A Vậy Hả
Trang Chủ » Doanh thu 160 triệu/tháng từ kinh doanh quán nhậu

Doanh thu 160 triệu/tháng từ kinh doanh quán nhậu

cover image - Doanh thu 160 triệu/tháng từ kinh doanh quán nhậu
Na - sáng lập Ở đây có Muối

Na

Sáng lập Ở đây có Muối

100-160Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

3

Nhân Viên

220Tr

Vốn khởi đầu

“Mình sẽ lựa chọn ngưng bán bia gừng nếu hôm đó độ lên men không đạt chất lượng. Mình cũng lựa chọn lên món chậm nhưng cố gắng cùng với bếp làm tốt nhất có thể”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh gì?

logo của Muối

Mình là Na, 26 tuổi, là chủ của quán nhậu nhỏ tên “Muối” – 6 tháng tuổi. Mình cũng là dân văn phòng, sau đó cùng bạn “thất nghiệp chủ động” và mở Muối để kinh doanh với mục tiêu Muối sẽ trở thành nơi mà các bạn có thể thoải mái, tự do và tìm ra được sự “mặn mòi” của cuộc sống sau mỗi ngày làm việc nhạt nhẽo. 

Thật ra ban đầu ý tưởng của mình là mở homestay (nhà nghỉ) nhưng kinh phí có hạn, kinh nghiệm thì không nhiều nên quyết định mở quán nhậu nhỏ trước. Mình và bạn đồng hành gặp nhau bàn bạc chính thức từ tháng 5/2020 và cho ra đời cái tên Muối ngay buổi gặp đầu tiên. 

Hiện Muối có 1 bếp chính, 2 nhân viên phục vụ và 2 nhân viên thường trực (Thị Na và Thị Tứn). Sau 6 tháng hoạt động, Muối chưa đem lại lợi nhuận so với vốn đầu tư ban đầu vì chúng mình còn phải dùng tiền để vận hành, nhưng vẫn cố gắng từng ngày và có niềm tin. Hôm nay khi mình chia sẻ những điều này thì Muối đã nghỉ được hơn 1 tuần do dịch, chúng mình rất buồn nhưng vẫn đang cùng đầu bếp thiết kế những combo (suất ăn) online trong thời gian tới để cứu vãn tình hình.

Xem thêm: Doanh thu 800 triệu/tháng từ nhà hàng ẩm thực Thái

Ý tưởng mở quán nhậu xuất phát từ đâu?

Mình là một đứa thích đi, thích nấu, thích ăn và thích viết, muốn sống một cuộc đời rất tự do và không thích bị gò bó bởi bất cứ điều gì. Chính vì vậy mà mình đã nhen nhóm việc kinh doanh tự do từ rất lâu rồi, tuy nhiên phải cần thời gian “ủ mưu” nên 25 tuổi mới chính thức tạo ra Thị Muối của đời mình. 

Từng học đại học ở Hà Nội, sau đó, mình khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp với ý chí phơi phới. Quá trình ở Sài Gòn, mình chỉ lao đầu vào công việc và tiết kiệm tiền với mục đích kinh doanh. Chính vì vậy mà các mối quan hệ của mình đến từ công việc là chủ yếu, quen Thị Tứn (bạn đồng hành) cũng là thông qua một người bạn thân từ công ty cũ. 

Đôi bạn trẻ “Thất nghiệp chủ động” để khai trương Muối

Thời điểm đầu 2020, do quá áp lực với công việc cộng với stress vì thay đổi môi trường khi chuyển sang công ty mới nên khát vọng của mình cho việc kinh doanh càng lớn hơn. Sau khi nghe mình tâm sự, người bạn thân ở công ty cũ mới quyết định giới thiệu mình và Tứn vì hai đứa đều là người nó tin tưởng lại cùng ngày tháng năm sinh và đều có máu kinh doanh. Ngay từ buổi gặp đầu tiên, mình và Tứn đã ngồi bàn bạc và cho ra cái tên Muối. Sau đó anh em chung tình thống nhất không thay đổi. 

Từ ngày đầu tiên gặp cho tới ngày Muối chính thức khởi động chúng mình chỉ có 6 tháng để vừa chuẩn bị vừa sắp xếp công việc. Thời gian đó vẫn đi làm và thường xuyên đi ăn, đi chơi liên tục để tham khảo thị trường, tìm hướng đi cho quán. Đến tháng 10/2020, chúng mình chính thức nghỉ việc, thất nghiệp chủ động và tìm mặt bằng một cách nghiêm túc nhất có thể. 24/11/2020 chúng mình khai trương Thị Muối tưng bừng.

Xem thêm: Doanh thu 270 triệu/tháng từ nhà hàng ẩm thực Nhật

Các bước mở quán nhậu ra sao?

Muối ra đời với mong muốn tạo một không gian đủ “chill”, đủ mặn để bạn có thể ghé tới sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi. Chính vì vậy mà chúng mình luôn nghĩ tới “Đà Lạt”. Vì những người ở Sài Gòn khi mệt mỏi thường muốn lên Đà Lạt nghỉ vài ngày, để tận hưởng cái sự chậm chậm, không gian dễ chịu và lúc nào cũng thơ thơ. Vậy khi ta không thể xách ba lô lên và đi ngay được thì sao? Đó chính là lý do mà Muối quyết định đem đến cho Sài Gòn một chút hơi thở của vùng đất ấy.

1. Chọn mặt bằng

Căn nhà cấp 4 có phần tồi tàn và đổ nát

Từ ý tưởng đó mà việc tìm mặt bằng cũng phải khác. Chúng mình lùng ở khắp các hang cùng ngõ hẻm, từ thực địa đến “online địa” với mong muốn tìm được một chỗ phù hợp với phong cách Đà Lạt. Cuối cùng sau khi mất kha khá tiền “ngu phí”, cùng sự trợ giúp của người thân, tụi mình đã tìm được một căn nhà cấp 4 có phần tồi tàn và đổ nát (cười khổ) nhưng giá cả và địa điểm thì phù hợp với Na và Tứn.

2. Trang trí (decoration)

Sau khi có mặt bằng rồi, chúng mình bắt đầu ngồi xuống và bàn về việc sửa chữa phần cứng, tức là tạo không gian trước, còn trang trí thì để sau. Trong thời gian Tứn ở nhà để giám sát việc sửa chữa thì mình đi Đà Lạt với 2 nhiệm vụ: 1 là tham khảo thiết kế, 2 là thử bia gừng để chuẩn bị cho thực đơn của Muối. 

Tự tay trang trí lại không gian quán

Chuyến công du thành công tốt đẹp, Na mang một mớ ý tưởng cùng bia gừng đã được kiểm duyệt kỹ lưỡng về cho Muối. Chúng mình mất 3 tuần cho công đoạn sửa, xây dựng, hoàn thiện, trang trí quán,… và hàng trăm lần lượn xe máy vòng quanh Sài Gòn. Để tiết kiệm, bàn ghế, đèn điện cho tới mọi vật dụng đều do tụi mình tự tay đi tìm mối rẻ, thanh lý và lựa trực tiếp. 

3. Thiết kế thực đơn

Bia gừng nổi tiếng của quán được làm thủ công 100%

Bia gừng chính là điểm đặc biệt tại Muối mà chúng mình quyết định ngay từ khi theo phong cách Đà Lạt. Nhờ nhân duyên nên Muối tìm được mối bia làm thủ công 100% tại Đà Lạt với vị thơm và nồng vừa phải, xứng đáng là hoa hậu của Muối. Các loại bia khác chúng mình tìm nguồn nhập trên các hội nhóm Facebook và so sánh giá, độ xa gần để quyết định nhập.

Ngoài ra Muối còn có một thực đơn món ăn do mình và Tứn nghiên cứu và thử nhiều lần. Trong quá trình thử món, chúng mình tự chụp hình để sử dụng làm tư liệu quảng cáo cho quán. Ngoài ra tụi mình có mời bạn bè, nhân viên mới (khi đó mới tuyển) qua ăn thử một số bữa để có nhận xét, cảm nhận và từ đó cập nhật thực đơn. 

Quá trình ổn định, thống nhất thực đơn, ra công thức cùng định lượng để làm giá của bọn mình mất 10 ngày, có sự trợ giúp của đầu bếp đầu tiên.

4. Tìm nguồn nguyên liệu

Ban đầu chúng mình xin mối cung cấp tận nơi từ bạn đầu bếp luôn. Mỗi ngày chỉ cần đặt là sẽ có người giao tới, tuy nhiên số lượng không nhỏ và có nhiều sản phẩm không đảm bảo tươi. Nếu sử dụng không hết dễ bị hư hỏng, khó bảo quản. Sau một số ngày hoạt động, chúng mình đã đổi chiến thuật, những nguyên liệu chính có thể cấp đông thì tự tìm nguồn sỉ và nhập trực tiếp, giao nhiệm vụ cho đầu bếp sắp xếp, vệ sinh và bảo quản. Rau củ hàng ngày mình sẽ đi chợ hoặc siêu thị để lựa vừa đủ cho tươi. Quán mình có món tôm sống thì đều là tôm tươi hàng ngày mua tại siêu thị Mega để đảm bảo vị không bị đổi. 

Ấn phẩm độc đáo mang phong cách của Muối

5. Thiết kế ấn phẩm

Mình có bạn thân từ hồi Đại học, hiện đang làm thiết kế nên đã tận dụng mối quan hệ để được giá tốt. Riêng logo bọn mình đã bắt đầu làm từ hồi tháng 8,9 với rất nhiều lần sửa để ra được phiên bản hiện tại. Logo này bọn mình có ý tưởng là đang rắc muối mỗi ngày tại quán. Ngoài ra thì cũng muốn dùng hình meme (ảnh chế, hài hước) cho dễ chịu, dễ gần và có cảm xúc. Các nội dung còn lại cũng nhờ bạn thiết kế luôn, rồi in ấn thì làm chỗ ở gần quán cho tiện.

Bắt đầu khai trương quán nhậu như thế nào?

Bộ ảnh quá trình cải tạo Muối gây chú ý cộng đồng mạng

Sức hút ngay khi ra mắt trên mạng xã hội

Ngày Muối chính thức khai trương mở bán là 24/11, tuy nhiên trước đó mình đã đăng một bộ hình trên nhóm Facebook Nghiện Nhà để kể về quá trình cải tạo và được cộng đồng mạng quan tâm. Cùng thời gian đó mình lập Fanpage, Instagram của Muối và chăm chút nội dung cũng như bắt đầu chạy quảng cáo. 

Sau bài đăng ở Nghiện Nhà, chạy quảng cáo và đều đặn lên bài theo kế hoạch đã định, chúng mình đã tiếp cận được một lượng người theo dõi thật ổn định, có tương tác và quan tâm tới Thị Muối. 

3 ngày khai trương với chương trình giảm giá 10%, chúng mình đầy hết bàn vì được nhiều bạn bè và các bạn trong hội Nghiện Nhà ghé ủng hộ. Những ngày đó chúng mình thay nhau rửa chén, thay nhau bưng bê chứ không phân biệt chủ hay nhân viên. Ngày nào cũng 1 giờ sáng mới về đến nhà, nhưng đếm tiền thì cười tới tận mang tai. 

Duy trì lượng khách

Ngay sau khoảng thời gian khai trương, bọn mình bị tỉnh mộng, vì có những ngày lẻ tẻ người qua lại, không một bóng dáng ai. Chúng mình bắt đầu xem lại cách phục vụ vào những ngày khai trương, xem lại cách chế biến và những hạn chế để thay đổi và tìm hướng tiếp cận khách mới, giữ chân khách cũ. 

Cho đến khi bọn mình được ưu ái đưa bài lên các hội nhóm như Thánh Review, Măm Măm Sài Gòn,… và một số cộng đồng review (đánh giá) khác, lượng khách cũng ổn định hơn.

Quán nhậu hiện hoạt động như thế nào?

Dần ổn định và quen với việc kinh doanh

Hiện tại Muối đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất là 6 tháng đầu tiên để hiểu về ngành, duy trì và vận hành. 

Chúng mình hiện tại đã biết cách nhập nguồn nguyên liệu tươi ngon giá hợp lý, biết cách bảo quản và lưu giữ hàng hoá khoa học không bị thiệt hại nhiều. 

Hàng tháng mình tự quản lý tài chính, tự tổng hợp chi tiêu, có quỹ lương nhân viên, quỹ lương cho 2 chủ và chưa phải thêm tiền vào việc vận hành từ ngày khai trương tới giờ. Vì chưa quen và thành thạo công việc nên mình quản lý chi tiêu từng ngày cho không bị nhầm lẫn và quên. 

Ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19

Tuy dịch kéo tới khiến bọn mình trải qua nhiều đợt khó khăn, nhưng thành công lớn nhất tới thời điểm hiện tại có lẽ là chúng mình đã đem đến cho mọi người khi tới quán cái không khí Đà Lạt giữa Sài Gòn, cái sự “ngờ nghệch” nhưng nhiệt tình của 2 người chủ và đặc biệt là cái hương vị bia gừng lưu dấu mãi. 

Mình tin là sau đợt dịch này, mọi thứ sẽ trở lại bình thường và Muối sẽ tiếp tục trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các bạn mỗi khi áp lực và cần điểm tựa!

Bí quyết tìm và giữ thực khách cho quán nhậu?

1. Tính cách thương hiệu

Mình nghĩ rằng Muối giữ chân được khách, có nhiều tương tác trên mạng xã hội là nhờ vào nội dung chân thật và hài hước. Tụi mình xây dựng tính cách Thị Muối ngay từ đầu là mặn mòi, dễ thương và yêu thương mọi người. Vì vậy, mỗi bài đăng hay bình luận đều xuất phát từ tính cách của Thị Muối chứ không phải của người quản trị viên. 

Mỗi bài đăng hay bình luận đều xuất phát từ tính cách của Thị Muối

Muối như một nhân vật thứ 3 quan sát những điều đó và đăng lên vậy. Muối sẵn sàng kể những câu chuyện như Thị Na bị lừa ở quán, quá trình chúng mình đang cải tạo quán tới đâu, chuyện nhân viên làm đơn xin ứng tiền hay việc nhân viên đang cô đơn cần tuyển bạn gái. 

2. Khả năng tạo content (nội dung) trên mạng xã hội

Tính cách đó của Muối được thổi hồn nhờ vào sự mặn mòi của Tứn và khả năng làm content (nội dung) ở nhiều Agency (Công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo) của Na. Chính vì vậy mà những nội dung trên Fanpage đều đạt tỷ lệ tương tác khá cao. Trước khi khai trương, trên Fanpage đều đăng 1 – 2 bài đăng. Trong quá trình mới mở quán thì mỗi ngày 1 bài hoặc cách ngày 1 bài đăng. Hiện giờ thì 2 bài đăng/tuần và những khi có chương trình khuyến mãi sẽ nhiều hơn. 

3. Chăm sóc khách hàng

Đối với những khách hàng quen thuộc, bọn mình thường xuyên trò chuyện tương tác qua Fanpage hoặc trực tiếp tại quán. Cùng với đó, tụi mình luôn để ý những thói quen của khách để phục vụ tốt hơn nên ngoài việc quảng cáo trên mạng xã hội, Muối cũng được biết đến do “truyền miệng”, giới thiệu của bạn bè và khách quen cũ.

Trong quá trình làm việc sẽ không tránh khỏi những lần bị than phiền bởi đồ ăn, Muối thường tiếp nhận ngay lập tức và có ý kiến phản hồi thoả đáng. Na và Tứn thường tặng cho khách một món quà nhỏ để bù đắp nếu như lỗi đó là do quán. Tuy nhiên tỷ lệ này không lớn, 6 tháng qua, chúng mình có tổng cộng 8 lời than phiền, trong đó 7 trường hợp đều được xử lý vui vẻ trở thành khách quen sau này, 1 trường hợp không được khách hàng đón nhận.

Kinh nghiệm thực tiễn khi kinh doanh quán nhậu? 

1. Nếu mặt bằng không thuận lợi nhất định phải có một chiến lược marketing đúng đắn

Kinh doanh F&B (đồ ăn, thức uống) thì mặt bằng thuận lợi, nhiều người qua lại quả thực là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên cùng với đó, giá cả và chi phí cố định sẽ cao hơn rất nhiều so với trong ngõ. Nếu bạn giống Muối, chọn địa điểm trong ngõ, hãy chuẩn bị một chiến lược marketing dài hạn và liên tục cập nhật, kiên trì với định hướng của quán để có thể tạo riêng một tệp khách hàng từ nhỏ đến lớn. 

2. Phát triển từ cốt lõi sản phẩm

Không khí Đà Lạt, chất lượng thức ăn luôn được đảm bảo chỉn chu

Phương châm kinh doanh của mình là tạo ra giá trị, vậy nên không thể nói và quảng cáo mãi nếu thực chất Muối chẳng có gì. Ở Muối, chúng mình quảng cáo về không gian, về bia gừng và đồ ăn thì chúng mình cần chỉn chu trong tất cả những thứ đó. Khi khách tới cần cảm nhận được không khí Đà Lạt từ hình ảnh đến con người và thực đơn. Mình sẽ lựa chọn ngưng bán bia gừng nếu hôm đó độ lên men không đạt chất lượng. Mình cũng lựa chọn lên món chậm nhưng cố gắng cùng với bếp làm tốt nhất có thể chứ không thể làm cho có và mang lên phục vụ vì Muối đã có một vài lần thiếu chỉn chu trong những chuyện đó và nhận bài học đắt. 

3. Sai thì sửa, xin lỗi thay vì nêu lý do

Dịch vụ là một trong những yếu tố tiên quyết của ngành F&B (đồ ăn, thức uống). Chúng mình nhận ra là sau khi phục vụ, nếu có sai lầm, nên xin lỗi ngay và cố gắng sửa chữa, mọi lý do khi đó chỉ là ngụy biện cho sai trái của mình mà thôi. Không ai có nghĩa vụ quan tâm tới những lý do mà bạn đang gặp phải, thứ khách hàng thấy là giao diện, hành động, sự kiện ngay tức thời bạn đã tạo ra. 

4. Quản lý nhân sự chưa bao giờ là dễ dàng

Đối với những người khởi nghiệp nhỏ như chúng mình thì sẽ hiểu, vừa làm chủ vừa là nhân viên, vừa là lao công vừa là bảo vệ sẽ là vai trò “hấp dẫn” thế nào. Nhiều khi phải đóng vai cả HR (tuyển dụng nhân sự), mà lại thiếu chuyên môn nên khó tránh khỏi những lần tuyển dụng sai lầm. Tuy nhiên, kinh nghiệm là nên thẳng tay và quyết đoán ngay từ đầu để tránh gây hiểu lầm rắc rối, công tư phân minh, đời tư dễ chịu nhưng vào việc là nhiệm vụ rõ ràng. 

Việc quản lý tiền quầy tại quán cần có quy định, quy trách nhiệm ngay từ khi nhận việc!

Những người hay tài liệu nào có ảnh hưởng nhất đến quán nhậu?

Mình thích sách và đọc đủ thể loại, nhưng có lẽ cuốn gần nhất với thời gian mình mở Muối là “Dốc hết trái tim”. Cuốn sách chính là “hồi ký” của CEO (Giám đốc điều hành) Howard Schultz từ lúc bắt đầu khởi nghiệp đến khi gây dựng được một “đế chế” Starbucks như ngày hôm nay. Bỏ qua những công việc với mức lương được nhiều người thèm muốn, Howard đã đi theo tiếng gọi của trái tim, đem khát khao về một thứ cà phê tuyệt hảo đến cho thế giới.

Đó là cả một hành trình dài của một người đàn ông có tâm, có tầm và có ý chí. Mình nhớ mãi ông có viết “Tôi tin rằng ai cũng có thể đạt được giấc mơ và thậm chí là hơn thế nếu họ không ngừng cố gắng” và ông luôn tin rằng thành công thực sự có giá trị khi nó đạt được những điều nhân văn. 

Chính vì vậy mà cho đến giờ mình vẫn rất thích cuốn sách, tư tưởng của Howard và dùng sự chân thành hết sức cùng Muối, bên cạnh Muối, luôn tin chúng mình sẽ bùng nổ sớm thôi.

Bạn sử dụng những công cụ, phần mềm gì?

Về nền tảng mạng xã hội chúng mình vẫn dùng Facebook và Instargram. 

Ứng dụng tại quán thì sử dụng phần mềm bán hàng Sapo và Máy quẹt thẻ MPos để phục vụ cho quá trình kinh doanh.

Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?

Thời gian tới, sau khi dịch được khoanh vùng, đảm bảo lại kinh doanh bình thường, mình cần tìm một bạn phục vụ dễ thương về với Muối. Khi đó thì sẽ có thông tin trên Fanpage.

Lời khuyên cho người mới bắt đầu mở quán ăn?

Mình cho rằng con đường thành công không bao giờ chỉ trải toàn hoa hồng nhưng nó sẽ bớt đắng cay hơn rất nhiều nếu bạn có những người đồng hành thật sự. Một mình bạn không bao giờ có thể làm nên kỳ tích. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Do vậy các bạn trẻ có thể hãy tìm cho mình những người bạn đồng hành tuyệt vời để cùng làm nên những thành tựu tuyệt vời. 

Hồi đang sửa quán, vì sự chần chừ thiếu quyết đoán của mình mà có một hôm, quán có đồ bên trong nhưng không có… cửa cuốn bên ngoài. Vậy là mình cùng người yêu và Tứn phải khăn gói đồ đạc lên ngủ đêm canh quán. Lúc đó quán đang sửa nên bụi bặm, khó chịu vô cùng mà may sao mình có đồng đội bên cạnh để cùng cố gắng. Đó chỉ là một phần trong rất nhiều những gian nan mà mình và Tứn đã cùng nhau đi qua, giờ thì khó khăn chắc chắn cũng không hết, nó còn đầy phía trước nhưng cứ đi thôi, rồi sẽ tới!

Tìm bạn và quán nhậu style Đà Lạt của bạn ở đâu?

Facebook Na: facebook.com/ngocanh.truong.9237/ 

Fanpage Muối: facebook.com/MuoiSaiGon.Official

Instargram Muối: instagram.com/muoi_saigon/ 

Email: [email protected]

Tóm tắt

  • Tên dự án: Ở đây có Muối
  • Người được phỏng vấn: Na
  • Vốn khởi đầu: 220 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 70-90 h/tuần
  • Doanh thu: 100-160 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 2 người
  • Số nhân viên hiện thời: 3 người
  • Kênh tăng trưởng: Truyền miệng, marketing nội dung, quảng cáo mạng xã hội
  • Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha

Ý Kiến (3)

  • Hi Avayha, mình có bấm vào link fanpage của Muối nhưng không thấy hiện ra page, Facebook báo content không tồn tại. Mình tìm tên Muối Sài Gòn cũng không ra trên Facebook, không biết có vấn đề gì với link không ạ? Mình cảm ơn admin !!!

  • AVH có nhận được phản hồi của độc giả về vấn đề link fanpage, chúng mình đang xem lại và cố gắng khắc phục.
    Trong thời gian đó, mọi người có thể search tên fanpage là Ở đây có bán “Muối” nhé.
    Cảm ơn các bạn đã yêu mến bài phỏng vấn nhé <3