A Vậy Hả
Trang Chủ » Hành trình kinh doanh thời trang thủ công của nữ sinh Kiến Trúc

Hành trình kinh doanh thời trang thủ công của nữ sinh Kiến Trúc

cover image - Hành trình kinh doanh thời trang thủ công của nữ sinh Kiến Trúc
Nội dung đóng
Song Thi - sáng lập UI farm

Song Thi

Sáng lập UI farm

4

Nhân Viên

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực gì?

Chào mọi người, mình là Thi Thi, nhưng mình thích được mọi người gọi là Song Thi, nghệ danh của mình là TMT. Mình sinh ra trong một gia đình gia giáo, ba mẹ mình đều làm giáo viên và không có truyền thống nghệ thuật.

Thuở mới chớm biết mình thích gì, mình còn quá nhỏ để hiểu được rằng “cái mình đang thích” lại chính là nghệ thuật. Nhưng ba mình đã phát hiện ra mình rất thích vẽ, vì vậy đã quyết định cho mình đi học vẽ từ sớm, mình đã bén duyên và làm nghệ thuật từ khi còn là cô nhóc học cấp hai.

Hiện tại, mình đang là sinh viên năm tư chuyên ngành Thiết kế cảnh quan của trường Đại học Kiến Trúc, TP.HCM – một ngôi trường có bề dày về nghệ thuật. Bản thân mình là một người rất đam mê nét văn hóa cổ xưa của Việt Nam. Từ kiến trúc đến thời trang, mình yêu vẻ đẹp truyền thống của màu thời gian còn đọng lại trên những tòa nhà cũ, của những chiếc áo dài thời xưa.

Áp phích Nhà Ngoại – Nguồn cảm hứng cho dự án sản phẩm tết 2022

Và đó cũng chính là lý do mình khai sinh ra UI farm, mang màu thời gian của Việt Nam trên những nền túi, nền áo mới. UI farm hiện lên với những màu sắc riêng biệt, mang đậm chất “quê hương” trên các sản phẩm túi và áo dài, cũng chính là hai sản phẩm mà UI đang muốn gìn giữ và phát triển.

Điều gì đã thôi thúc bạn khởi nghiệp trong ngành thời trang?

Ngay từ những ngày còn bé, mình đã hay ngồi trước tivi, cầm cuốn sổ tay và phác thảo nguệch ngoạc các dáng quần áo từ các cô người mẫu đi catwalk trong chương trình “Thời trang và cuộc sống”. Sau này, khi đã trở thành sinh viên của trường Đại học Kiến Trúc, mình cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành Thiết kế cảnh quan nên đã quyết tâm bảo lưu năm ba đại học.

Ban đầu, mình quyết thi lại vào ngành Thời trang của trường Kiến trúc, thế nhưng sau quá trình tìm tòi và trải nghiệm, mình đã quyết định không ôn thi lại mà đăng kí học một khóa may vá cơ bản. Bởi lẽ mình biết rằng, một startup không có nghề là startup không có hồn.

Áo dài Bách Liên với sự chỉn chu trong từng chiếc cúc áo, từng chi tiết thêu hoa

Lấy đó là bàn đạp để vươn lên, mình bắt đầu sáng tạo và thiết kế ra các mẫu bikini vintage (khởi đầu của UI farm chính là các mẫu bikini vintage). Đến tận sau này, khi mình đủ chiêm nghiệm và tự đặt câu hỏi rằng bản thân đang có thế mạnh thực sự vào cái gì? Mình mới bắt đầu tìm tòi và làm ra những chiếc túi ghép vải đầu tiên.

Thể loại ghép vải này thực ra đã có từ rất lâu đời ở các nước Á Đông. Và mình đã loé lên suy nghĩ, tại sao lại không học tập các form dáng này và tiếp tục sáng tạo trên nền túi mới? Vậy là mình đã quyết định sẽ mang màu thời gian của Việt Nam vào những chiếc túi của UI farm. Những cành dâu tằm, đóa hoa mào gà, chú chim chích chòe…, kết hợp giữa cả ghép và thêu, những chiếc túi đẫm màu yêu Việt đã ra đời như vậy.

Có lý do nào đặc biệt khiến bạn quyết định bắt đầu hành trình của mình với các sản phẩm bikini vintage hay không?

Việc này trước hết là bắt nguồn từ sở thích cá nhân, mình rất yêu thân thể của mình và mình cũng rất thích đi biển. Khi đi biển, mình luôn muốn mặc những bộ đồ bikini phù hợp với cơ thể của mình. Tuy nhiên, khi mua bên ngoài thì thường sẽ làm bằng vải thun, vải thun thì lại rất dễ thấy những khuyết điểm như mỡ bụng.

Trùng hợp là khi đó mình cũng đang tham gia một khoá học may. Khi đưa hình bikini mình tham khảo được cho cô giáo của mình để hỏi về cách may thì cô cũng rất thích, vì vậy mà ngay ngày hôm đó, mình và cô đã cùng mày mò và làm ra 1 bộ bikini khai sinh tên là Nàng Thơ.

Sau đó, mình thấy đẹp quá nên đăng và chia sẻ trong hội nhóm, nhưng bỗng nhiên có rất nhiều người vào hỏi: “Chị có bán không ạ?”. Từ chính những câu hỏi đó, mình đã mày mò để làm thêm nhiều mẫu nữa và quyết định khởi đầu với sản phẩm bikini vintage.

Sau nửa năm nghiêm túc theo bikini, mình cảm giác được mẫu này đã bị bão hoà vì không phải ai cũng có nhu cầu mua bikini mỗi năm, vì vậy mà mình đã bắt đầu chuyển hướng sang ghép vải và quyết định chọn đây làm sản phẩm nòng cốt của UI farm.

Điều gì đã khiến bạn lựa chọn túi ghép vải làm sản phẩm nòng cốt của UI farm?

Bản thân mình rất thích may vá và sưu tập đồ 2hand, đôi khi mình cũng sưu tập được được những chiếc váy ghép vải. Mình cảm thấy những chiếc váy đó rất thú vị và đặc biệt nên đã bắt đầu lên mạng tìm tòi. Sau đó mình đã tìm hiểu ra được thì ra nó có cả một cái bộ môn sáng tác và chế tạo ra từ những vải vụn như thế.

Mình cũng nhận ra khi đi ra đường, một chiếc túi chính là thứ mà mọi người đều cần. Nó giống như một người bạn đồng hành, bền bỉ cùng chủ nhân đi qua nhiều ngày tháng. Mình đã chọn túi ghép vải vì những lý do như thế.

Quá trình bạn thiết kế những sản phẩm thủ công đầu tiên đã diễn ra như thế nào?

Quyết tâm sẽ đi lâu dài với hướng phát triển mới là túi ghép vải, mình hiểu rằng điều đó đồng nghĩa với việc mình phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng để có thể bắt đầu một hành trình vững chắc. Cũng chính vì vậy mà với tất cả các form túi, mình đều nghiền ngẫm rất lâu.

Bộ ba Chim chích choè – La Thanh – Totoro – Những chiếc túi rất được yêu thích ở UI farm

Mỗi hình thêu, mỗi mảnh ghép đều là sự tính toán kỹ lưỡng được đúc kết qua nhiều ngày tháng. Đặc biệt hơn nữa là mình đã tìm ra được nhiều phụ liệu, vải vóc ở nước ngoài cực kì hiếm ở Việt Nam, mình cố gắng nhập về và làm để đạt được những sản phẩm như ngày hôm nay.

Bạn đã bắt đầu bán những chiếc túi ghép vải đầu tiên như thế nào?

La Thanh – Sản phẩm túi ghép vải đầu tiên ở UI farm

Khi cho ra mắt được chiếc túi đầu tiên, mình đã suy nghĩ rằng sẽ cho ra lần lượt một series túi ghép vải, và mỗi túi chỉ có một chiếc, ai sở hữu được quả thực rất may mắn. Thế nhưng khi đăng lên fanpage, sự hưởng ứng của khách hàng đối với chiếc túi “La Thanh “ – túi đầu tiên của UI farm đã vượt xa ngoài mong đợi của mình.

Vì vậy mà mình đã quyết định cho mở order, nhưng mỗi chiếc túi mình vẫn cố gắng mày mò và làm ra một chất riêng khác nhau, để đảm bảo ai sở hữu túi cũng đều trở nên thật đặc biệt. Và cứ thế, túi ghép vải UI farm lần lượt ra đời, mỗi chiếc túi khi đến tay khách hàng của mình đều chứa đựng một câu chuyện riêng, và khi túi đã về đến tay bạn, nó sẽ lại tiếp tục cùng bạn viết tiếp nên những câu chuyện ấy.

Sản phẩm thủ công ở UI farm hiện tại đã được mở rộng ra sao?

Bên cạnh túi ghép vải, mình cũng làm thêm những thứ nhỏ nhỏ như lót ly. Mình tự nhận xét mình là một người không muốn làm những thứ bình thường, mình luôn muốn làm mọi thứ cầu kì hơn những gì mà mọi người thường hình dung về nó. Vì lẽ đó mà với chiếc lót ly, mình cũng làm ghép vải.

Đã có nhiều khi khách nhận được đã nhắn lại với mình rằng là tại sao lót ly lại làm đẹp như vậy, “mình không nỡ lót cái ly của mình lên”. Những phản hồi đó của khách hàng đã khiến mình rất vui, và đó cũng chính là động lực để mình ra thêm nhiều sản phẩm hơn.

Những chiếc lót ly vụng về đầu tiên là nền tảng phát triển của các sản phẩm túi sau này

Ngoài lót ly thì mình cũng có ra thêm những sản phẩm áo khoác chống nắng rất cần cho người dân Sài Gòn, những loại áo ghép vải thông dụng, các loại váy…, nhưng doanh thu của mình hầu hết vẫn đến từ những chiếc túi.

Khi cho ra bất kỳ một sản phẩm nào thì mình đều nghiền ngẫm rất lâu, và phải cố gắng thêm từng chút cho nó thật sự đặc biệt . Đến khi nào không thể thêm vào được nữa, lúc ấy, sản phẩm của mình mới ra đời.

Bạn đã tìm ra những khách hàng đầu tiên của mình như thế nào?

Khi dần yêu bộ môn ghép vải, mình luôn nghĩ mình sẽ có cơ duyên tìm được những người bạn đồng hành, hay nghĩ đơn giản hơn, là chắc chắn sẽ có những người thích sản phẩm mình làm, bởi vì đơn giản là giữa mình và họ đang có cùng một niềm yêu thích.

Một chiếc đầm 2 dây với phần túi được ghép vải của UI farm

Cách mà mình đã tìm ra những người bạn ấy, và bây giờ họ cũng đang là các khách hàng của mình, chỉ đơn giản chỉ bằng việc vào những hội nhóm yêu thêu thùa, thích làm handmade để trò chuyện, đăng bài giới thiệu một chút sản phẩm mình mới làm lên hội nhóm. Từ đó mà hình thành nên một mạng lưới kết nối vững chắc.

Mình đã học được bài học rằng cách để khiến cho nhiều khách hàng, hay những người bạn khác yêu thích sản phẩm của bạn, đó chính là bạn hãy trở thành thành viên uy tín trong hội nhóm ấy. Hãy cho mọi người thấy bạn có đam mê thế nào, nhiệt huyết ra sao, bạn đã bỏ ra tâm sức nhiều đến nhường nào để có những sản phẩm thủ công tuyệt đẹp này. Từ đó mọi người sẽ dần tin tưởng và yêu thích những sản phẩm bạn làm, sẽ có những người theo dõi bạn thường xuyên để có thể mua được thứ mà bạn sáng tạo nên.

Bạn làm gì để có thể giữ chân khách hàng quay lại với các sản phẩm thủ công ở UI farm?

Ở UI farm, mình có những vị khách mua đi mua lại rất nhiều lần, nghĩa là mình ra cái gì thì họ muốn có thể sở hữu nó. Mình luôn chú trọng đến chất lượng của sản phẩm và vẫn luôn nhắc nhở thợ của mình rằng dù làm nhiều nhưng vẫn phải làm kĩ tất cả mọi thứ. Mình nghĩ chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo chính là yếu tố quan trọng giữ chân khách quay lại UI farm.

Những thách thức lớn bạn đã gặp phải trong hành trình của mình?

Hình ảnh trên thư cảm ơn và hộp gói sản phẩm đậm sắc màu làng quê Việt Nam

Đối với vấn đề nguyên vật liệu, ban đầu mình không biết chỗ nào mua vải, sau khi tìm tòi và nghiên cứu thì mình biết được nguyên liệu mình cần không có ở chợ vải mà chỉ có ở những người chuyên nhập vải về bán. Mình và bạn trai đã phải tự đi tìm để có được nguồn vải thô Mỹ nhập khẩu và sakizome Nhật Bản, những loại vải này đều rất hiếm và đắt tiền. Tuy nhiên, nếu muốn làm túi đẹp thì nên dùng những loại vải đấy.

Cũng chính vì vậy mà có thể nói, giai đoạn ban đầu là giai đoạn cực kì khủng hoảng vì mình không có vốn, mình đã duy trì việc kinh doanh bằng cách xoay đồng vốn. Nhưng tới bây giờ thì mọi thứ đã ổn và mình thật sự rất vui vì đã không bỏ cuộc trong những ngày khó khăn ấy.

Đến hiện tại, điều mình quan ngại nhất chính là thời gian làm ra một sản phẩm thủ công, chẳng hạn như đối với chiếc túi La Thanh, mình cần làm trong một tuần liên tục không ngừng nghỉ. Chính vì hiểu được rằng làm sản phẩm thủ công thì phải tốn nhiều thời gian mà mình đã liên tục thúc đẩy bản thân nghiên cứu và sáng tạo ra cách làm mang lại năng suất cao hơn mà vẫn giữ được sự tinh xảo, chỉn chu của sản phẩm.

Từ khi khởi đầu, bạn đã học được gì khi chọn kinh doanh trong ngành thời trang?

Quản lý dòng tiền

Một điều hiển nhiên rằng, bản chất công việc mình đang làm là kinh doanh, mà kinh doanh thì phải đi đôi với những con số, hay nói cách khác là dòng tiền. Mình biết bản thân mình xuất phát điểm là người làm thiết kế nên có thế mạnh nhất định trong việc tạo ra những sản phẩm độc đáo, nhìn thấy những điều mà người khác không thấy, để tạo ra cái mà người khác không làm được.

Chiếc áo dài yếm Song Thơ nằm trong dự án Bách Liên – Song Thơ được ra mắt trong dịp Tết Nguyên Đán 2022

Mình không phải tốn chi phí lớn cho việc chụp ảnh, thiết kế đồ họa, sáng tạo hình ảnh… nhằm marketing như các start up khác, mình hoàn toàn có thể tự làm từ kỹ năng mà mình học được ở trường Kiến Trúc và trường đời. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của mình là kỹ năng quản lý tài chính, bởi sẽ chẳng có ngôi trường dạy thiết kế nào dạy bạn cách quản lý dòng tiền.

Điểm yếu này dẫn đến ở những thời gian đầu bán hàng, mình kế toán trên giấy tờ thì có lãi, nhưng thực tế tiền mặt thì không thấy đâu. Điều này đã buộc mình phải tự học thêm kiến thức kinh tế, mình đã tìm đọc được cuốn sách có tựa: Profit first – dòng tiền gắn liền với lợi nhuận. Đây là cuốn sách đã giúp mình thay đổi được cục diện để bắt đầu hoàn thiện hệ thống kế toán của mình, học cách ghi chép, cách phân tích và phân bổ dòng tiền. Mình rất mong những bạn làm startup đọc được cuốn sách này.

10 phương châm kinh doanh

Ngoài ra, mình sẽ để lại những phương châm kinh doanh mà mình đã kiểm chứng được trên hành trình khởi nghiệp của mình:

  1. Tốt bụng không lo lỗ vốn
  2. Cái gì cũng có giá của nó
  3. Gieo nhân nào gặp quả nấy
  4. Nồi nào úp vung nấy
  5. Bạn có thể mất tất cả, nhưng đừng bao giờ mất 2 chữ uy tín
  6. Phải có lũ thì phù sa mới về
  7. Chuyện tâm linh nhất định không được đùa
  8. Không có ngành nghề nào là nghèo, chỉ có chính con người mới làm họ trở nên nghèo hèn.
  9. Kinh nghiệm, kiến thức rồi cũng có thể trau dồi, riêng thái độ là thứ quyết định bạn là ai.
  10. Có 7 nốt nhạc, hàng tỉ bài hát, nhưng chỉ có vài bài để đời.

Kế hoạch sắp tới của bạn dành cho UI farm?

Trong đợt dịch vừa rồi, có vài du học sinh Hàn đã mua sản phẩm bên mình và tất cả họ đều rất thích. Có lẽ do đã sống xa quê rất lâu nên khi nhìn thấy những chi tiết, những màu sắc mang đậm phong vị quê hương Việt Nam ở UI farm, họ đã rất yêu thích và mua rất nhiều.

Kể từ khi bắt đầu có du học sinh Hàn mua, mình lại có thêm những khách hàng là các du học sinh đến từ các nước như Úc hay Nhật Bản. Chính vì vậy mà mình mong có thể mở rộng thêm phân khúc khách hàng của UI farm, hướng đến các thị trường ngoài nước.

Là một người vừa làm nghệ thuật vừa kinh doanh, đâu là những chương trình, nền tảng có ảnh hưởng nhất đến bạn?

Mình rất thích và hay xem chương trình Shark Tank Viet Nam, đây là chương trình đã cho mình nhiều kiến thức bổ ích, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các Shark và các start up.

Bên cạnh đó, làm nghệ thuật thì cũng cần cảm hứng, cảm hứng của mình có khi đến từ những điều rất giản đơn nhất trong cuộc sống. Thỉnh thoảng, mình cũng xem các kênh youtube của Giang Oi, Gia Đình Cam Cam, và rất nhiều kênh tưởng như không có gì đặc thù chuyên môn, nhưng lại cho mình cảm hứng và động lực làm việc rất nhiều.

Và đặc biệt, một người thầy không thể thiếu cho các bạn làm thiết kế đó là Pinterest, việc xem nhiều pinterest cho mình có nhiều vốn thiết kế hơn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì đó là con dao 2 lưỡi, nó có thể sẽ khiến bạn phụ thuộc và đôi khi lười sáng tạo, chỉ muốn xem trên đó và làm theo thụ động. Vậy nên lời khuyên của mình là hãy dùng pinterest một cách thông minh.

“Những điều đơn giản trong cuộc sống” đã tạo cảm hứng cho bạn trong hành trình của mình thế nào?

Hoạ tiết trên thiết kế của UI farm được lấy cảm hứng từ những ngày thơ ấu

Túi hoa mào gà và câu chuyện đằng sau của riêng nó

Những họa tiết trên các sản phẩm ở UI farm đều được lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của mình. Ngày nhỏ, do ba mẹ bận nên mình sống với ông bà. Tuổi thơ của mình là những ngày được cùng đi chăn trâu chăn bò với các đứa trẻ khác trong xóm, là những trò chơi tuổi nhỏ như bắn bi, là những món ăn dân dã của bà, và là cả những buổi tối bà thắp đèn dầu để hai bà cháu cùng học bài.

Và những họa tiết trên các sản phẩm của UI farm cũng như nguồn cảm hứng của mình đã được bắt nguồn từ chính những điều mình đã được trải qua trong tuổi thơ của mình như vậy. Chẳng hạn như ngày xưa mình rất thích bẻ hoa mào gà tặng bà, bây giờ, ở UI farm đã có những chiếc túi thêu hình hoa mào gà.

Sản phẩm của UI farm khi được gửi đến tay khách hàng đều sẽ có một chiếc thiệp cảm ơn xinh xắn với tên khách được mình viết tay và đựng trong hộp giấy. Họa tiết nhà gỗ trên những chiếc thiệp và những chiếc hộp đó cũng được lấy cảm hứng từ chính ngôi nhà gỗ của ông ngoại mình ngày xưa. Căn nhà gỗ có một cây ăng ten mà mỗi lần xem tivi ông sẽ đi xoay nó, mình sẽ ngồi trong nhà gọi với ra cho đến khi đã xem được chương trình.

Hay như cách mình đã đặt tên cho những sản phẩm ở UI farm. Váy Song Thơ là ghép từ tên mình (Song Thi), Mộc Miên là tên của một cô bé mình học trò mà hồi xưa mình từng dạy vẽ. Những cái tên mình đã đặt cho sản phẩm của mình là được lấy từ chính những người mà mình đã từng có cơ hội gặp gỡ trong đời.

Hình ảnh nhà gỗ của ông ngoại được tái hiện lên trên hộp giấy ở UI farm

Bạn sử dụng những công cụ, phần mềm gì cho việc thiết kế của UI farm?

Trên đời này cái gì không học, không biết thì đều phải trả bằng tiền, vì vậy mình đã tự học thêm các phần mềm để có thể giúp mình chủ động hơn trong việc marketing. Mình thường sử dụng Photoshop, Lightroom, Illustrator, Adobe premiere… Mình không học chuyên sâu mà chỉ học những thứ mình cần, khi cần làm cái gì đấy mà không rõ, mình sẽ tự lên youtube để mày mò học và thực hành ngay. Và cứ mỗi lần như thế, mình lại biết thêm một công cụ mới phục vụ cho công việc của mình.

Bạn có đang cần tuyển cộng tác viên hay nhân viên không?

Hiện tại, UI farm đang có nguyện vọng tuyển được 1-2 bạn thợ lành nghề, biết may vá và thêu thùa cơ bản. Chúng mình không ngại chia sẻ kiến thức hay kinh nghiệm, cái chúng mình đang cần là tư duy và thái độ của bạn khi làm việc tại UI farm.

Song Thi và các cộng sự trong buổi chụp ra mắt áo dài tết

Một lời khuyên bạn muốn gửi đến cho những người đang bắt đầu?

Hãy chuẩn bị một sức khỏe tốt và một ý chí vững vàng. Đừng bận tâm nhiều tới giới hạn bạn đã từng tự đặt ra cho bản thân.

Hãy bắt tay làm và làm, chắc chắn bạn sẽ vấp ngã, và đó là những bài học không sớm hay muộn bạn cũng sẽ trải qua mà thôi. Ngã ở đâu, đứng lên ở đó!

Quan trọng là đã làm thì phải dốc hết sức mà làm cho tới, làm với 300% công lực, làm thật sự nghiêm túc, và luôn luôn đặt cái tâm của mình vào đó.

Tìm bạn và dự án của bạn ở đâu?

UI farm đang hoạt động ở hai mảng chính:

Facebook: Ui farm (https://www.facebook.com/UIfarm2020)

Instagram: uifarm_2020 (https://www.instagram.com/uifarm_2020/?hl=vi)

Tóm tắt

  • Nguồn doanh thu: bán sản phẩm
  • Tên dự án: UI farm
  • Người được phỏng vấn: Song Thi
  • Kênh tăng trưởng: truyền miệng, marketing nội dung
  • Số người sáng lập: 1 người
  • Số nhân viên hiện thời: 4 người

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha