A Vậy Hả
Trang Chủ » Câu chuyện khởi nghiệp khóa học Business Analyst và Product Owner

Câu chuyện khởi nghiệp khóa học Business Analyst và Product Owner

cover image - Câu chuyện khởi nghiệp khóa học Business Analyst và Product Owner
Nguyễn Lê Thành Quý - sáng lập True Skill Center

Nguyễn Lê Thành Quý

Sáng lập True Skill Center

200Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

3

Nhân Viên

“Chất lượng mới chính là thứ giữ chân khách hàng.”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh hay làm dự án gì?

Mình là Quý, mình nhà sáng lập True Skill Center – trung tâm cung cấp khóa học về Business Analyst và Product Owner theo phong cách thực chiến từ tháng 10/2020. True Skill Center được phát triển dựa trên nền tảng giáo dục thuần túy hướng đến chất lượng, giúp học viên phát triển những kỹ năng thực chiến trong ngành Business Analyst. Ngoài ra, mình cũng đào tạo kỹ năng phỏng vấn và review CV cho học viên.

Thực ra, công việc chính của mình Product Manager ở Ngân hàng CIMB Việt Nam và mình cũng đang vận hành một công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên, mình luôn có khát vọng trở thành một nhà đào tạo và không muốn mãi đi làm thuê cho người khác. Vì thế, tận dụng kỹ năng tư duy và kinh nghiệm quản lý từ công việc chính, mình quyết tâm tạo ra True Skill Center.

Sau 1 năm thành lập, True Skill Center đã đồng hành cùng 200-300 học viên suốt 5 khóa. Trước đó mình thuê mặt bằng dạy offline ở Sài Gòn, do tình hình dịch bệnh nên các lớp học chuyển sang online. Tưởng như thách thức nhưng đây là cơ hội để mình thay đổi định hướng phát triển để thích nghi với thị trường. Nhờ chuyển đổi mô hình online, True Skill Center đã tiếp cận thêm tệp học viên từ các tỉnh khác, thậm chí có những bạn du học sinh ở Mỹ, Singapore,.. tham gia khóa học.

Xem thêm: Doanh thu 100 triệu/tháng từ khóa học phát triển bản thân

Khóa học thực chiến Business Analyst được bắt đầu như thế nào?

Xuất phát điểm của mình là sinh viên Công nghệ thực phẩm, sau khi tốt nghiệp mình đi làm 1 năm nhưng thấy không hợp. Chính vì thế, mình bắt đầu hành trình trải nghiệm các ngành nghề khác nhau để tìm kiếm con đường riêng, cho đến năm 25-26 tuổi mình mới biết đến Business Analyst. Khi đến với nghề này, mình có cơ hội phát triển óc phân tích sự linh hoạt, cùng khả năng giao tiếp, bởi mỗi dự án là một thử thách khác nhau buộc mình phải tư duy để tìm ra giải pháp mới. Từ đó mình nhận ra đây chính là hướng đi mà mình muốn theo đuổi.

Xem thêm: Doanh thu 60 triệu/tháng từ lớp học tài chính cá nhân

Sau khi làm việc nhiều năm trong lĩnh vực này, mình tham gia vào những cộng đồng BA/PO chia sẻ kinh nghiệm làm nghề và nhận được rất nhiều phản hồi từ các bạn sinh viên sắp ra trường, yêu thích nghề nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Khi trò chuyện và định hướng cho hàng trăm bạn, mình nhận ra hai lý do chính khiến Business Analyst dù là một ngành đầy triển vọng nhưng lại đang “khát” nhân lực ở Việt Nam:

Chất lượng đào tạo chưa tốt

Chất lượng đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam đang thiếu sự tập trung. Đặc biệt các chương trình học hiện tại được thiết kế dàn trải nhưng không chuyên sâu và thiếu định hướng phù hợp. Đồng thời, một số giảng viên chỉ có kỹ năng giảng dạy chứ chưa đủ kinh nghiệm làm việc ở các doanh nghiệp, do đó họ chủ yếu giảng dạy dựa lý thuyết nên không đáp ứng được thị trường. 

Nhân lực thiếu kỹ năng

Từ đó họ đào tạo ra thế hệ sinh viên thiếu khả năng thu hút nhà tuyển dụng. Các bạn sinh viên sau khi ra trường không thể làm việc ngay lập tức, mà phải mất khoảng từ 1-2 năm để bổ sung thêm các kỹ năng chuyên ngành để thích ứng với thị trường lao động. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và tiềm lực tài chính để trau dồi các kỹ năng đó, dẫn đến mỗi năm rất nhiều sinh viên chuyển ngành vì không biết hướng đi phù hợp.

Trong khi đó Business Analyst là ngành khá mới ở Việt Nam, ngách thị trường rộng nhưng sinh viên lại không được đào tạo đủ để đáp ứng, dẫn đến phát sinh lỗ hổng lớn làm lãng phí tiềm lực quốc gia. Từ những lý do đó, mình quyết định thành lập True Skill Center với sứ mệnh thay đổi bộ mặt giáo dục Việt Nam. 

Từ kinh nghiệm giảng dạy 7 năm từ hồi sinh viên, cùng với kinh nghiệm làm nghề, mình đưa những dự án, domain thực tế mình từng làm để học viên trải nghiệm từ lúc bắt đầu đến khi thành một sản phẩm software hoàn chỉnh. 

Mặt khác, để trở thành một Business Analyst (BA) chuyên nghiệp, kiến thức của bạn phải bao hàm giữa business và công nghệ. Đồng thời, BA có tính tương tác khá cao, bạn cũng cần trau dồi kỹ năng giao tiếp có mục đích, bao gồm một chuỗi kỹ năng như thuyết trình, phản biện, mô tả vấn đề, thuyết phục, truyền đạt thông tin,… Có thể nói đây là một ngành khó, không phù hợp với những bạn thích ổn định, nhưng đổi lại thu nhập rất cao, khoảng 5-40 triệu.

May mắn mình phát hiện ra nghề này khá sớm. Nếu nhận ra trễ, có thể mình sẽ gặp một số trở ngại thị trường, đồng thời phải cạnh tranh với nguồn lao động trẻ hiện tại. Chính vì thế mình luôn khuyến khích các bạn trẻ nếu thích BA hãy cứ tiến tới, hãy trau dồi, học hỏi không ngừng và hãy dám khác biệt. Bởi vì cuộc đời là chặng đường thử thách, chỉ khi vượt qua, ta mới khai phá được tiềm năng bên trong chính mình.

Xem thêm: Khoá học Design & Art hơn 10.000 học viên từ số 0

Quá trình xây dựng khóa học Business Analyst? 

Ban đầu, mình nghĩ đơn giản chỉ mở lớp dạy và chưa có định hướng phát triển True Skill Center thành mô hình startup như hiện tại. Do đó khi bắt đầu mình gặp một số khó khăn nhất định.

Đầu tiên chính là việc xây dựng một concept khóa học hoàn chỉnh. Mình phải nghiên cứu  và liệt kê kỹ năng cần training cho học viên. Khóa đầu tiên chỉ có 3 bạn học viên nên mình tốn rất nhiều thời gian, so với thu nhập từ công việc chính thì thù lao từ True Skill Center không đáng. Tuy nhiên, vì đam mê nên mình bắt đầu phát triển và tìm ra cách giảng dạy hiệu quả để học viên hiểu sâu hơn về Business Analyst.

Bên cạnh đó, mình còn gặp một số trở ngại trong quá trình tuyển sinh và chăm sóc khách hàng. Do mình không chạy quảng cáo nên chẳng ai biết đến True Skill Center, fanpage cũng chỉ vài chục follow. Từ đó mình nhận ra cách làm này chưa hiệu quả. 

Vì vậy, mình bắt đầu viết bài chia sẻ kinh nghiệm trên các cộng động nhiều hơn. Từ kiến thức nghề cùng kỹ năng viết từ thời đi học, mình tạo ra những bài viết truyền cảm hứng sống đến các bạn trẻ, về con đường phát triển và trở thành Business Analyst của bản thân. Những bài đăng này nhận được lượt like/share khá cao, True Skill Center cũng tiếp cận được với nhiều người hơn. 

Hiện tại sau 1 năm thành lập, fanpage của True Skill Center đã đạt hơn 12k like. Dần dần theo từng khóa, kỹ năng giảng dạy và mô hình True Skill Center vững chắc hơn, đồng thời học viên bắt đầu có việc làm. Tháng trước cùng một ngày, mình nhận được tin nhắn báo 3 bạn học viên cùng được mời làm việc ở các công ty. Đó là một sự khích lệ mạnh mẽ cho thấy rằng hướng đi của True Skill Center đang đúng và hiệu quả. 

Tin nhắn của học viên

Khóa học phân tích kinh doanh đầu tiên tổ chức như thế nào?

Khóa đầu tiên mình dạy học trong căn phòng 10m2, bên dưới là quán café và chỉ dạy 3 bạn học viên thôi. Mình rất trân quý các bạn ấy, bởi thời điểm đó chưa ai biết đến mình nhưng các bạn vẫn tin tưởng và đến True Skill Center học nghề. Điều này chính là cơ sở để mình bắt đầu chia sẻ nhiều hơn và phát triển mô hình kinh doanh như bây giờ.

Phản hồi của các bạn học viên

Bí quyết tìm và giữ chân học viên cho khóa học?

Viết bài chia sẻ kinh nghiệm

True Skill Center hướng đến việc phát triển bền vững, do đó mình không chạy quảng cáo. Mình chủ yếu tuyển sinh bằng cách viết bài chia sẻ kiến thức ngành nghề, kinh nghiệm của bản thân. Quan trọng nhất, mình không đơn thuần viết bài để các bạn đăng ký khóa học. Có những bạn đang thiếu định hướng về ngành công nghệ, mình đều giúp đỡ nhiệt tình. Chính vì vậy, mà sau khi đăng bài khoảng 7-10 ngày, True Skill Center tự nhiên thu hút số lượng học viên mới.

Kênh Youtube:

Ngoài ra mình cũng có một kênh Youtube riêng để chia sẻ kiến thức về Business Analyst   và  đăng một số video ghi lại những buổi học ở True Skill Center để các bạn tham khảo.

Kinh nghiệm thực tế khi vận hành trung tâm đào tạo?

Kỹ năng quản lý

Hồi trước mình nghĩ chỉ cần tạo ra sản phẩm tốt thì thị trường sẽ tự nhiên đón nhận. Tuy nhiên điều đó chưa đủ, nếu muốn nhiều người biết tới True Skill Center, mình phải lan tỏa giá trị của trung tâm đến cộng đồng. Trong quá trình đó, mình ý thức được vai trò của mạng xã hội và tận dụng nó để lên chiến lược Content Marketing hiệu quả.

Tập trung chất lượng đào tạo

Với mình kinh doanh không chỉ dựa lợi nhuận mà cần phát triển bền vững. Do đó mình luôn tập trung vào chất lượng giáo dục. Khi đào tạo được những học viên có kỹ năng và có công việc, chính họ sẽ kể lại câu chuyện và trở thành đại diện thương hiệu cho True Skill Center.

Kế hoạch

Năm sau mình dự định sẽ hợp tác với một số nhà đào tạo vừa có kinh nghiệm, vừa có kỹ năng giảng dạy để mở rộng chương trình đào tạo thêm nhiều mảng như UI/UX, Data Analyst, Developer. Trong giai đoạn này, mình vẫn tập trung phát triển chất lượng khóa BA và tiếp tục ấp ủ kế hoạch mở rộng  năm tới.

Công cụ, phần mềm cần thiết để vận hành trung tâm?

Hầu hết mình sử dụng Google Sheet và những công cụ cơ bản của Microsoft Office, do số lượng học viên hiện tại không lớn lắm.

Những người hay tài liệu nào có ảnh hưởng nhất đến khóa học Business Analyst?

Cha giàu cha nghèo

Quyển sách này mình đã đọc từ thời sinh viên, nhưng lúc đó mình chưa hiểu. Mãi đến sau này khi nhiều bài học trôi qua trong đời, mình trải nghiệm nhiều và tầm nhìn đủ lớn, mình mới vỡ ra những nguyên lý sâu xa từ cuốn sách. Nó khiến mình thay đổi hoàn toàn tư duy về tài chính.

Tư duy nhanh – Tư duy chậm

Trước đó mình rất tự tin về quyết định của mình và thường ra quyết định rất nhanh. Quyển sách khiến mình dừng lại để suy ngẫm về cách quyết định của mình. Mình nhận ra không phải quyết định nhanh nào cũng chuẩn xác. Ta cần hiểu rõ bản chất để có thể phân tích và đưa ra quyết định phù hợp.

Lời khuyên cho người mới bắt đầu mở khóa học?

Điều cốt lõi của việc xây dựng mô hình kinh doanh không phải là bỏ nhiều tiền sẽ thành công, không phải chỉ cần xây dựng thật hoành tráng sẽ được thị trường đón nhận. Chất lượng mới chính là thứ giữ chân khách hàng của bạn. Hãy xác định rõ đối tượng của sản phẩm, tập trung toàn lực để lan tỏa và đem đến giá trị cho khách hàng thực sự. Cuối cùng hãy nỗ lực duy trì và vận hành guồng quay đó.

Tìm bạn và trung tâm đào tạo Business Analyst của bạn ở đâu?

Facebook True Skill Center: https://www.facebook.com/Trueskillcenter

Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/nguyen.quy.7549

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCjr7YspfX5RkeSCMWQNh2Pw

Group cộng đồng: https://www.facebook.com/groups/chuyenngheba

Tóm tắt

  • Tên dự án: True Skill Center
  • Người được phỏng vấn: Nguyễn Lê Thành Quý
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 10 h/tuần
  • Doanh thu: 200 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 1 người
  • Số nhân viên hiện thời: 3 người
  • Kênh tăng trưởng: marketing nội dung, xây dựng cộng đồng, truyền miệng
  • Nguồn doanh thu: Bán khóa học

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha