Koi Nguyễn
Sáng lập Koi Nguyen Photography
30Tr/th
Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.
0
Nhân Viên
60Tr
Vốn khởi đầu
“Knowledge is not power, Knowledge is potential power. It only becomes power when you put it into action”
Xin chào! Bạn là ai và bạn đang làm dự án gì?
Chào các bạn độc giả của A Vậy Hả! Mình là Nguyễn Mạnh Khôi, được mọi người đến nhiều hơn qua cái tên Koi Nguyễn. Mình là một freelancer trong lĩnh vực Creative Business. Chuyên môn của mình là sản xuất hình ảnh. Mình hiện đang làm nhiếp ảnh thương mại (commercial photography) bao gồm chân dung (portrait), lifestyle, đồ ăn và thức uống (Food & Beverage).
Ý tưởng nghề nhiếp ảnh có từ đâu?
Từ hồi 9 tuổi, mình đã có đam mê với ảo thuật và tự học qua Youtube. Hồi đó mình tự mày mò rồi thực hành các mẹo, nhờ vậy mà tiếng Anh cũng rất khá luôn. Khi xem các video do các ảo thuật gia nước ngoài làm, mình đã rất hiếu kỳ bởi chất lượng hình ảnh cũng như các kỹ xảo, hiệu ứng chỉnh sửa. Họ tự quay và cắt ghép nhưng đều tạo ra những video hấp dẫn và chất lượng. Vi vậy mà mình cứ tò mò rồi tự tìm hiểu thêm về máy quay, chụp hình, hậu kỳ,…
Xem thêm: Thành công với nghề Marketing Agency sau khi bỏ đại học
Khi lên cấp 2, mình may mắn đạt giải nNhì cuộc thi llàm phim online của một công ty công nghệ về phần mềm media ở Đài Loan. Nhờ đó mà được trao tặng chiếc máy ảnh DSLR đầu tiên, nhãn hiệu Nikon để luyện tập và thực hành từ rất sớm. Rồi khi lên cấp 3, mình tham gia câu lạc bộ Truyền thông của trường và phụ trách phần hình ảnh cho các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt tại thời điểm đó, mình có cơ hội tham gia khóa học làm phim của công ty CJ (công ty mẹ của CGV Việt Nam) kéo dài một tuần tại Đại học RMIT. Mình vẫn còn nhớ người thầy đầu tiên chính là anh Trần Dũng Thanh Huy, đạo diễn bộ phim Ròm ra mắt tại các rạp năm 2020. Trong suốt 7 ngày, mình đã được đào tạo các kiến thức cơ bản để thực hiện 1 bộ phim và là nền tảng vững chắc cho mình đến tận ngày hôm nay.
Khi ở ngưỡng cửa Đại học, mình đã phân vân rất nhiều về việc nên theo đuổi đam mê nhiếp ảnh hay học Kinh tế như nhiều người khác (lúc này mình có một học bổng 70% của một trường bên Singapore với chương trình của đại học Greenwich ở Anh). Sau khi đã đăng ký học trường đại học kia thì bỗng biết thông tin về 2 học bổng toàn phần của RMIT, nên cũng thử tham gia cho vui vì thời gian này cũng không còn gì nặng. Yêu cầu của học bổng là phải có portfolio về các dự án đã làm và thể hiện được đam mê cũng như khả năng của bản thân. Mình và vài người bạn đã cùng nhau làm một portfolio bao gồm những video giới thiệu prom ở cấp 3 thời bấy giờ. Song đợi hoài ko thấy thông báo qua vòng sơ tuyển hay nhận được lời mời đi phỏng vấn nào, mình đành quyết định học Kinh tế. Vậy mà mới nhập học được hai ngày thì nhận được cuộc gọi từ hội đồng tuyển sinh. Thế là mình mình chính thức trở thành tân sinh viên ngành Design digital media tại đại học RMIT (cười).
Xem thêm: Doanh thu 30 triệu/tháng từ viết content và làm podcast tại nhà
Quá trình phát triển nghề nghiệp nhiếp ảnh freelance?
Năm 2 đại học, mình coi Youtube thì rất ngưỡng mộ kênh Youtube Danny Nguyen Photo // Film của anh Danny Nguyễn. Hồi đó các kênh về nhiếp ảnh chưa nhiều, nên khi biết đến anh mình như được khai sáng. Sau khi nhắn tin hỏi han anh thì sau này cũng được anh rủ tham gia một dự án cho Sony.
Từ đó mình cũng chủ động làm trợ lý cho các production house và kinh qua nhiều vị trí. Đặc biệt là 1 năm làm tại studio đã giúp mình học hỏi về chuyên môn lẫn kiến thức về tài chính, quản trị.
Đồng thời mình còn có một người thầy khác đã dạy mình về cái đẹp, tìm kiếm bản thân trong thế giới nhiếp ảnh và cuộc sống. Anh là nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức (https://www.facebook.com/cyt.mymw), người đã giúp mình hiểu để có thể tìm thấy được cái tôi của người làm nhiếp ảnh, cần phải hiểu giá trị của chính mình. Không chỉ vậy cũng cần có chính kiến về thế giới xung quanh, đọc và học thật nhiều thứ để trau dồi “Thế giới quan” vì đó chính là nguồn năng lượng, là điểm riêng biệt của bạn trong cuộc sống.
Nhớ nhất là dự án đầu tiên mình làm cho Chương trình dạy nghề của Toyota Việt Nam kết hợp với Dariu Foundation. Trong suốt hai năm từ 2016-2017, mình và team đã ghi lại hành trình của các bạn sinh viên ở vùng sâu vùng xa đi học đại học đến khi trưởng thành và đi làm. Trong quá trình thực hiện, mình đã có những trải nghiệm về làm phim, và quan trọng nhất chính là học cách kể chuyện. Ai cũng có câu chuyện của họ, làm sao để câu chuyện đó chạm tới người xem là một thử thách, một kinh nghiệm đầu đời cho một người mới.
Xem thêm: Hành trình phát triển Instagram và kênh YouTube cho người yêu sách
Những khó khăn mà một freelancer nhiếp ảnh gặp phải?
Trong năm đầu tiên mình gặp rất nhiều khủng hoảng do chưa biết tối ưu nguồn thu nhập và phân bổ tài chính. Rồi hay tự hỏi liệu bản thân có đang chọn đúng nghề không. Mỗi ngày qua đi tự thấy bản thân phát triển hơn hôm qua, gặp được thêm nhiều người thú vị, được công nhận khả năng bởi mọi người lại khiến mình tự tin hơn vào lựa chọn với nhiếp ảnh.
Khi đã có nhiều lời mời cộng tác hơn, mình lại lo lắng bản thân không đủ năng lực. Bởi dự án lớn, có nhiều tiền nhưng cũng đồng nghĩa với vô vàn trách nhiệm và áp lực. Mỗi khi căng thẳng và lo lắng như vậy, mình thường chia sẻ với team và nhờ mọi người trợ giúp. Teamwork sẽ giúp mình bớt suy nghĩ tiêu cực và tập trung vào công việc hơn. Mình cũng tránh để bản thân cảm thấy burn out (chán nản vì làm việc quá sức) mà thay vào đó là tối ưu hóa công việc và cân bằng với cuộc sống cá nhân.
Hiện tại, công việc của mình bị ảnh hưởng rất nhiều do dịch bệnh. Tuy nhiên mình không cảm thấy bất lực mà luôn trong tư thế sẵn sàng học hỏi và nắm bắt cơ hội mới. Có lẽ nhờ những thế mạnh của một người khởi nghiệp tự thân (tự chủ, biết được giá trị bản thân, có mục đích công việc và cuộc sống rõ ràng,…) nên mình coi 3 tháng giãn cách này là cơ hội để mài dao ôn luyện. Mình dành nhiều thời gian để tự học, đọc sách, và duy trì sự tích cực để sớm quay trở lại với phong độ tốt nhất sau dịch bệnh.
Cách tìm và giữ khách hàng trong nghề nhiếp ảnh?
Hầu hết khách hàng biết tới mình do truyền miệng. Mình may mắn có kỹ năng giao tiếp tốt nên nhanh chóng nắm bắt được mong muốn khách hàng, từ đó truyền tải cho team và hỗ trợ hai bên thấu hiểu nhau.
Kế hoạch phát triển Creative Business?
Hiện tại mình có mục tiêu thực hiện một kênh Youtube vlog. Do nhìn bằng góc độ người trong ngành nên tự mình vô tình đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho dự án cá nhân này. Mình không muốn vì thế mà mất đi đam mê nên sẽ quyết tâm theo chủ nghĩa tối giản và quan trọng là truyền tải được những gì mình muốn.
Trong năm nay mình cũng sẽ làm việc mảng media cho Beat Barons Academy, studio sản xuất âm nhạc và đào tạo producer/DJ của anh Nimbia – một producer trẻ, tài năng, hiện cũng đang làm ban giám khảo cuộc thi âm nhac The Heroes trên kênh VTV3.
Còn trong tương lai, mình mong có thể mang lại nhiều giá trị hơn nữa đến khách hàng, giúp họ giải quyết được những vấn đề về truyền thông.
Kinh nghiệm thực tế khi làm nghề nhiếp ảnh tự do?
Mình đã học được rất nhiều bài học từ khi bắt đầu đến giờ. Thứ nhất là bạn phải hiểu bản thân: biết mình đang làm gì và phải làm gì. Để làm được điều đó thì cần sự kết hợp của ba thứ: niềm tin (mindset), sự tự tin, sẵn lòng học hỏi. Thứ hai, không nên ngủ quên trên chiến thắng. Bản chất con người dễ thỏa mãn trước những thành tựu, nhưng chúng ta phải dẹp bỏ bản ngã ấy và nhìn xa hơn. Kế hoạch 5-10 năm là thực sự cần thiết dù bạn đang ở đâu.
Những công cụ, phần mềm cần thiết cho nghề nhiếp ảnh freelance?
Các ngành sáng tạo có thể tự học nên mình chủ yếu học tại nhà qua Youtube, Skillshare, Masterclass,… Mình cũng mới tham gia lớp Project Management trên Google course và học được rất nhiều từ khóa học này.
Với các bạn mới, mình khuyên các bạn nên chọn học từ những người có tầm nhìn sâu – nhìn xa – nhìn đúng. Bởi nhiều người được coi là “chuyên gia” trong lĩnh vực họ dạy nhưng trên thực tế lại không áp dụng lý thuyết ấy vào công việc. Bên cạnh đó, bạn cũng nên trang bị các kiến thức ngoài ngành như tư duy phản biện, tâm lý học. kinh tế học, quản trị nhân lực,… Chúng ta chỉ là những starving artist nếu không học để biết cách bán tác phẩm nghệ thuật của mình.
Lời khuyên cho người mới bắt đầu nghề nhiếp ảnh?
Nếu không biết phải làm gì ở giai đoạn đầu, hãy lắng nghe con tim mình. Tự hỏi bản thân bạn muốn làm gì lúc này, bạn sẵn sàng cho thử thách gì sắp tới. Mọi khó khăn hay thử thách đều đem lại cho bạn trải nghiệm và giúp bạn phát triển theo thời gian.
Trước đây nếu không nhờ có học bổng thì ba mẹ mình cũng không hoàn toàn ủng hộ việc theo đuổi đam mê. Với mình, đam mê là thứ bạn có thể kiếm tiền từ nó và sẽ bất chấp mọi rào cản để theo đuổi đến cùng. Còn nếu không thì hãy chỉ coi đó là sở thích. Vì vậy, với những bạn muốn theo đuổi ngành nhiếp ảnh, hãy nuôi đam mê bằng cách đi làm thêm để kiếm tiền mua máy ảnh, dụng cụ. Chấp nhận bỏ bớt thời gian giải trí để tự học, xin thực tập, đi làm không lương để tích lũy kinh nghiệm. Chỉ cần bạn bền bỉ, kiên trì với đam mê của mình thì chính nó sẽ nuôi sống bạn.
Bạn có tuyển nhân viên hoặc cộng tác viên nhiếp ảnh không?
Mình luôn sẵn lòng nhận training và hỗ trợ các bạn có đam mê với nghề. Miễn là các bạn trả lời được 3 câu hỏi sau:
- Tại sao bạn muốn theo đuổi nhiếp ảnh?
- Định hướng của bạn trong tương lai?
- Bạn sẵn sàng đánh đổi điều gì khi theo học (thời gian, năng lượng, cơ hội…)?
Nếu mở lớp học thì mình chưa nghĩ tới, nhưng mình sẽ duy trì việc chia sẻ kiến thức và những điều hài hước, tích cực qua mạng xã hội để lan tỏa tới nhiều người hơn nữa. Bởi vì mình luôn muốn có thể giúp đỡ được nhiều người nhất trong khả năng của bản thân.
Tìm bạn và Studio ảnh của bạn ở đâu?
Bạn có thể tìm mình tại đây:
Facebook: https://www.facebook.com/khoinguyen72
Instagram: https://www.instagram.com/koinguyenphoto
Website: https://www.koinguyen.com/
Behance: https://www.behance.net/koinguyen
Tóm tắt
- Tên dự án: Koi Nguyen Photography
- Người được phỏng vấn: Koi Nguyễn
- Vốn khởi đầu: 60 triệu VND
- Doanh thu: 30 triệu/tháng
- Số người sáng lập: 1 người
- Số nhân viên hiện thời: 0 người
- Kênh tăng trưởng: Truyền miệng, mạng xã hội (Instagram, Facebook)
- Nguồn doanh thu: Cung cấp dịch vụ truyền thông
Ý Kiến (6)