo dõi các ông lớn trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Nhờ vậy mình nhận ra được một thị trường ngách ở ngành thực phẩm mà hầu như chưa thương hiệu nào đầu tư bài bản và có quy mô lớn. Đó là thị trường thức ăn nhanh với sản phẩm là những món ăn quen thuộc tại Việt Nam như xôi, bánh mì,… Vì vậy mình đã chọn món bánh mì để kinh doanh bởi nó vừa nhanh vừa mang bản sắc hương vị truyền thống của người Việt.

Đầu tư về branding bao gồn logo, đồng phục,…

Lúc đó mình có một anh bạn cũng quan tâm về thị trường này nên hai anh em rủ nhau làm chung. Tụi mình thấy đa số những chỗ bán bánh mì hiện nay là tự phát, chưa có quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chưa thật sự đầu tư về thương hiệu. Nhận ra cơ hội thế là mình bắt tay vào làm branding và đầu tư nhiều cho chất lượng sản phẩm.

Dự án này hướng đến phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là tầng lớp lao động, học sinh và sinh viên – những người thu nhập thường không quá dư dả, phải dùng bữa vội trước giờ làm, giờ học. Nhưng họ chắn chắc vẫn cần thực phẩm chất lượng và tiện lợi.

Quá trình xây dựng chuỗi thức ăn nhanh Việt như thế nào?

Mua công thức rồi chế biến lại để ra được hương vị riêng của thương hiệu

Lúc đầu mình mua công thức các món bánh mì từ một đầu bếp từng làm trong nhà hàng – khách sạn New World. Nhưng mình học design nên chẳng biết gì mấy về nấu nướng. Vì vậy mình lại phải nhờ người quen có chuyên môn giúp thêm mắm thêm muối vào để ra được công thức chính thức của Viet’s Bread. Song song đó mình bắt tay vào làm branding cho thương hiệu để khách hàng dễ nhận biết cũng như tạo sự khác biệt với các dự án khác.

Đối với mình, khó khăn nhất có lẽ là việc bảo đảm được những bộ tiêu chuẩn chất lượng đề ra. Ví dụ để tìm được chỗ in bao bì ưng ý và đạt chuẩn FDA là công đoạn khá vất vả. Vì tìm trên mạng thì dễ nhưng chi phí lại đắt đỏ nên mình phải chọn lọc, tìm kiếm rất nhiều mới ra được một chỗ phù hợp với ngân sách mà vẫn đạt chuẩn. Mình cũng đã phải đi khắp nơi để thu mua những xe bánh mì và các dụng cụ cần thiết vừa đạt chuẩn an toàn thực phẩm và vừa có thể dùng dài hạn.

Bắt đầu bán những ổ bánh mì đầu tiên như thế nào?

Lúc đó mình đang học năm 2 Đại học và quyết định gap 1 năm để đi làm. 1 năm đó mình làm cùng lúc 2 công việc. Sáng mình làm design in-house cho một công ty mỹ phẩm, chiều về thì thực hiện dự án xe bánh mì như thiết kế bao bì, menu, chụp hình sản phẩm,…. Cuối tuần mình lại đi vòng quanh tìm địa điểm, liên hệ với các đối tác phòng trà, phòng gym, tiệm net, quán cafe,… cần đồ ăn sáng.

Mình bắt đầu bán vào đúng mùa mưa, cực lắm vì phải dầm mưa, có khi dầm cả ngày luôn. Nhưng vì mình có chạy chương trình khuyến mãi, vị trí cũng đẹp, dễ nhìn dễ mua và hương vị được đầu tư kỹ càng nên bán tốt lắm. Nhiều người ngày nào cũng ghé ăn vài ổ rồi mua thêm đem về cho người thân nữa. Nên dù cực nhưng mình vẫn thấy vui vì sản phẩm của mình được nhiều người ủng hộ.

Sau tầm 1 tháng thì mình có ký hợp đồng trở thành đối tác quán ăn của Baemin và GoFood. Tuy hoa hồng phải trả là 20-25%, khá cao nhưng mình thấy xứng đáng vì đây là kênh 1 kênh marketing và tăng uy tín thương hiệu rất hiệu quả. Việc cộng tác với các app được nhiều người sử dụng thì đã tăng độ nhận diện và tần suất tiếp cận được khách hàng rồi. Thêm vào đó, để được ký hợp đồng với app thì thương hiệu phải đảm bảo rất nhiều điều kiện về sản phẩm, thiết kế cửa hàng, thực đơn, địa chỉ,… và phải cung cấp các giấy tờ như giấy phép ĐKKD, giấy đăng ký địa điểm, CMND/CCCD/Passport. Điều đó sẽ càng làm tăng uy tín cho thương hiệu của mình.

Các app là 1 kênh marketing rất hiệu quả

Chuỗi bánh mì hiện hoạt động ra sao?

Hiện tại do tình hình giãn cách xã hội dài hạn nên tất cả mọi hoạt động kinh doanh của dự án đều đình trệ mà vẫn phải gánh tiền mặt bằng nên cũng khá là khó khăn. Mình hi vọng sau dịch thì tình hình sẽ khả quan hơn. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, mình tin Viet’s Bread sẽ càng mang lại nhiều giá trị thiết thực, dễ tiếp cận người dùng mục tiêu hơn nữa với giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo. 

Bí quyết tìm tìm và giữ khách hàng cho chuỗi bánh mì?

1. Vị trí tốt

Vị trí mặt bằng đẹp là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Vị trí đó phải đáp ứng sự thuận tiện tối đa cho khách hàng: giúp khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy, dễ dàng dừng xe để chờ lấy sản phẩm,… 

Vị trí tốt giúp khách hàng dễ thấy và dễ mua

2. Đảm bảo chất lượng

Thêm vào đó hương vị phải được nghiên cứu sao cho phù hợp với đối tượng khách hàng và đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng của tất cả các điểm bán. Vì mình cộng tác với các quán bar, chuỗi cafe, trà sữa, phòng gym, tiệm net và siêu thị mini,… nên điều này khá quan trọng. 

3. Hợp tác nhiều nơi phân phối

Cộng tác với nhiều nơi để phân phối sản phẩm

Mục đích của việc cộng tác nhiều nơi là vì mình muốn tăng độ phủ thương hiệu, khách hàng có sự nhắc lại thương hiệu nhiều lần, ở nhiều vị trí cũng như thời điểm khác nhau trong cùng một ngày. VD: sáng trên đường đi làm bạn dừng lại mua một ổ bánh mì, hay thậm chí chỉ thoáng nhìn thấy thương hiệu của mình thôi. Trưa bạn lên app đặt đồ ăn gặp lại thương hiệu của mình. Chiều bạn đi gym hay đi trà sữa, cafe thì cũng sẽ gặp lại thương hiệu đó. Cứ thế ngày qua ngày thương hiệu của mình sẽ ở trong tâm trí bạn. Và trong bao la cửa hàng bánh mì ngoài kia, mỗi khi muốn ăn bánh mì hay thức ăn nhanh nào đó, bạn sẽ nhớ đến thương hiệu Viet’s Bread đầu tiên. Đó là cách mà mình duy trì thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Kinh nghiệm thực tiễn khi kinh doanh chuỗi bánh mì?

Mình học được cách lên kế hoạch và sắp xếp thời gian, biết cái nào cần ưu tiên để đầu tư thời gian vào. 

Bên cạnh đó về mảng tài chính, mình phải biết cân đối dòng tiền sao cho thu chi hợp lý. Lương nhân viên, các khoản thưởng phạt, làm marketing,… phải đảm bảo cân đối. Nói chung mình phải cân nhắc làm sao để ngân sách không bị thâm hụt và có thể cắt giảm chi phí tối đa. 

Ngoài kiến thức về làm kinh doanh thì thời gian thực hiện dự án còn giúp mình hoàn thiện kỹ năng về chuyên môn thiết kế. Mình hiểu rõ hơn về quy trình in ấn, cách thiết kế và vận hành một trang web như thế nào. Mình còn biết cách hợp tác với báo chí để truyền thông, tạo uy tín cho thương hiệu và cả cách thương lượng với các đối tác phân phối, chủ mặt bằng. 

Người hay tài liệu nào có ảnh hưởng nhất đến chuỗi bánh mì Việt?

Người anh co-founder có lẽ là người ảnh hưởng đến mình nhiều nhất. Anh đã từng kinh doanh nhiều năm và ở nhiều lĩnh vực rồi nên kinh nghiệm thương trường cũng dày dặn cho đàn em học theo.

Mình cũng hay đọc sách về nhiều lĩnh vực như kinh doanh, tâm lý, self-help, thiết kế. Mình trả phí đồng thời nhiều app sách nói như fonos, voiz fm,… để nghe luôn. Ngoài kiến thức thì sách sẽ giúp mình có động lực làm việc và có nhiều ý tưởng hơn cho việc kinh doanh.

Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?

Hiện mình đang tuyển nhân viên bán hàng part-time. Các bạn hãy liên hệ mình qua những đường link bên dưới.

Công cụ, phần mềm gì cần cho quản lý chuỗi?

Mình chỉ dùng mỗi excel để quản lý việc kinh doanh thôi. 

Mình có dùng thêm Notion để ghi chú với lên kế hoạch. Đây cũng là một app khá hay mà mọi người có thể tham khảo.

Lời khuyên cho người mới bắt đầu kinh doanh chuỗi?

Suy nghĩ là cần thiết nhưng làm việc mới quan trọng. Sau khi đã cân nhắc và suy nghĩ cẩn thận rồi thì các bạn cứ bắt tay vào làm thôi. Trong quá trình thực hiện bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng hơn, từ đó bạn sẽ có động lực để phát triển bản thân và công việc kinh doanh. Nếu bạn cứ mãi ngồi suy nghĩ thì sẽ chẳng có gì xảy ra cả.

Tìm bạn và chuỗi bánh mì của bạn ở đâu?

Facebook cá nhân: facebook.com/kai.nhok.9

Tóm tắt

  • Tên dự án: Viet’s Bread
  • Người được phỏng vấn: Lê Tấn Thành
  • Vốn khởi đầu: 233 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 60-72 h/tuần
  • Doanh thu: 80-100 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 2 người
  • Số nhân viên hiện thời: 7 người
  • Kênh tăng trưởng: Truyền miệng, marketing truyền thống, đối tác, báo chí/truyền thông
  • Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm, nguyên liệu, phí nhượng quyền, phí duy trì, bảo trì

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha