Ở ngành thời trang, công đoạn làm ra những bộ quần áo từ lúc dệt vải, vào xưởng may, qua quá trình gia công sản xuất đến khi đóng gói gửi cho khách hàng đều tạo ra rác thải và những tác động không tốt đến môi trường. Nhưng nghiêm trọng nhất chính là nền công nghiệp thời trang nhanh với những bộ quần áo chất lượng thấp dẫn đến sự lãng phí và vòng lặp mua nhiều hơn, thải nhiều hơn.
Từ đó, phong trào thời trang xanh chính là bắt nguồn từ những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trên: Để hạn chế ô nhiễm trong quá trình sản xuất thì có thể thay thế cách làm sang thủ công và dùng những vật liệu thân thiện môi trường, để hạn chế rác thải và lãng phí thì có thể tái sử dụng theo nhiều cách khác nhau,…
Hãy cùng xem qua những mô hình khởi nghiệp thời trang xanh đầy sáng tạo và ý nghĩa sau đây cùng những ưu và nhược điểm để tìm ra ý tưởng cho dự án của riêng mình, các bạn nhé!
Phát triển sản phẩm mới từ vật liệu thiên nhiên
Tại Việt Nam, từ lâu những món đồ phụ kiện được làm ra, đan thành từ những vật liệu tự nhiên, bền đẹp vẫn luôn rất sáng tạo và phong phú đa dạng. Vì vậy ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh với những sản phẩm như thế này vô cùng có tiềm năng phát triển cả trong và ngoài nước. Điển hình là case của Tiệm Cô Hìn chuyên cung cấp những sản phẩm từ thiên nhiên như mũ, túi, giày dép làm bằng cói thân thiện với môi trường.
Ưu điểm:
- Thị trường chưa được khai phá hết tiềm năng nên có rất nhiều cơ hội phát triển
- Sản phẩm được cả giới trẻ Việt Nam và nước ngoài yêu mến như Hàn Quốc, Nhật Bản nên cơ hội mở rộng kinh doanh rất cao.
- Góp phần quảng bá một nét văn hoá, một nghề truyền thống của Việt Nam ra quốc tế.
- Những món phụ kiện có chất liệu và màu sắc nhã nhặn, có thể kết hợp với nhiều kiểu trang phục khác nhau nên sẽ được lựa chọn để hợp tác với các thương hiệu thời trang khác.
Nhược điểm:
- Tìm nguồn cung khó khăn: Vì đây là sản phẩm được làm thủ công bởi người nông dân nên các sản phẩm không giống nhau 100% như những mặt hàng sản xuất công nghiệp hàng loạt, đồng thời, khâu gia công cũng mất nhiều thời gian và công sức.
- Chi phí vận chuyển cao: vì sản phẩm đồ cói, đặc biệt là có những chiếc mũ khá to và cồng kềnh. Ngoài ra trong lúc vận chuyển thì nguy cơ hư hỏng cũng khá cao
Xem thêm: Ba bạn trẻ sáng lập thương hiệu đồ cói top 1 nhiều bài đánh giá
Kinh doanh quần áo secondhand
Đồ secondhand hay đồ qua tay là những món đồ cũ, đã qua sử dụng và được bán lại để tái sử dụng với giá rẻ hơn rất nhiều. Trong đó có những món đồ hàng hiệu, còn rất bền và mới sẽ được chọn lọc, có thể phối lại thành nhiều cách khác nhau để khách hàng mua được vẫn mặc được rất đẹp. Đó là thị trường tốt có thể kinh doanh như cách mà Châu Phương – chủ shop online secondhand Cecil’s Closet đã làm.
Ưu điểm:
- Việc dễ dàng mua được đồ hiệu với giá rẻ sẽ là điểm sáng thu hút khách hàng
- Có những sản phẩm còn đẹp và khá mới thì chỉ cần chụp ảnh chỉn chu cũng có thể chinh phục được thị hiếu khách hàng.
- Nguồn cung rất nhiều
Nhược điểm:
- Đòi hỏi shop phải có gu thời trang ổn định để có thể tìm được phong cách hình ảnh phù hợp với khách hàng tiềm năng.
- Công tác hậu kỳ rất nhiều như sửa quần áo, thêm cúc, sửa khoá, làm sạch đối với từng loại vải khác nhau,..v..v.
- Tuy nguồn cung nhiều nhưng cần thời gian và hiểu biết nhất định để tìm được kho chất lượng và phù hợp gu thời trang của mình. Ngoài ra bạn cần biết cách phân loại hàng theo cấp bậc từ hàng thường đến hàng cao cấp.
Xem thêm: Yêu thời trang nhưng vẫn thích sống xanh, cô gái trẻ lựa chọn kinh doanh từ đồ cũ.
Xây dựng mô hình kinh doanh thanh lý – ký gửi
Hiện nay, khi có nhiều người theo đuổi lối sống tối giản, hoặc đơn giản là muốn dọn lại không gian sống thì nhu cầu nhượng lại quần áo vẫn còn sử dụng được là rất cao. Đây là cơ hội có thể tận dụng để trở thành trung gian thu mua và bán lại cho những người có nhu cầu. Một trường hợp chúng ta có thể tham khảo về mô hình này chính là của hàng Mar.Ty với chia sẻ từ chủ shop Minh Tâm.
Ưu điểm:
- Đối với cả người mua và người thanh lý, một khi đã quen với việc mua bán lại quần áo cũ thì sẽ tạo nên một nguồn khách hàng bền vững, trung thành. Từ đó tạo nên một cộng đồng tái sử dụng, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
- Không cần nhập và ôm hàng từ đó giảm được rất nhiều rủi ro.
Nhược điểm:
- Vì ký gửi là hình thức kinh doanh từ niềm tin nên đòi hỏi uy tín của thương hiệu phải mạnh và có tính đảm bảo
- Mô hình này sẽ có khó khăn ở vấn đề tài chính, tính toán nên việc thu chi, tiền bạc cần được quản lý một cách chặt chẽ và cẩn trọng.
Xem thêm: Cô gái sáng lập cửa hàng thời trang bền vững với 30 triệu
Những cách làm, những mô hình khởi nghiệp trên đều xuất phát từ những bạn trẻ với cái tôi muốn tạo nên giá trị tích cực. Chắc chắn con đường nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng để đạt được mục đích, thông điệp về lối sống xanh thông qua thời trang, họ vẫn đi và đã gặt được những thành quả đầu tiên cho đến hôm nay.
Còn bạn thì sao, nếu cũng có cho mình những ấp ủ đó, bạn đã học được gì từ hành trình của họ để rút kinh nghiệm cho mình? Hãy cho A Vậy Hả biết nhé!