Khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng đối với bất cứ ai đam mê kinh doanh. Một sản phẩm chất lượng, một ý tưởng táo bạo chưa bao giờ là yếu tố khiến một mô hình có thể tránh được những khó khăn trong suốt quá trình vận hành. Có thể nói, mỗi bước đi là những bài học thấm thía mà có lẽ bất kỳ người kinh doanh nào cũng phải trải qua.
Để phần nào vẽ nên bức tranh về người thường khởi nghiệp, A Vậy Hả xin gửi đến các bạn 5 câu chuyện của 5 con người làm việc ở những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở tinh thần quyết tâm, ý chí kiên cường được tôi luyện từ những thất bại cay đắng.
Hồng Ngân – Founder startup trà Hemilys Tea quyết tâm cưỡi trên đợt dịch
Với Hồng Ngân, 3 năm thành lập Hemilys Tea cũng chính là hành trình đầy giông bão do ảnh hưởng của đại dịch. Từng khởi nghiệp 3 lần nhưng cả 3 đều thất bại, đúc kết cho mình những bài học đắt giá, cô gái 8x quyết tâm đứng dậy một lần nữa với ý tưởng về tiệm trà blend thảo mộc Hemilys Tea.
Hemilys Tea chính thức khởi động vào cuối năm 2018 với những thành công ấn tượng. Tưởng chừng Ngân đã hái được trái ngọt sau bao thất bại cay đắng, thì đợt dịch 2020 và 2021 tiếp tục ập đến khiến mọi doanh nghiệp kể cả Hemilys Tea đứng trên bờ vực. Chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng hóa, nguyên vật liệu không nhập và vận chuyển được, trước biến cố dồn dập, cô chủ Hemilys đã từng rất tuyệt vọng:
“Trong suốt những ngày tháng đó, khó khăn và thử thách khá nhiều, đòi hỏi người đứng đầu như mình buộc phải ra quyết định. Mọi thứ diễn ra rất mông lung, mình không hình dung được tuần sau xã hội sẽ như thế nào, tình hình sắp tới sẽ ổn chưa, trong khi thời gian giãn cách bị nới ra liên tục. Phải ra quyết định dừng lại hay tiếp tục trong sự mơ hồ như vậy, mình vô cùng áp lực”
Những câu hỏi luôn xoay vòng trong đầu Ngân không ngừng nghỉ. Nếu tiếp tục hoạt động thì sẽ tiến hành như thế nào, và làm sao để đảm bảo sức khỏe nhân viên. Còn nếu dừng lại sẽ không có doanh thu, trong khi đó, chi phí mà một doanh nghiệp phải trả rất lớn. Chưa kể những giá trị vô hình Hemilys sẽ đánh mất như việc khách hàng dần lãng quên.
Để rồi một bước ngoặt khiến Ngân hoàn toàn thay đổi. Đó là khi cô chịu ngồi xuống và quay về bên trong thông qua thiền định. Ngân nhận ra rằng con người sở hữu một nguồn sức mạnh vô cùng lớn, chỉ khi hướng về bên trong để kết nối với chính mình, chúng ta mới trở nên sáng suốt để đương đầu với mọi nghịch cảnh. Tin vào sức mạnh nội lực của mình, cô chủ Hemilys Tea quyết tâm cưỡi trên đợt dịch lần này.
Sự quyết liệt của Hồng Ngân đã tạo nên cú lội ngược dòng ngoạn mục của Hemilys và là điểm khởi đầu cho chuỗi ý tưởng hộp trà “Việt Nam Phi thường”, concept mùa trung thu “Tìm về sự nguyên bản” gây tiếng vang lớn ngay từ khi ra mắt trong đỉnh dịch.
Và sắp tới, cô chủ Hemilys cũng đang ấp ủ những kế hoạch cho dịp tết, và với Ngân đợt dịch khốc liệt này khiến cô vỡ lẽ:
“Đợt dịch này khiến cho mình nhận ra sắp tới sẽ còn nhiều thử thách hơn nữa đến với Hemilys. Và để Hemilys có thể sống sót và tồn tại, trên cương vị là người đứng đầu, mình phải xây dựng nội lực đủ mạnh để đưa ra những quyết định đúng đắn, đồng thời để có thể truyền lửa cho đồng đội vượt qua giông tố”
Hãy lắng nghe thêm tâm sự của Ngân tại: Cô chủ 8X Hemilys Tea thành công với ý tưởng hộp quà độc đáo
Ngọc Đến Rồi và hành trình tay trắng trở thành blogger
Bắt đầu Ngọc Đến Rồi khi trong túi chỉ còn vỏn vẹn ́̀850k, đến nay blog đã tiếp cận khoảng 100.000 và luôn nằm trong top những trang web chia sẻ kiến thức về tạo nguồn thu nhập thụ động online. Khi nhìn lại cả hành trình dài, blogger Nguyễn Anh Ngọc chỉ gói gọn trong câu:
“Có nước mắt, có nụ cười, có những phát hiện và cả những trải nghiệm mà không phải ai cũng may mắn được nếm trải”
Ít ai biết, trước khi xây dựng Ngọc Đến Rồi với doanh thu khủng như hiện tại, anh Ngọc đã từng kinh doanh, có trong tay một quán cà phê, một quán kem, công ty kinh doanh thời trang online và cả một shop hoa:
“Nhưng bạn biết đấy kinh doanh là một cái gì đó đầy may rủi, Ngọc còn nhớ những ngày cuối cùng khi ngồi trong quán kem của mình vào một chiều mưa tháng 8 năm 2015. Ngọc đã không thể làm gì khác hơn là gọi điện cho dịch vụ thanh lý đồ cũ để họ giúp “dọn dẹp” và trả mặt bằng…” – anh Ngọc trải lòng
Thời điểm đó, không vốn, không niềm tin và định hướng, Ngọc bắt đầu vùi đầu thực hiện một trang blog cá nhân để vơi đi cú sốc. Nhưng càng viết, Ngọc càng cảm thấy thú vị, càng đào sâu tìm hiểu, anh phát hiện ra đây chính là mô hình kinh doanh số rất tiềm năng.
Thời gian đầu với Ngọc khá chật vật, chỉ với số vốn bắt đầu ít ỏi, cộng với một số kỹ năng xây dựng website đơn giản, anh vẫn chưa đủ khả năng để biến blog thành công cụ kiếm tiền. Ngọc đã phải liên tục học hỏi, làm việc ngày đêm kể cả ngày nghỉ chỉ để tìm cách khai thác tối đa tiềm năng của hình thức này. Làm việc không ngừng suốt 59 ngày như vậy, anh mới nhận được 80$ đầu tiên thông qua việc làm tiếp thị liên kết.
Tận dụng những kỹ năng, kinh nghiệm từ thất bại trước, blogger Nguyễn Anh Ngọc đã dành trọn 3 năm đầu để cung cấp những nội dung miễn phí trên Ngọc Đến Rồi, với mục tiêu là để trao đi nhiều giá trị, trước khi mở bán dịch vụ tính phí đầu tiên. Sau đó anh tiếp tục kết nối với họ thông qua email marketing biến người đọc trên blog trở thành những khách hàng trung thành.
Cứ miệt mài như vậy suốt 6 năm ròng rã, đến nay blogger Nguyễn Anh Ngọc có được doanh thu hơn 100 triệu/ tháng từ Ngọc Đến Rồi, đặc biệt anh không cần dành nhiều thời gian như trước, mà vừa có thể chăm sóc gia đình nhưng vẫn có thu nhập ổn định.
Câu chuyện của Nguyễn Anh Ngọc đã chứng minh một điều “Hãy trao đi giá trị, thành công sẽ tự tìm đến bạn”
Bạn có thể khám phá trọn vẹn hành trình của Ngọc tại: Blogger Ngọc Đến Rồi mở blog dạy làm blog 100tr/th từ affiliate
Lưu Nhật Linh – bỏ hai tấm bằng để trở thành cô chủ tiệm chè Lele
Tốt nghiệp đại học với 2 tấm bằng danh giá, thay vì đi làm như bao bạn bè cùng trang, Lưu Nhật Linh lại lựa chọn con đường kinh doanh từ niềm yêu thích đồ tráng miệng.
Để dành số vốn ít ỏi từ thời sinh viên, cô chủ tiệm chè Lele đã đi du lịch khắp nơi để thưởng thức văn hóa ẩm thực từ các quốc gia khác nhau, và ý tưởng về món chè của Lele đến theo cách như vậy.
Quyết tâm mở tiệm sau khi tốt nghiệp, Nhật Linh đã vô cùng tự tin về nét độc đáo của Lele. Tuy nhiên, khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế lại rất mong manh, khó khăn chính nằm ở khâu tìm kiếm khách hàng:
“Khi mới bắt đầu với lượng khách ít ỏi, mình đã có một khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần giống như mọi sinh viên mới ra trường khác. Đầu óc mình luôn phải căng ra để tính toán sẽ phải làm gì tiếp theo khi kinh tế mỗi tháng không còn dư giả như thời sinh viên.” – cô chủ Lele chia sẻ
Thế nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, không ngại gian khó, Nhật Linh liên tục thử nghiệm từ bao bì, công thức, đầu tư thời gian ăn thử chè khắp Hà Nội. Thậm chí, 9x còn tận tay mang tặng thành phẩm nhằm có thêm ý kiến khách quan từ người khác, không ít lần Linh phải đổ đi khá nhiều nồi chè khi thử nghiệm thất bại.
Ngoài ra, để gia tăng độ nhận diện cho Lele, Linh đã xúc tiến nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu, thậm chí cô còn chịu lỗ để quảng bá cho tiệm. Có thể nói, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng, giá cả phải chăng, rồi quản lý một số chi phí phát sinh chính là bài toán khó với Nhật Linh thời điểm đó. Cô đã phải luôn đau đầu để giữ được cán cân tài chính, vừa đầu tư nghiên cứu sản phẩm, vừa phải quảng bá tiệm, áp lực ngày càng đè nặng lên vai cô gái trẻ.
Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉn chu trong từng sản phẩm, tiệm chè Lele dần hoàn thiện, được các food blogger biết đến và review tích cực trên mạng xã hội. Từ 20, 50 rồi đến hơn 300 cốc chè đã được bán ra đem đến thu nhập ổn định cho cô gái 9x.
Mặc dù, hiện tại dịch bệnh phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của tiệm, tuy nhiên nhờ trải nghiệm thất bại trước, Nhật Linh đã rút ra bài học để duy trì được chi phí vận hành và tìm kiếm lợi nhuận để tái cơ cấu.
Đọc thêm: Bỏ 2 tấm bằng đại học, cô gái bán chè online kiếm 100 triệu/tháng
Tường Vi – một mình lèo lái Davinut từ con số 0
“Thật sự khi bắt đầu kinh doanh hạt dinh dưỡng, mình như một con bé lạc giữa sa mạc mênh mông. Cái gì cũng không biết, cái gì cũng phải tự làm vì không có tiền để đi thuê ngoài.”
Đó là những tâm sự của Tường Vi -nhà sáng lập thương hiệu hạt dinh dưỡng Davinut những ngày đầu lập nghiệp.
Xuất phát điểm là một nhân viên văn phòng với mức lương 2000$, một con số trong mơ của bao người, nhưng khi nhìn lại Vi thấy mình đang dậm chân tại chỗ. Ý thức được tuổi trẻ chỉ đến một lần, tháng 6/2020 cô gái 9x chính thức nghỉ việc, và đặt mục tiêu kinh doanh riêng.
Lúc này, chỉ khoản tiền tiết kiệm sống đủ trong 3-6 tháng, Vi từng rất bế tắc, nhưng trong một lần tình cờ đọc được bài báo về hạt điều, cô gái 9x nảy ra ý tưởng kinh doanh về hạt dinh dưỡng.
Tuy nhiên, thời điểm đó, với Tường Vi đây là thị trường hoàn toàn mới, không có ai quen biết hay có kinh nghiệm để hướng dẫn kinh doanh về lĩnh vực này.
“Nhiều lúc Vi muốn bỏ cuộc vì thị trường hạt như một mớ bòng bong. Không phân biệt được điều nước ngoài (Campuchia, châu Phi), điều Bình Phước, Đồng Nai, Daklak. Càng tìm hiểu càng hoang mang vì giá nào cũng có, nguồn hàng cũng không rõ ràng”
Từ lên ý tưởng, thiết kế logo, tem nhãn, nhập hàng, …9x làm tất cả mọi thứ một mình, nhưng vì thiếu kinh nghiệm, cô quay cuồng trong một mớ hỗn độn. Không những vậy, trong quá trình lựa chọn nguồn hàng uy tín, Vi còn nhiều lần bị nhà cung cấp phớt lờ vì họ chỉ quen bán cho khách sỉ. Đã rất nhiều lần, cô nản chí khi đứng giữa biển kiến thức, kỹ năng bao la trong kinh doanh mà không biết phải làm gì.
Bên cạnh đó, là một người mới bắt đầu kinh doanh, vì lựa chọn ngách hạt dinh dưỡng chất lượng cao, nên cô gái 9x đã phải cạnh tranh rất nhiều với những mặt hàng trôi nổi. Có những lúc khách hàng bỏ đi vì thấy chỗ khác rẻ hơn, Vi đã phải bù lỗ rất nhiều. Lúc đó, vừa không có doanh thu, mà lại gánh thêm chi phí bảo quản, cô như ngồi trên đống lửa.
Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao, Vi quyết không bỏ cuộc. Cô ngồi xuống nhìn nhận vấn đề, lựa chọn thay đổi tư duy kinh doanh, và cách tiếp cận các nhà cung cấp. Dần dần, bằng nỗ lực tự học không tưởng, nhiều khách hàng biết đến Vi, ngay cả những nhà cung cấp họ cũng bắt đầu gửi mẫu, và chia sẻ thực hơn so với trước. Cuối cùng, qua bao vất vả, Davinut chính thức nhận được đơn hàng lớn đầu tiên và đạt doanh thu hơn 48 triệu, một khởi đầu xứng đáng cho những vất vả của 9x.
Giờ đây sau một năm nhìn lại, cô chủ Davinut thấy bản thân cứng cáp hơn mỗi ngày. Khi được khỏi làm cách nào để Vi có thể một mình vượt qua khó khăn thời điểm đó. Câu trả lời của cô luôn chỉ có một từ: Kiên trì.
“Nhân viên văn phòng để giỏi trong lĩnh vực nào đó cũng cần phải mất 2-3 năm. Khi kinh doanh cũng vậy, bạn cần có thời gian để có thể ổn định việc kinh doanh của mình. Nên Vi tự nhủ mình hãy kiên trì đừng bỏ cuộc.”
Để hiểu thêm về động lực kiên trì của Tường Vi hãy xem ngay bài phỏng vấn tại: 9x nghỉ việc 2000$, kinh doanh hạt dinh dưỡng granola không đường
Trần Thanh Trí – vẽ nên Money Hub từ thất bại
Sự phát triển đa dạng của các dịch vụ tài chính trên thị trường là cảm hứng lớn để Trần Thanh Trí khởi động Money Hub – nền tảng cung cấp những thông tin cần thiết giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm tài chính một cách dễ dàng.
Nhờ những thông tin bổ ích đúng thời điểm, hiện tại, website MoneyHub.vn đã có khoảng 13.000 khách truy cập, với hơn 100 đơn đăng ký sử dụng dịch vụ của ngân hàng, công ty tài chính ở trang web mỗi tháng.
Thế nhưng, ít ai biết đằng sau những con số biết nói này, là kết quả từ những thất bại đau đớn của Trần Thanh Trí – nhà sáng lập Money Hub.
Từng làm việc trong ngành tài chính – ngân hàng nhiều năm, Trí vô cùng tự tin về kiến thức, cũng như kinh nghiệm thực chiến của mình. Đồng thời, trước đó, chàng trai 9x từng học quản trị kinh doanh và có kinh nghiệm phát triển web. Tưởng chừng như những lợi thế này là bước đệm vững chắc giúp Money Hub ra mắt thành công, tuy nhiên:
“Sau 4 tháng triển khai và không có thu nhập từ MoneyHub, mình quyết định chạy quảng cáo. Sau một tháng chạy, ngân sách bay mất tầm 16 triệu, doanh số tạm tính là 38 triệu. Vào cuối tháng, ngân hàng rà soát lại các đơn đăng ký và kết quả là 97% khách hàng đăng ký đều không đủ điều kiện để mở thẻ tín dụng của ngân hàng.
Điều đó đương nhiên đồng nghĩa với việc hoa hồng bị huỷ và coi như mình mất trắng ngân sách quảng cáo, chính xác là 16.200.000 đồng. Sau đó mình tạm dừng chạy quảng cáo Thẻ tín dụng, chuyển qua chạy quảng cáo cho dịch vụ Vay tiền nhưng kết quả vẫn như tháng trước mình mất thêm 14,3 triệu nữa.” – founder Money Hub nhớ lại
Đứng trước biến cố không lường này, Thanh Trí đã từng có ý định bỏ cuộc, nhưng sau một thời gian chiêm nghiệm, 9x biết mình cần phải đi chậm lại. Từ đây, Trí bắt đầu quay lại cách nguyên thuỷ là viết content chia sẻ kiến thức tài chính. Song song đó, cậu xin vào một ngân hàng làm lại để không bị áp lực về tiền bạc, và dồn sức đầu tư thời gian cho Money Hub.
Dần dần, nhờ đều đặn tập trung vào content, khách truy cập Money Hub tăng trưởng đều đặn qua mỗi tháng. Đồng thời, thông qua Money Hub Trí cũng có thêm nguồn thu thụ động lớn từ Affiliate (tiếp thị liên kết) và Adsense (đăng quảng cáo lên trang web). Cho đến hiện tại, dù chỉ dành hơn 7h/ tuần cho Money Hub, nhưng nguồn doanh thu bị động của Trí thu về khoảng 7 triệu/tháng.
Có thể nói, chính cú ngã từ khi bắt đầu đã giúp Trí hiểu rõ hơn về bản chất thị trường mình đang theo đuổi. Khi được A Vậy Hả hỏi về bài học lớn lần thất bại đó, nhà sáng lập Money Hub bộc bạch:
“Trên hành trình tạo dựng doanh nghiệp online, mình đã mắc một sai lầm mà mình nghĩ những bạn mới xây dựng website đều gặp phải là quá nôn nóng trong việc phải tạo ra tiền ngay lập tức. Điều đó sẽ dẫn đến những bước đi sai lầm, điển hình là mình đổ quá nhiều tiền vào quảng cáo và mất trắng số tiền đó.
Nếu được bắt đầu lại, mình sẽ dành toàn bộ số tiền chạy quảng cáo đó (hơn 30 triệu đồng) để đăng ký một khoá học nào đó về kinh doanh online, xây dựng website một cách bền vững hoặc có thể học cách tối ưu website chẳng hạn.”
Khám phá thêm bài học từ những vấp ngã của Trần Thanh Trí tại: 9X mở website tư vấn tài chính bảo hiểm MoneyHub
Lời kết
Như vậy, có thể thấy kinh doanh giống như ván bài không hồi kết, và không phải mọi ý tưởng kinh doanh thú vị nào cũng thành công ngay từ lần đầu tiên, mọi thành quả phải đánh đổi bằng những thất bại đau đớn. Qua hành trình khởi nghiệp của 5 nhân vật, A Vậy Hả mong bạn đúc kết cho mình những hành trang quý giá để vững bước trên giấc mơ khởi nghiệp của mình.