A Vậy Hả
Trang Chủ » Doanh thu 100 triệu/tháng từ kinh doanh nước ép trái cây

Doanh thu 100 triệu/tháng từ kinh doanh nước ép trái cây

cover image - Doanh thu 100 triệu/tháng từ kinh doanh nước ép trái cây
Trần Thiện Dương - sáng lập Laman Juice

Trần Thiện Dương

Sáng lập Laman Juice

100Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

5

Nhân Viên

30Tr

Vốn khởi đầu

“Đợt ấy khó khăn về tài chính nên mình không dám ăn uống tử tế suốt mấy tuần. Người lúc nào cũng lo lắng và buồn chán. Tuy nhiên, mình không bao giờ cho phép bản thân được mất niềm tin…”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh gì?

Xin chào, mình là Thiện Dương, sinh năm 1991. Sau khi ra trường thì mình đi làm ngân hàng 4,5 năm trước khi tự kinh doanh riêng. 

Vào giai đoạn 2016-2017, thương mại điện tử mới phát triển tại Việt Nam. Nắm bắt được tiềm năng đó, mình đã mở gian hàng bán sách giấy trên Tiki và nhanh chóng lọt top nhà bán lẻ xuất sắc. Để có giá tốt, mình chủ động liên hệ với tác giả trên Facebook ngay sau khi họ hoàn thành tác phẩm. Bên cạnh đó, mình cũng bán vài chục đầu sách từ các nhà xuất bản.

Chỉ sau một thời gian, mỗi tháng doanh thu gian hàng lên tới 300-450 triệu với hàng ngàn sản phẩm được bán ra, chủ yếu là sách kinh tế và sách của tác giả Việt Nam. Tuy nhiên sau một năm, mình nhận thấy việc kinh doanh sách không đem lại nhiều giá trị, chỉ là bán chênh lệch nên đã quyết định dừng lại dù có nguồn thu nhập tốt đều đặn.

Xem thêm: 9x nghỉ việc 2000$, kinh doanh hạt dinh dưỡng granola không đường

Năm 2019, mình chuyển hướng sang kinh doanh một mặt hàng hoàn toàn mới mẻ là giày dép nữ cho nhân viên văn phòng. Thương hiệu tên là Lamanda, do mình là người sáng lập và sau đó có thêm cộng sự đề nghị hợp tác.

Mình vay mượn từ các mối quan hệ, gom góp được hơn 1 tỉ để mở cửa hàng tại số 180 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Qua lời giới thiệu của một người bạn, mình liên hệ được với nhà sản xuất tại xưởng và hợp tác để gia công với họ. 

Do công việc nhiều nên mình quyết định nghỉ hẳn công việc toàn thời gian để tập trung cho cửa hàng Lamanda. Thời gian đầu, mình gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, vốn ít hơn cộng sự nên thiếu đi tiếng nói trong việc điều hành.

Đến khi mở cửa hàng thứ hai sau một năm khởi sự, hai bên xảy ra mâu thuẫn nên càng thêm khó khăn. Đỉnh điểm là hàng tồn kho ngày càng nhiều do giày dép chỉ bán theo mùa và xu hướng, mình là nam giới nên cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, mình buộc phải ngừng dự án đầy tâm huyết này cùng với rất nhiều bài học xương máu về tiền bạc và khởi nghiệp.

Xem thêm: Doanh thu 20 triệu/tháng từ quán cà phê và homestay

Ý tưởng kinh doanh nước ép hoa quả có từ đâu?

Đợt ấy khó khăn về tài chính nên mình không dám ăn uống tử tế suốt mấy tuần. Người lúc nào cũng lo lắng và buồn chán. Tuy nhiên, mình không bao giờ cho phép bản thân được mất niềm tin vào khởi nghiệp. Nghĩ mãi thì mình cũng có ý tưởng mới là bán nước ép hoa quả nhờ chiếc máy ép đang sử dụng. USP của sản phẩm là các thức uống hỗ trợ cải thiện sức khỏe, làn da nhờ vào các loại rau củ lành mạnh như cần tây, rau kale,…

Sau một tháng nghiên cứu, hai tháng bán hàng thì mình đã dư tiền để mở thêm chi nhánh. Hiện tại thì Laman Juice đã có 3 chi nhánh và 7 cửa hàng nhượng quyền tại TP. Hồ Chí Minh. Do tình hình dịch bệnh nên nhiều kế hoạch nhượng quyền tại các tỉnh thành khác đang phải tạm ngưng. Các chi nhánh lớn trong thành phố cũng phải đóng cửa do chi phí mặt bằng cao.

Xem thêm: Doanh thu 90 triệu/tháng từ quán trà sữa không gian học tập

Tuy nhiên, mình đã nhanh chóng mở thêm Laman Food – nhà cung cấp rau củ và trái cây nội địa chỉ vài ngày trước khi Sài Gòn giãn cách toàn xã hội. Mình chủ động liên hệ với các đầu mối và vựa nông sản lớn ở các tỉnh, đàm phán công ty vận tải để đảm bảo rau củ, trái cây được vận chuyển kịp thời, tươi ngon.

Website và Facebook của Laman Food cũng được xây dựng thần tốc để nhanh chóng chóng trưng bày và quảng bá. Nhờ có quyết định và cách triển khai nhạy bén nên hiện tại Laman đã có doanh thu khả quan dù trong giai đoạn giãn cách kéo dài.

Khi còn đi học, mình thường được tiếp xúc với quan điểm: cố gắng học thật giỏi để có tấm bằng, rồi làm một công việc ổn định để đủ sống. Thế nhưng sau khi đi làm một thời gian, mình cảm thấy có gì không đúng khi ngày nào cũng miệt mài 8h đến công ty, 5h về nhà. Cuộc sống tuy ổn định nhưng lại gò bó trong khuôn khổ và không thực sự cảm thấy hạnh phúc. Nên mình đã cho bản thân một phép thử là khởi nghiệp để theo đuổi đam mê. Mình cứ đi từ từ, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm vậy thôi.

Xem thêm: Doanh thu 120 triệu/tháng từ bán đồ ăn vặt dinh dưỡng

Bí quyết tạo nên sự khác biệt khi kinh doanh nước ép trái cây?

Trước khi bước chân vào ngành này, mình cũng đã nghiên cứu rất kỹ, phải làm sao để cạnh tranh được với các gian hàng nước ép truyền thống khác. Do đó, sản phẩm ban đầu chỉ tập trung vào một phân phúc khách hàng là những chị em phụ nữ quan tâm tới sức khỏe của bản thân. Món chủ lực và cũng là best-seller của Laman Juice là nước ép cần tây kết hợp với các loại hoa quả nhiều đường để tạo độ ngọt và át đi vị khó uống. 

Các tiêu chí hàng đầu của Laman Juice gồm có:

  • Kết hợp hài hòa giữa những món thông dụng như dứa, táo, cam,…với món khó uống như ớt chuông, cải kale, cần tây,… 
  • Cân bằng vị giác để nước ép có độ ngon đặc trưng, nguyên chất và không khó uống. 
  • Cung cấp các liệu trình đa dạng cho nhiều tệp khách hàng như gói bổ sung năng lượng buổi sáng, gói 7 ngày, 14 ngày… 
  • Chỉ ép đồ tươi và làm trực tiếp ngay khi nhận đơn từ shipper.
  • Có hai lựa chọn là chai thủy tinh khi giao hàng và uống trực tiếp bằng ly.
  • Mức giá phù hợp với số đông, giao động từ 29.000-55.000đ. 

Kỷ niệm thú vị khi mở quán nước ép trái cây?

Mình có một nhà tài trợ giúp đỡ trong lúc gặp khó khăn nhất. Cơ duyên khá đặc biệt vì chị ấy được tặng một đôi giày tại cửa hàng mình, sau đó do yêu thích thương hiệu nên đã nhắn tin cho fanpage để mua thêm.

Tuy nhiên khi ấy Lamanda đã đóng cửa, mình cũng thành thật nhắn tin và cảm ơn sự ủng hộ của chị. Sau khi hỏi thăm về tình hình kinh doanh, thấy tiếc cho sản phẩm chỉn chu, bài bản mà phải dừng lại nên chị đã đề xuất hỗ trợ.

Với khoản vay $2500 không lãi suất, mình đã có thêm nguồn lực rất lớn để bắt đầu lại công việc kinh doanh với Laman Juice. Sau khi dự án đã tạo ra thu nhập thì mình có gửi trả lại chị khoản cho vay kia và hai chị em vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp từ đó đến giờ.

Mãi sau này mình mới biết chị là một trong những nhà đầu tư của phim Song Lang và là người mua độc quyền bộ phim để trình chiếu tại Mỹ. Quả thật mối lương duyên này là điều may mắn nhất mà mình có được từ khi khởi sự kinh doanh.

Công cụ, phần mềm gì cần để vận hành quán nước ép?

Mình sử dụng linh hoạt rất nhiều các công cụ khác nhau như:

  • Thiết kế Website: Haravan
  • Công cụ kế toán: Misa  
  • Ứng dụng giao hàng: Grab, Now, Baemin

Trước đây thì mình có sử dụng cả các dịch vụ bán voucher, coupon trên các kênh online.

Kế hoạch mở rộng tiệm nước ép trái cây?

Do đợt dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng rất nhiều tới việc kinh doanh nên mình phải trả lại mặt bằng, cắt giảm nhân sự và chỉ giữ lại một vài cộng sự lâu năm hỗ trợ online. May mắn là mình tận dụng được việc kinh doanh trái cây và thực phẩm nên vẫn có thể duy trì hoạt động và trả lương cho nhân sự vượt qua mùa dịch. Hay nói cách khác, Laman Food đã vượt qua đại dịch nhờ sự linh hoạt, nhạy bén trong kinh doanh.

Kế hoạch sắp tới của mình là khai thác khách hàng từ nhiều kênh như sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng,… để đảm bảo cho doanh thu ổn định, không còn biến động và phụ thuộc vào nhiều thứ nữa. Bên cạnh đó, mình cũng triển khai lại quy trình quản lý để các cửa hàng có thể tự vận hành mà không đòi hỏi quá nhiều sự giám sát. 

Lời khuyên cho người mới bắt đầu kinh doanh nước ép?

Mình hay được nhận xét là có tính liều trong chuyện kinh doanh. Tuy nhiên mình thấy đó vừa là ưu, vừa là nhược điểm. Theo mình, các founder cần nhìn nhận chính xác điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát huy và cải thiện nhằm tránh đưa ra các quyết định sai lầm cho doanh nghiệp. 

Thứ hai, người khởi nghiệp cần có cái nhìn tổng quát về mọi ngành. Bạn có thể không nắm vững nhưng những kiến thức tổng quát về kinh doanh như tài chính, cung ứng, sản phẩm,… thì phải biết rõ. Vậy thì phải học ở đâu khi trường đại học chỉ tập trung đào tạo một chuyên ngành? Hãy tự học và tự thực hành. Tìm tòi những xu hướng mới, nắm kiến thức cơ bản để sau này có thể hiểu được công việc của nhân sự và tự đánh giá được mức độ hiệu quả.

Cuối cùng, bạn tuyệt đối không được mất niềm tin vào khởi nghiệp. Dù họ có nói phải có duyên kinh doanh, có may mắn, v.v… nhưng chúng không hoàn toàn đúng. Thương trường là chiến trường, có đầy rẫy rủi ro, biến cố. Song hãy cứ đứng dậy sau thất bại, rút ra kinh nghiệm quý giá cho bản thân. Chắc chắn lần thứ 2, thứ 3,… vẫn sẽ va vấp, không suôn sẻ nhưng sẽ tránh được những sai lầm đã mắc phải trước đó. Hãy kiên trì đến cùng với mục tiêu của chính mình, giữ cao ý chí của bản thân để đạt được thành tựu cuộc đời mà bạn mong muốn!

Tìm bạn và quán nước ép trái cây của bạn ở đâu?

Facebook: https://www.facebook.com/thienduong.tran

Fanpage Lamanda: https://www.facebook.com/juicelaman

Website: https://lamanjuice.com/

Foody: https://www.foody.vn/ho-chi-minh/laman-juice-nuoc-ep-vi-suc-khoe-vo-van-tan

Shopee Food: 

https://shopeefood.vn/ho-chi-minh/laman-juice-nuoc-ep-vi-suc-khoe-vo-van-tan

Tóm tắt

  • Tên dự án: Laman Juice
  • Người được phỏng vấn: Trần Thiện Dương
  • Vốn khởi đầu: 30 triệu VND
  • Doanh thu: 100 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 1 người
  • Số nhân viên hiện thời: 5 người
  • Kênh tăng trưởng: chuyển nhượng, truyền miệng, mạng xã hội
  • Nguồn doanh thu: kinh doanh sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha