A Vậy Hả
Trang Chủ » Doanh thu 120 triệu/tháng từ bán đồ ăn vặt dinh dưỡng

Doanh thu 120 triệu/tháng từ bán đồ ăn vặt dinh dưỡng

cover image - Doanh thu 120 triệu/tháng từ bán đồ ăn vặt dinh dưỡng
Nhựt Anh & An Kha - sáng lập Hooray

Nhựt Anh & An Kha

Sáng lập Hooray

80-120Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

4

Nhân Viên

100Tr

Vốn khởi đầu

“Giai đoạn này, nhu cầu của khách hàng giảm mạnh, doanh thu công ty rớt 50% luôn. Để vượt qua giai đoạn đó, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự, chăm sóc khách hàng cũ, và không dồn tiền vào quảng cáo quá nhiều.”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh gì?

Mình là Nhựt Anh, đồng sáng lập của Hooray (trước đây là ABI-Now). Hooray chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng, cải thiện các bữa ăn vặt dinh dưỡng cho dân văn phòng tại Việt Nam. 

Đặc biệt, cứ mỗi hộp snack được bán ra, Hooray sẽ quyên góp 01 bữa cơm có thịt cho các trẻ em vùng cao (dự án Cơm Có Thịt). 

Mình và Kha (đồng sáng lập) khởi động dự án vào đầu năm 2019. Lúc này, mình vừa mới nghỉ việc ở một công ty kinh doanh về hạt điều. Đây cũng là cơ duyên dẫn đến việc mình kinh doanh mặt hàng snack dinh dưỡng. 

Sau hơn 2 năm hoạt động, doanh thu hàng tháng của công ty đạt từ 80-120 triệu, có 04 bạn nhân viên cùng đồng hành, và hy vọng sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong năm 2021 này.

Xem thêm: 9x nghỉ việc 2000$, kinh doanh hạt dinh dưỡng granola không đường

Ý tưởng kinh doanh đồ ăn vặt đến từ đâu?

Câu chuyện phải bắt đầu từ năm 2014, khi mình mở một nhà hàng salad ngay ở quận 1, bán các combo salad, những bữa ăn lành mạnh cho dân văn phòng. 

Năm đó, mình mở nhà hàng nhưng cuối cùng thất bại, không thể duy trì nhà hàng được nữa. Nhu cầu khách hàng lúc đó chưa cao, bản thân còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, và quan trọng nhất là mình đã không có đội ngũ phát triển. 

Y như một cái duyên, mình toàn làm lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, quay đi quay lại cũng là nông sản chất lượng cao. Sau này, mình đi làm cho một công ty kinh doanh quốc tế về hạt điều. Đến năm 2019, mình nhận ra bản thân khao khát được cống hiến giá trị cho cộng đồng nhiều hơn, mình quyết định nghỉ việc. 

Làm được vài năm, mình hiểu rõ được chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, mà trên thị trường thì vô số các mặt hàng trôi nổi, tẩm ướp có, nguyên liệu khô kém chất lượng có, và tỉ tỉ những điều tiêu cực về nông sản Việt khác. 

Vì thế, khi nhận thấy bản thân thực sự khao khát muốn đóng góp phần cho nền nông nghiệp sạch của nước Việt, mình đã quyết định hợp tác với Kha để khởi động dự án ABI-Now để khách hàng có thể hiểu rõ về những gì họ đang ăn hàng ngày.

Đến năm nay, khi sau dịch Covid càn quét thì mình đã chuyển mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường hơn, từ ABI-Now thành Hooray.

Từ việc chỉ chuyên cung cấp hạt dinh dưỡng, Hooray mở rộng hơn nữa các sản phẩm ăn vặt dinh dưỡng từ các thương hiệu địa phương, cùng nhau phát triển thương hiệu Việt. Hy vọng dù là ABI-Now hay Hooray thì vẫn được khách hàng đón nhận như ban đầu.

Xem thêm: Chàng trai khởi nghiệp hạt dinh dưỡng vegan và eat clean 300tr/th

Các bước quan trọng khi mở bán đồ ăn vặt?

Rút kinh nghiệm từ dự án kinh doanh lần đầu thất bại, nên lần này mình đã xây dựng đội ngũ đầu tiên. Công ty mình ban đầu có 04 người, mỗi người lo một mảng:

  • Nhựt Anh (mình): lo về vận hành, nhập hàng và kế toán
  • Kha (đồng sáng lập): lo về chi phí, marketing, sale và làm website bán hàng
  • Bạn admin: nhận đơn, chăm sóc khách hàng, trải nghiệm khách hàng, và ra đơn hàng
  • Bạn kho: chịu trách nhiệm đóng gói, sản xuất khi có đơn hàng 

Điều khiến mình tự tin về chất lượng sản phẩm công ty là ở khâu nhập hàng. Trước đây mình có kinh nghiệm làm QC (quality control – kiểm soát chất lượng), nên có tiêu chí chọn nhà cung cấp để đảm bảo chất lượng sản phẩm được kiểm soát ở mức tốt nhất. Nhà nhập khẩu chính thức của mặt hàng đó phải đủ giấy tờ, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng, phương thức thanh toán thích hợp,…

Về khó khăn, là mặt hàng nông sản, nên chất lượng thường bị phụ thuộc theo mùa, theo thời tiết. Đôi lúc nhà cung cấp còn để hàng lâu, hàng cũ, hoặc hết hàng thì nhập lại từ nhà cung cấp khác. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Về khó khăn, là mặt hàng nông sản, nên chất lượng thường bị phụ thuộc theo mùa, theo thời tiết.

Cũng may là từng làm QC, nên mình luôn kiểm tra theo tiêu chuẩn hàng của công ty, đủ tiêu chuẩn thì mới nhận. Phải giữ uy tín với khách hàng như vậy thì mới có thể kinh doanh bền vững được.

Xem thêm: Kinh nghiệm khởi nghiệp bán snack và hạt dinh dưỡng

Bán những sản phẩm snack đầu tiên như thế nào?

Gần như suốt năm 2019 là mình và Kha bù lỗ để duy trì công ty, phải đến cuối năm, bán đợt Tết Nguyên Đán 2020 thì mới bắt đầu có lời. Hầu như cả năm 2019 mình thăm dò thị trường về dòng sản phẩm này. 

Để ra mắt sản phẩm đầu tiên, team mình đã làm các bước:

  • Chụp hình sản phẩm ở studio để có kho hình ảnh
  • Lên content trên FB và website 
  • Chào hàng: mời những người quen dùng thử, để nhận được phản hồi về chất lượng sản phẩm, bao bì, rồi sau đó lại thiết kế lại, sửa lại. Tiếp tục mời người quen, cho dùng thử để nhận phản hồi từ khách hàng
  • Cùng lúc, mình bắt đầu đẩy mạnh quảng cáo trên Facebook và SEO 

Cũng may là trong quá trình nhờ người quen ăn thử như vậy, chất lượng tốt, khách ăn thấy ngon nên họ lại tiếp tục giới thiệu những khách khác cho công ty (truyền miệng).

Lợi nhuận của đợt bán tết đã bù lại hết khoản lỗ cả năm 2019.

Suốt 1 năm mình mở rộng, cải thiện chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm với nhiều lựa chọn hơn cho khách, hợp tác với các đối tác rewards. Cuối năm đó mình đã bắt đầu gặt hái được thành quả.

Mùa Tết 2020, nhu cầu khách tăng cao. Khách mua hạt về ăn tết, biếu tết. Công ty mình cũng nhận làm các hộp quà Tết số lượng lớn cho các công ty khác. Lợi nhuận của đợt bán tết đã bù lại hết khoản lỗ cả năm 2019.

Cửa hàng đồ ăn vặt dinh dưỡng hiện hoạt động ra sao?

Thời kỳ khó khăn nhất với công ty cũng đã qua, đó là Covid 2020. Kinh tế suy sụp, hầu hết các công ty cho làm việc tại nhà, sản phẩm snack dinh dưỡng của công ty lại không phải nhu yếu phẩm. 

Sau hơn 2 năm thì đã có những khách quen, cả Facebook và web thì tiếp cận được 40-50k khách, và chuyển đổi ra được khoảng 5% người mua hàng.

Giai đoạn này, nhu cầu của khách hàng giảm mạnh, doanh thu công ty rớt 50% luôn. Để vượt qua giai đoạn đó, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự, chăm sóc khách hàng cũ, và không dồn tiền vào quảng cáo quá nhiều.

Đầu năm 2021, tụi mình chuyển đổi mô hình để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặc dù tụi mình mới chuyển mô hình kinh doanh, nhưng cơ bản dự án đã đi vào ổn định. 

Facebook và web đang bán tốt nhất. Sau hơn 2 năm thì đã có những khách quen, cả Facebook và web thì tiếp cận được 40-50k khách, và chuyển đổi ra được khoảng 5% người mua hàng.

Khách quen của mình đa phần là các bạn nhân viên văn phòng, từ 22-35 tuổi. Họ thường mua để ăn vặt buổi chiều trên công ty, cho gia đình, hay làm bánh nữa. Đa phần đều đánh giá rất cao sản phẩm của bên mình, toàn khen “ngon”, “tuyệt vời” nên cũng cảm thấy tự hào.

Bí quyết tìm và giữ khách hàng cho shop đồ ăn vặt?

Để thu hút khách hàng mới, mình tập trung vào kênh Facebook, Zalo và truyền miệng.  

Khi khách hàng đang ở trên website để mua hàng, thì nhờ vào hệ thống tracking, team mình biết được khách đang quan tâm thông tin gì, đang ở bước nào, và sẽ hỗ trợ tương tác trực tiếp với khách, tư vấn cho khách qua Chatbot. Nhờ vào công nghệ nên công việc cũng được tối ưu hoá, khá hiệu quả. 

Ngoài hình thức bán hàng B2C trên, công ty mình còn bán hàng theo: 

  • mua theo nhóm (group buy)
  • liên kết với các đối tác rewards. 

Đối với mua theo nhóm, công ty mình chào hàng ở những tiệm bánh, nhà hàng chay,… những nơi cần nguyên liệu thường xuyên để họ được nhận mức giá tốt hơn. Đây là một kênh bán hàng khá ổn định, khách hàng đặt hàng đều đặn hàng tháng và giữ kết nối rất tốt với nhau, đôi bên đều được lợi.

Liên kết với đối tác rewards cũng là một kênh bán hàng đem lại nhiều khách hàng mới.

Ví dụ, một tiệm bánh muốn nhập nguyên liệu hạt giá tốt thì phải mua một lúc 100-200kg, nhưng đã là nông sản thì để càng lâu chất lượng càng thấp, mua nhiều quá dùng không hết. Vì thế công ty mình gom đơn hàng từ nhiều nơi. Mình lấy số lượng lớn để giá thành thấp xuống và bán lại cho họ với giá thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ. 

Liên kết với đối tác rewards cũng là một kênh bán hàng đem lại nhiều khách hàng mới cho bên mình. Nhiều khách dùng xong rồi còn quay trở lại để mua tiếp nữa.

Ví dụ như Grab, GoViet, Momo,… thường khi khách sử dụng dịch vụ của họ và tích điểm, đến một mức nào đó sẽ được đổi thưởng. Những sản phẩm của Hooray là một phần thưởng trong đó, khách hàng đổi điểm để nhận voucher mua hàng tại Hooray.

Kinh nghiệm thực tế khi kinh doanh đồ ăn vặt?

Bài học quan trọng nhất của mình nhận được là muốn đi xa, phải có đồng đội mạnh. Mình cảm thấy rất biết ơn vì có Kha, và các bạn nhân viên đồng hành cùng công ty đến tận bây giờ. 

Tất cả cùng nhau trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, suốt năm 2019 thì bù lỗ, rồi 2020 lại thêm dịch Covid. Nhờ tinh thần của mọi người, mà đến giờ công ty vẫn duy trì tốt được. 

Tụi mình chỉ vừa mới chuyển sang mô hình mới, với tên mới và nhận diện thương hiệu mới – Hooray nên cũng có hơi lo lắng. Tuy nhiên, mình tin rằng khách hàng sẽ luôn nhìn thấy giá trị mà công ty mình mang lại, những sản phẩm chất lượng với tinh thần cống hiến cho sự phát triển nền nông nghiệp Việt. 

Người hay tài liệu nào có ảnh hưởng nhất đến cửa hàng đồ ăn vặt?

Mình không có hình mẫu cụ thể là ai. Trong quá trình kinh doanh mình thường học hỏi từ những người xung quanh, là đối tác, bạn hàng, nhà cung cấp và cả khách hàng. 

Mình tương tác giữa con người với con người rất thường xuyên, và mỗi ngày mình đều học hỏi, đều tự đặt câu hỏi “vì sao bạn hàng đang làm tốt như vậy”, “nhà cung cấp quản lý hệ thống lớn của họ như thế nào?”, “làm sao để mình tăng thêm trải nghiệm khách hàng nữa”, “nhu cầu sắp tới của thị trường là gì?”,…

Càng đặt những câu hỏi, càng quan sát thì mình càng cảm nhận rõ hơn về thị trường cũng như định hướng của công ty sắp tới. 

Công cụ, phần mềm gì cần cho vận hành shop đồ ăn vặt?

Công ty mình sử dụng Kiot Viet để quản lý hệ thống bán hàng, quản lý kho, quản lý thông tin khách hàng, thu chi,… gần như tất cả mọi thứ. Nếu bạn nào đang kinh doanh online thì có thể tham khảo, một công cụ quản lý hệ thống rất tốt, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của mình. 

Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?

Công ty mình hiện có đang tuyển vị trí marketing. Ngoài ra, vào những dịp lễ, tết,… khi công ty có bán các set quà tặng thì cũng có tuyển thêm CTV bán hàng. 

Lời khuyên cho người mối bắt đầu mở cửa hàng đồ ăn vặt?

Lời khuyên duy nhất dành cho những bạn đang ấp ủ kinh doanh là hãy đi làm thuê trước để có kinh nghiệm. Vì ý tưởng thì nhiều, nhưng để mang từ ý tưởng đến thành công thì không phải ai cũng có thể làm được.

Phải có kinh nghiệm có thể triển khai tốt nhất, mà để “mua” kinh nghiệm, thì tốt nhất là đi làm thuê trong ngành bạn muốn kinh doanh trước, vừa được học hỏi, vừa được trả lương. 

Tìm bạn và cửa hàng đồ ăn vặt của bạn ở đâu?

Website: hooray.com.vn/

Facebook: facebook.com/hooraysnack/ 

SĐT: 032 706 6088

Tóm tắt

  • Tên dự án: Hooray
  • Người được phỏng vấn: Nhựt Anh & An Kha
  • Vốn khởi đầu: 100 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 50 h/tuần
  • Doanh thu: 80-120 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 2 người
  • Số nhân viên hiện thời: 4 người
  • Kênh tăng trưởng: truyền miệng, đối tác reward (Grab, Momo, be, GoViet, eating gift), SEO, quảng cáo Facebook, event flea market,…
  • Nguồn doanh thu: bán sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha

Ý Kiến (1)