A Vậy Hả
Trang Chủ » Bà mẹ 2 con chia sẻ bí quyết khởi nghiệp nội thất từ hai bàn tay trắng

Bà mẹ 2 con chia sẻ bí quyết khởi nghiệp nội thất từ hai bàn tay trắng

cover image - Bà mẹ 2 con chia sẻ bí quyết khởi nghiệp nội thất từ hai bàn tay trắng
Đinh Kiều Lệ Dung - sáng lập Mộc Nghĩa Furniture

Đinh Kiều Lệ Dung

Sáng lập Mộc Nghĩa Furniture

100Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

3

Nhân Viên

10Tr

Vốn khởi đầu

“Hiện nay nhu cầu về nhà ở rất cao, mọi người cũng dần chú trọng. Những bạn muốn theo đuổi ngành nội thất, decor không khó như mình ngày xưa nữa. Và đây là một ngành có tiềm năng cao.”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh hay làm dự án gì?

Đinh Kiều Lệ Dung – đồng sáng lập Mộc Nghĩa Furniture

 Xin chào A Vậy Hả, mình là Dung, là mẹ của hai bé nhỏ, hiện tại mình đang cùng chồng điều hành xưởng nội thất mang tên Mộc Nghĩa Furniture – chuyên tư vấn, thiết kế, thi công sản xuất các mặt hàng nội thất nhà phố, showroom, văn phòng. Xưởng mình chuyên về dòng gỗ công nghiệp. 

Hiện tại, chúng mình đang có văn phòng và xưởng sản xuất tại địa chỉ D2, 12 Đinh Đức Thiện, Xã Tân Quý Tây, Huyện Bình Chánh, Tp.HCM, trong đó mình chịu trách nhiệm quản lý tài chính, nhân sự, marketing, còn chồng mình chuyên về kỹ thuật, sản xuất.

Ý tưởng xây dựng xưởng nội thất đến từ đâu?

Xuất phát điểm của mình là làm kế toán, còn chồng thì học cơ khí chế tạo máy, và cả hai vợ chồng đều thích kinh doanh. Do đó, song song với công việc chính, thời điểm năm 2010, đó chúng mình chưa cưới nhau, chúng mình có mở một quán trà sữa trước trường học. 

Lúc đó, tụi mình kinh doanh trà sữa một thời gian nhưng không thấy phát triển. Cơ duyên trong một lần, mình và chồng tình cờ biết được phía sau quán có một xưởng mộc. Ban đầu, chồng mình chỉ định đến làm quen rồi phụ giúp một số công việc ở đó như hàng xóm thôi, nhưng lâu dần anh thấy thích nghề mộc này và quyết định theo học luôn. 

Mình lúc đó đang làm kế toán tại một công ty tương đối lớn với mức lương khá ổn. Thời điểm chồng mình, rẽ hướng sang nghề mộc, bạn bè và ngay cả người quen biết đều có nhiều định kiến riêng, họ cho rằng đó là công việc tay chân hoàn toàn không có tương lai. Nhưng mình và chồng quen biết nhau từ ngày còn học phổ thông nên mình tôn trọng, hiểu cũng như tin tưởng anh.

Tình yêu và sự tin tưởng chính là động lực để hai vợ chồng bước tiếp

Bởi khi anh quyết tâm theo đuổi con đường thợ mộc, trong đầu anh luôn hướng đến mục tiêu chính là học để xây dựng kiến thức vững chắc để kinh doanh riêng, ra làm chủ. Mặc dù lúc đó nhìn xưởng người ta đầu tư cũng khá nhiều tiền, còn mình nếu nói về sự hỗ trợ tài chính từ gia đình thì hoàn toàn không có, nhưng anh cứ một mục tiêu như vậy mà nhắm tới. Chứng kiến quá trình học và làm việc của chồng, mình thấy nó cũng rất khác những người thợ mộc đi làm ngoài kia. Trong quá trình học anh tập trung chú ý từng tiểu tiết nhỏ trong công việc, cốt để học sâu và phát triển tư duy, kỹ thuật làm nghề. 

Cứ như vậy, từ những ngày đầu làm thợ phụ cũng bị chèn ép lắm, anh tích lũy dần tay nghề. Thì khoảng đến năm 2015, mình có bé thứ 2 thì chúng mình chính thức mở xưởng gia công nội thất riêng. Đến bây giờ mình vẫn nghĩ đó là cái duyên, có lẽ là nghề chọn người.

Sau thời gian tích lũy dài, hai vợ chồng chính thức thành lập xưởng nội thất Mộc Nghĩa

Quá trình xây dựng xưởng nội thất diễn ra như thế nào?

Vào khoảng cuối năm 2014 đầu 2015, lúc này chúng mình đang ở trọ tại Quận 12, sau 2 năm lấy nhau, hai vợ chồng góp nhặt được 120 triệu. Chúng mình quyết định dùng toàn bộ số tiền để mua một miếng đất. 

Và mình mua được miếng đất 80m2 thuộc Long An, nhưng giáp ranh với Bình Chánh nên mọi công việc giao dịch trên thành phố vẫn thuận tiện. Với miếng đất này mình xây một căn nhà nhỏ thôi, còn lại dùng để mở xưởng phía trước. 

Cũng như mô hình sản xuất kinh doanh nội thất vừa và nhỏ khác , xưởng Mộc Nghĩa không mở showroom trưng bày như các công ty có kinh phí, không đẩy mạnh Marketing như các bạn hiện giờ, mà chúng mình hoạt động theo phương thức truyền thống thôi.

Nói là mở xưởng cho hoành tráng, chứ mà mình nhớ mãi hai chiếc máy đầu tiên chúng mình có được đó là dàn máy liên hợp và chiếc máy Tubi được mua thanh lý lại với giá rẻ chỉ 10 triệu đồng. Số tiền này cũng là nhờ một người bạn thân của chồng cho mượn. Cuộc đời mình thấy may mắn vì luôn có nhiều bạn tốt. Và chồng mình đã tận dụng hai chiếc máy đó để đóng những món đồ đầu tiên, đặt nền móng cho  xưởng nội thất Mộc Nghĩa.

Khởi đầu không mối quan hệ, không vốn nên chồng mình vẫn cứ đi làm ở xưởng bên ngoài để có tiền lo cho gia đình, rồi có ai đặt gì nhỏ nhỏ thì anh tận dụng cuối tuần hay buổi tối làm thêm ở nhà. Dần dần trong quá trình vừa xây dựng xưởng nội thất, vừa đi làm bên ngoài, chúng mình mở rộng mối quan hệ và rồi cơ duyên kết nối được với một công ty thiết kế nội thất đầu tiên.

Công trình hợp tác lần đầu với công ty thiết kế ấy cỡ 40-50 triệu, mặt bằng ở nhà lúc này chật quá, chính vì vậy chúng mình quyết định thuê mặt bằng ở mặt tiền để thuận lợi trong việc sản xuất. Rồi từ đó cơ hội cứ đến, khách hàng làm rồi thấy chất lượng sau đó giới thiệu cho người khác. 

Trong quá trình kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là khâu mặt bằng, chẳng biết có ai như vợ chồng mình không mà tính tới nay thay đổi mặt bằng cũng 5 lần rồi. Nguyên nhân thì cũng nhiều lắm, có mặt bằng mình đang làm ổn định, khách dần biết tới thì chủ nhà bán nhà nên phải dọn. 

Cũng có khi đang thuê thì người khác tới thuê với giá cao hơn, hoặc khi xưởng mình mở rộng quy mô hơn thì diện tích và các yếu tố cần thiết tại đó lại không còn phù hợp. Nhưng vợ chồng mình luôn động viên nhau “cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra, ăn ở có đức mặc sức mà ăn”. Nên là cứ làm thôi.

Khó khăn của chị khi bắt đầu dự án?

Khó khăn của những ngày bắt đầu là nói thiệt chẳng ai biết đến mình, tay nghề mình chưa cao nên cũng không ai dám đưa đồ cho mình làm. Chẳng có gì để chứng minh năng lực của mình cả. Nên thời gian đầu chủ yếu là cố gắng làm cho thật kỹ, thật đẹp, lấy giá rẻ, lấy công làm lời thôi. 

Ngoài ra, vốn cũng là một vấn đề lớn. Như bạn biết đó, chúng mình cũng không có dư giả gì, công trình nhận được thì chỉ được ứng trước tầm 30-40% thôi. Nên có lúc có công trình lớn quá cũng không dám nhận vì không đủ tài chính. 

Khó khăn cuối cùng có lẽ là là khâu quản lý nhân sự. Nhân sự của ngành nội thất đa phần là lao động phổ thông, có câu “mưu thầy, mẹo thợ” nên việc trong xưởng đấu đá nhau rồi ảnh hưởng tới tiến độ công trình là chuyện hàng ngày, cũng may chồng mình đi lên từ người thợ nên cũng đỡ được phần nào, còn lại là trong quá trình làm nghề rút ra kinh nghiệm thôi..

Thách thức lớn nhất bạn gặp phải?

Trước dịch bệnh, lúc đó Mộc Nghĩa đã đi qua chặng đường 7 năm. Trong suốt quá trình lập nghiệp,  mình đã có rất nhiều đối tác bền vững là  những công ty thiết kế, chủ thầu xây dựng… 

Tưởng cứ thế thì xưởng mình nhận một công trình khá lớn, công trình cũng có một vài hạng mục nằm ngoài chuyên môn của mình, do chưa quản lý khâu vận hành tốt cũng như đánh giá năng lực bản thân, năng lực đối tác nữa… công trình đó mình lỗ te tua, đền hợp đồng do không kịp tiến độ.  Kết quả, mình lỗ thê thảm đến mức mình phải bán đi một miếng đất để đền bù hợp đồng.

Không những vậy, chưa đủ thời gian phục hồi sau cú sốc đó, thì đợt dịch thứ 2 lại ập đến. Mọi thứ tê liệt suốt mấy tháng liền, xưởng mình hầu như không có khách và bất cứ nguồn thu nào. Lúc này, nhà đang cầm cố nên phải trả lãi ngân hàng, trong khi đó mình phải duy trì chi phí mặt bằng, nhân sự, và gánh thêm tiền sinh hoạt của cả nhà. Thời điểm đó, vợ chồng mình thực sự rất bế tắc. 

Nhưng người ta nói “trong rủi luôn có may”, chồng mình cũng là một người khá nhạy bén, trong mùa dịch, một lần đi theo xe chở hàng của một người bạn, anh thấy như cầu ship hàng rất cao, thế là hai vợ chồng ngồi xuống tính toán rồi thuê xe và chạy giao hàng trong thời gian giãn cách đó. Một khoảng thời gian ngắn thôi, nhưng số tiền thu được cũng kha khá, nhờ vậy mình và Mộc Nghĩa mới vượt qua được khó khăn tài chính thời điểm đó và tiếp tục duy trì được như hiện nay.

Đợt dịch đã thay đổi mô hình xưởng nội thất ra sao?

Tiến hành Marketing

Cũng nhờ thách thức chưa từng có từ 2 năm dịch bệnh, mình dần nhận ra xưởng mộc của mình cần phải thay đổi mô hình từ kinh doanh truyền thống, sang kinh doanh online nhiều hơn. Chính vì thế, mình quyết định học các khóa học Marketing trên mạng để cập nhật kiến thức về công nghệ, phát triển đa kênh kể có thêm nhiều cơ hội.

Từ kiến thức được học, mình chú trọng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội hơn, ngoài việc chia sẻ trên trang cá nhân thì mình có tham gia trong các group như Nghiện Nhà, Thi công nội thất,.. trên facebook. 

Khi vào các hội nhóm nội thất khác nhau, mình thấy có nhiều bạn đặt câu hỏi rất nhiều về kiến thức nội thất nhưng hầu như lại nhận được câu trả lời sơ sài, thiếu trọng tâm. 

Từ đây, mình quyết định thường xuyên đăng bài chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về nội thất, đồng thời mình cũng nhiệt tình trả lời thắc mắc của thành viên trong group. Từ đó, mình được dần chú ý nhiều hơn.

Chị Dung thường đăng những bài viết có giá trị trên các hội nhóm

Đối với ngành nội thất, phần lớn mọi người thường biết đến xưởng gia công khi được người thân bạn bè giới thiệu, và ít khi đủ tin tưởng để tìm kiếm trên mạng xã hội. Nên khi bắt đầu xây dựng thương hiệu bằng giá trị thực, mình dần được nhiều người biết tới, tin tưởng, và có thêm nhiều khách hàng tiềm năng mới.

Xác định phân khúc khách hàng

Bên cạnh đó, khi được học sâu về Marketing, mình bắt đầu thay đổi tư duy kinh doanh. Nếu như trước kia mình không biết xác định tệp khách hàng, hướng đi cho riêng mình nên khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng lại cũng cạnh tranh trong ngành cũng rất lớn. 

Giờ đây, khi được học bài bản, mình quyết định đánh vào 2 phân khúc khách hàng chính:  B2B – đó là những công ty thiết kế nội thất vừa và nhỏ, không có xưởng sản xuất rồi mình gia công cho họ, còn với khách hàng B2C – Khách lẻ mình cũng tập trung vô phân khúc nhỏ thôi, căn hộ chung cư, hay nhà phố vừa tầm. 

Khi bắt đầu đánh phân khúc khách như vậy, mình thuê ít nhân công lại, đầu tư máy móc nhiều hơn, nhờ vậy mà việc thi công các công trình rút ngắn thời gian và xoay vòng vốn tốt hơn. 

Làm cách nào để chị có thể giữ chân được đối tác, khách hàng và người theo dõi?

Luôn nghĩ cho khách hàng trước tiên. 

Trong bất kỳ mô hình kinh doanh gì, mình nghĩ cái để mình tồn tại và phát triển lâu dài đó là luôn trao giá trị và nghĩ cho khách hàng trước tiên. 

Có một điều mình nhận ra trong quá trình làm nghề và đây cũng là cái mình tạo điểm đặc biệt cho xưởng của mình đó là, mình nhận thấy có nhiều khách hàng khi muốn làm một sản phẩm nào đó, khi đi hỏi giá các xưởng thì nhận được các mức giá rất khác nhau. Bản thân họ rất khó nhận định đâu là mức chi phí hợp lý. 

Trong quá trình hợp tác, mình còn hỗ trợ khách hàng chi phí vật liệu với giá chiết khấu rẻ hơn mua trực tiếp tại công ty vật liệu, và mình chỉ tính tiền gia công.  Ngoài ra, khi tư vấn,  mình còn trao đổi  kỹ về kết cấu nội thất để khách có thể tối ưu chi phí vật liệu thấp nhất.  

Ngoài ra, có nhiều bạn mở công ty thiết kế có đội ngũ thi công rồi, chỉ thuê mình gia công cắt thôi, nhưng không có mặt bằng lắp ráp thì mình vẫn thường hỗ trợ cho các bạn làm tại xưởng của mình và hỗ trợ khâu kỹ thuật khi cần thiết. 

Trao giá trị, đồng cảm

Trong mọi cuộc nói chuyện đầu tiên với khách hàng, mình luôn bắt đầu bằng câu “Bạn mơ ước về một ngôi nhà/ căn bếp như thế nào, hay bạn muốn có yêu cầu gì đặc biệt cho sản phẩm mà bạn đang muốn mình làm không?” Vì các bạn có công nhận với mình rằng, dù là mong muốn như mua một cái giường ngủ thôi đi, nhưng chắc chắc sẽ có những mong muốn khác nhau sao cho mình cảm thấy thoải mái thuận tiện nhận khi sử dụng chính sản phẩm đó. 

Bài học quan trọng bạn rút ra được khi vận hành?

Đánh giá đúng năng lực bản thân

Đây có lẽ là bài học mình khá tâm đắc kể từ biến cố lần đền bù hợp đồng năm ngoái. Lúc đó, nếu mình đi chậm lại, dừng lại đánh giá tiềm lực của Mộc Nghĩa thì có lẽ chúng mình đã không mất đi nhiều đến thế. 

Quy trình vận hành

Các công ty gia đình thường có xu hướng không áp dụng quy trình trong công việc, họ chỉ chờ phát triển thêm rồi mới đưa ra quy trình, kết quả họ phải mất rất nhiều thời gian để lớn mạnh. 

Bản thân mình và Mộc Nghĩa cũng từng mắc phải sai lầm như vậy. Trước kia, mình cứ kinh doanh theo kiểu tự phát, làm hết công trình này, rồi đến công trình kia, để rồi làm vất vả nhưng thu nhập lại không bao nhiêu cả.

Cho đến biến cố đợt dịch vừa rồi mới khiến cho vợ chồng mình vỡ lẽ rằng chúng mình cần phải có quy trình từng khâu rõ ràng. Từ đó, mình mới bắt đầu xây dựng quy trình từ đào tạo nhân sự, cắt ván, thi công vật tư, đến quy trình giao hàng, đến nay mọi thứ dần đi vào quỹ đạo.

Chính vì thế, mình nghĩ bất kỳ công ty nhỏ lẻ nào cũng nên có một quy trình rõ ràng ban đầu, như vậy các bạn sẽ tiến lên rất nhanh.

Luôn sẵn sàng cho mọi cơ hội

Trước dịch bệnh, chồng mình đột nhiên muốn đi học lấy bằng lái xe, lúc đó mình nghĩ điều này khá vô ích. Tuy nhiên, cũng chính nhờ việc lái xe vợ chồng mình đã chuyển nguy thành cơ trong đợt dịch.

Cuộc sống luôn chất chứa rất nhiều biến cố, đâu ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dịch bệnh lấy đi của mình nhiều thứ, nhưng đã để lại cho mình những bài học. Vì vậy, mình nghĩ mỗi người nên xây dựng cho mình nội lực vững vàng để luôn đón nhận cho cơ hội, cũng như đương đầu với mọi biến cố có thể xảy ra.

Kế hoạch tiếp theo của bạn?

Hiện tại, mình đang đẩy mạnh Marketing, xây dựng thương hiệu cá nhân để tìm kiếm thêm lượng khách hàng online cho xưởng Mộc Nghĩa. Trong tương lai, mình muốn phát triển Mộc Nghĩa trên mạng xã hội nhiều hơn.

 Lời khuyên bạn dành cho người mới kinh doanh xưởng nội thất?

Hiện nay nhu cầu về nhà ở rất cao, mọi người cũng dần chú trọng và chịu chi cho không gian sống và nghỉ ngơi nhiều hơn rồi. Những bạn muốn theo đuổi ngành nội thất, decor không khó như mình ngày xưa nữa. Và đây là một ngành có tiềm năng cao. Mình không dám gọi là cho lời khuyên, nhưng có một số chia sẻ với các bạn như sau:

  • Các bạn có chuyên môn về thiết kế hay thậm chí yêu thích mảng nội thất, decor thì cũng hoàn toàn có thể theo đuổi và khởi nghiệp với ngành này. Các bạn chỉ việc có chút kiến thức về ngành rồi phát triển và tìm kiếm nguồn khách hàng trên online, khi có khách thì mình kết hợp với các xưởng thôi. 
  • Hiện nay 60% doanh thu của mình đến từ hợp các với các công ty thiết kế, có bạn còn vừa làm cho công ty thiết kế vừa kiếm công trình ngoài và nhờ xưởng mình thi công, tiền lời một công trình có khi  cao hơn cả lương một tháng. Lời khuyên của mình cho các bạn là  dù có vốn đi chăng nữa thì cũng khoan đầu tư mua máy móc mở một xưởng sản xuất, mà bước đầu hãy tìm kiếm và hợp các với các xưởng sản xuất trực tiếp, vì vận hành cả một xưởng sản xuất từ A-Z không phải là một điều dễ dàng nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm.
  • Trong quá trình tìm kiếm đối tác thì việc mình so sánh giá hay hợp tác với nhiều nơi là một điều đương nhiên, nhưng bạn cũng cần có một xưởng đối tác gọi như là xưởng ruột của mình. Xưởng này bạn cần xuống tận nơi xem cơ sở vật chất và mức độ quy mô của họ ra sao, nên tìm xưởng mà họ có đội ngũ hỗ trợ mình từ khâu tư vấn, thiết kế, thi công cho tới chính sách hậu mãi của công trình sau này nữa. Điều này là cực kỳ quan trọng cho việc phát triển lâu dài.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm của mình thì mình thấy ngành này rất rộng, các ông lớn cũng nhiều, nên để tránh cạnh tranh không lại thì các bạn nên tập trung một ngách nhỏ và hướng tới một tệp khách hàng cụ thể. Còn về làm sao tìm kiếm khách hàng hay marketing… thì có lẽ các bạn trẻ bây giờ giỏi hơn mình rất nhiều rồi. Hoặc nếu các bạn muốn khởi nghiệp với lĩnh vực này mà còn hoang mang thì các bạn cứ liên hệ trực tiếp với mình, mình sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các bạn trong khả năng của mình.

Tìm bạn và dự án của bạn ở đâu?

Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/dinhkieu.ledung

Địa chỉ: D2, 12 Đinh Đức Thiện, xã Tân Quý Tây, Huyện Bình Chánh, Tp.HCM

Điện thoại: 0902451783

Email: [email protected]

Tóm tắt

  • Tên dự án: Mộc Nghĩa Furniture
  • Người được phỏng vấn: Đinh Kiều Lệ Dung
  • Vốn khởi đầu: 10 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 50 h/tuần
  • Doanh thu: 100 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 2 người
  • Số nhân viên hiện thời: 3 người
  • Kênh tăng trưởng: Truyền miệng, marketing nội dung
  • Nguồn doanh thu: sản xuất

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha