A Vậy Hả
Trang Chủ » Kinh doanh trà mãng cầu, 9X thu 150 triệu/tháng

Kinh doanh trà mãng cầu, 9X thu 150 triệu/tháng

cover image - Kinh doanh trà mãng cầu, 9X thu 150 triệu/tháng
Nguyễn Văn Sơn - sáng lập Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn

Nguyễn Văn Sơn

Sáng lập Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn

150Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

6

Nhân Viên

60Tr

Vốn khởi đầu

“Công dụng chính của trà mãng cầu: giúp ngủ ngon, an thần, ổn định huyết áp và phòng ngừa ung thư. Đây là lợi ích lớn của mãng cầu mà rất ít người biết đến.”

Xin chào! Bạn là ai và đang kinh doanh dự án gì?

Xin chào! Tôi là Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1992, founder của Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn. Sản phẩm bên tôi là trà mãng cầu – một loại trà an thần, ổn định sức khỏe. 

Năm 1982, gia đình tôi từ Hà Tĩnh vào Đắk Lắk phát triển kinh tế mới, khi đó tôi còn chưa sinh ra. Những tưởng khí hậu thổ nhưỡng màu mỡ ở miền đất mới sẽ là nơi tiềm năng để phát triển kinh tế, ba mẹ tôi bắt tay vào canh tác nông nghiệp với cây cà phê và lúa làm chủ đạo. 

Nhưng không như kỳ vọng, dù lưng sạm tay chai thì làm nông cũng chỉ là nghề đủ ăn, lấy công làm lời. Bố mẹ định hướng cho tôi học tập từ nhỏ vì đây là con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh làm nông cơ cực. 

Hiểu được sự kỳ vọng đó. Tôi luôn nỗ lực hết mình.

Xem thêm: Mở tiệm trà hoa thành công với ý tưởng hộp quà độc đáo

Ý tưởng kinh doanh trà mãng cầu đến từ đâu?

Logo thương hiệu Trà Nguyễn Văn

Năm 2016 tốt nghiệp cao học ngành tài chính, tôi về công tác tại văn phòng của ủy ban huyện Krông Pắc. Lương nhà nước khá ổn định và là công việc mà bao người mơ ước. Nhưng bản thân tôi vẫn không ngừng suy nghĩ.

Không muốn cứ mãi ổn định với công việc sáng đi tối về, không có gì đột phá. Thêm việc chứng kiến nông sản địa phương luôn trong tình cảnh được giá mất mùa, được mùa mất giá. Tôi trăn trở. 

Ngày xưa, bố mẹ chỉ trồng mãng cầu lấy trái ăn chơi thôi. Nhưng với nhiều gia đình xung quanh, nó là nguồn kinh tế chính. Tuy nhiên, nguồn thu mang về vô cùng bèo bọt, chỉ 3.000 – 4.000 đồng/kg, đôi khi thương lái không thu mua, nhà nông đành để rơi rụng hoặc cho gia súc ăn.

Xem thêm: Nhóm bạn trẻ bỏ phố về quê xây dựng vườn sinh thái

Mãng cầu ở Đắk Lắk ngon, sản lượng cao. Khí hậu nơi đây ôn hòa, thổ nhưỡng thích hợp, lớp đất đỏ Bazan vô cùng thuận lợi cho loài cây gai góc này phát triển. Nhưng vì không mang lại kinh tế cao, chúng bị chặt bỏ, bị thay bằng cây trồng khác.  

Qua tìm tòi, nghiên cứu. Mãng cầu ngoài công dụng ăn trái, nó còn là một dược liệu quý có khả năng kháng ung thư đang được nhiều quốc gia trên thế giới chú ý đến.

Sau nhiều đắn đo, tôi quyết tâm thay đổi bản thân, cùng khát khao được làm gì đó có ích cho quê hương. 

Giữa năm 2018, tôi đặt dấu chấm hết cho công việc bằng lá đơn xin thôi việc. Bắt tay vào đào sâu nghiên cứu trên cây mãng cầu với ấp ủ sẽ tìm ra lối đi mới cho giống cây quê nhà.

Tôi không thông báo cho gia đình biết, vì chắc chắn bố mẹ sẽ không thể ủng hộ tôi khi mọi thứ đều chưa thành hình. Tôi âm thầm phấn đấu.

Tôi vay mượn vốn từ bạn bè, khởi động từ mô hình rất nhỏ để tối thiểu hóa rủi ro. Ban đầu mọi thứ hoàn toàn thủ công, cái gì lấy công làm lời được thì tôi đều ưu tiên hàng đầu. 

Nhà xưởng không có, tôi tận dụng chiếc kho phía sau nhà làm phòng nghiên cứu. Tận dụng mọi thứ sẵn có để tiết kiệm vốn liếng.

Xem thêm: Kinh doanh thực phẩm hữu cơ, nữ sinh kế toán thu 300 triệu/tháng

Quá trình thiết kế và sản xuất trà mãng cầu?

Trước đó mãng cầu chỉ là trái cây tươi ăn liền hoặc được tách múi cấp đông gửi đi các nơi tiêu thụ dưới dạng sinh tố giải khát. Bởi vậy sản lượng tiêu thụ có giới hạn, giá thị trường rất rẻ. 

Là dân tay ngang không có chuyên môn về sản xuất, tôi tốn kém khá nhiều thời gian tìm hiểu, thử nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật sản xuất.

Những tưởng chuyên ngành tài chính là một bước đệm giúp tôi dễ dàng hơn khi bước vào kinh doanh. Nhưng học là một chuyện, thực tế lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Làm thuê với làm chủ nó chẳng giống nhau tí nào. Tất cả đều phải học lại từ đầu.

Sau nhiều thử nghiệm, tôi tìm ra trà là dòng sản phẩm phù hợp nhất với giống cây có tính năng thanh nhiệt, an thần này. 

Hơn 2 tháng đầu bắt tay sản xuất, hàng tấn nguyên liệu hư hỏng, nhưng tôi chưa từng muốn bỏ cuộc, chỉ suy nghĩ cứ làm mãi đến khi nào được thì thôi. Kết quả thực không bỏ công, công thức trà hoàn chỉnh đã ra đời. 

Có 7 bước chính, chọn quả, làm sạch, thái quả, đem sấy khô, sao trà, mang đi ủ, cuối cùng là đóng gói. Nhưng đó chỉ là các bước tiến hành. Người thợ phải biết căn chỉnh, chọn lọc nguyên liệu, giãn cách công đoạn, thời gian hợp lý. Đây chính là kỹ thuật riêng.

Xem thêm: Doanh thu 20 triệu/tháng từ vườn rau hữu cơ

Những công dụng đặc biệt của trà mãng cầu?

Công dụng chính của trà mãng cầu: giúp ngủ ngon, an thần, ổn định huyết áp và phòng ngừa ung thư. Đây là lợi ích lớn của mãng cầu mà rất ít người biết đến.

Dược tính quý này của mãng cầu là điểm tâm đắc mà tôi muốn mang đến người tiêu dùng. 

Ngoài ra trà mãng cầu còn giúp thanh nhiệt cơ thể, thư giãn tinh thần. Những bạn thường xuyên làm việc trên máy tính, hay mệt mỏi, công việc áp lực thì rất nên sử dụng. 

Từ công dụng đặc biệt của nó, phân khúc khách hàng bên mình chủ yếu từ 30 – 60 tuổi, tập trung nhiều ở khối dân văn phòng và người có các triệu chứng đau đầu, khó ngủ. 

Tôi hy vọng các bạn trẻ hơn cũng nên thử dùng nó, kết quả nó mang lại thật sự rất tốt. Tuy nhiên ở độ tuổi đó các bạn lại tiếp xúc nhiều hơn với đồ ngọt, thức uống có hàm lượng đường cao như trà sữa, bởi khẩu vị của chúng rất kích thích.

Tương lai tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể để nhân rộng phân khúc tuổi và đối tượng sử dụng. 

Bán sản phẩm trà mãng cầu đầu tiên như thế nào?

Tưởng rằng tạo ra sản phẩm chất lượng đã là thành công. Nhưng khởi nghiệp chẳng bao giờ là dễ dàng.

Tôi làm tất tần tật mọi khâu, từ nghiên cứu, đóng gói, liên kết vùng nguyên liệu, thu mua đầu vào và kể cả mời chào sản phẩm đến khách hàng.

Trà mãng cầu là một sản phẩm mới toanh, hoàn toàn xa lạ với người tiêu dùng. Thậm chí có nhiều người còn chưa biết đến trái cây này. Việc tìm kiếm những khách hàng đầu tiên chính là thử thách rất lớn.

Cứ ở đâu có hội chợ, có triển lãm, miễn nơi đâu có khách hàng là tôi đều tìm đến giới thiệu. Tôi tìm kiếm những đại lý, cửa hàng chuyên bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe để chào hàng. Sau đó tiếp tục tìm hiểu phát triển marketing cho website và fanpage.

Thời gian đầu cũng nản nhưng nhờ nhận được những phản hồi tích cực của người dùng nên tôi có thêm động lực làm tiếp.

Cuối năm 2018 – tín hiệu đáng mừng đầu tiên, tôi đạt được giải 3 cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, địa phương bắt đầu hỗ trợ tôi rất nhiều về truyền thông. Sản phẩm Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. 

Bí quyết thành công kinh doanh trà mãng cầu?

Nắm vững đầu vào nguyên liệu

Nhờ có lợi thế sân nhà, nguyên liệu hoàn toàn chủ động ngay tại tỉnh thành. 

Tôi liên kết với nhà vườn ở địa phương, đưa ra những thỏa thuận về quy chuẩn cây trồng. Đảm bảo chỉ sử dụng thuốc sinh học cho cây, phun thuốc giai đoạn trái còn non và khi kích cỡ trái lớn hơn thì ngừng hẳn. 

Nhà vườn được hỗ trợ giống, đầu ra ổn định. Hiện tại giá tôi thu vào là 13.000 đồng/kg, giá thương lái là 5.000 – 7.000 đồng/kg. 

Việc tuân thủ theo những thỏa thuận từ trước, vừa giúp trái mãng cầu đạt chất lượng hàng sạch và dinh dưỡng cao. Vừa ổn định nguồn cung nguyên liệu cho tôi. Vừa giúp bà con có thu nhập khá hơn. 

Chú trọng vào chất lượng

Chất lượng sản phẩm vẫn là tiêu chí quyết định hàng đầu. Thời gian đầu tôi tìm kiếm khách hàng tin dùng trà mãng cầu vô cùng khó khăn. Nhưng do nỗ lực không ngừng nghỉ, khách hàng bắt đầu tìm đến và phản hồi vô cùng tốt.

Từ nguồn khách hàng cũ, qua hình thức truyền miệng, khách hàng mới lại đến. 

Nhờ khắt khe trong mọi khâu sản xuất cộng với dày công nghiên cứu, trà thành phẩm có vị thơm ngon, nhưng vẫn giữ nguyên được dược tính.

Kênh phân phối đặc thù

Tôi nghiên cứu đặc trưng ngành hàng của từng kênh phân phối, từng loại hình siêu thị. Không phải ở đâu ngỏ lời tôi cũng đồng ý hợp tác, phải xem có thực sự phù hợp hay không.

Tôi tập trung vào những thị trường ngách. Chủ yếu các siêu thị thực phẩm sạch như Farmer Market. Khách ở đây không đại trà, họ nhắm đến dòng sản phẩm thiên nhiên, sạch và chú trọng đến sức khỏe. 

Nhà xưởng bên tôi đạt chứng nhận ISO 22000 và HACCP, nên dễ dàng vượt qua các khâu kiểm ngạch. Tiêu biểu sau khi xuất sang Hàn Quốc đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, đây đang là thị trường lớn chiếm 20% lượng tiêu thụ hằng năm của trà Nguyễn Văn. 

Ở thị trường trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực có sản lượng tiêu thụ nhiều nhất, tiếp đó là Hà Nội, Nha Trang, Quảng Ninh, Đà Nẵng,… và một vài tỉnh thành khác.

Kết nối cộng đồng

Bên cạnh kinh doanh trên cơ sở lợi nhuận, tôi nghĩ doanh nghiệp của mình cần kết nối tốt với cộng đồng để chia sẻ, gắn kết và để bản thân luôn biết trân trọng mỗi thành công nhỏ nhất.

Tôi thường xuyên tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng như: tặng gạo, khẩu trang, các nhu yếu phẩm cho địa phương để chống dịch,… Đến các đơn vị trường khó khăn trao tặng áo trắng cho học sinh tới lớp. 

Sản phẩm trà mãng cầu hiện kinh doanh ra sao?

Sau gần 3,5 năm hoạt động. Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn đã dần có tên tuổi trên thị trường cả trong và ngoài nước. 

Sản lượng năm 2019 là 2 tấn trà mãng cầu, con số này nhanh chóng tăng lên 2,5 tấn vào năm 2020 và dự tính trong năm nay là 4 tấn. Doanh thu dự kiến đến hết năm nay sẽ đạt gần 2 tỷ đồng. 

Ngoài thị trường Hàn Quốc tôi vẫn mong muốn thâm nhập được nhiều thị trường tiềm năng khác ở nước ngoài, tăng quy mô tiêu thụ.

Tôi có nhận được một vài lời mời hợp tác đầu tư nhưng vì nhận thấy thời cơ hiện nay chưa thích hợp nên đã từ chối. 

Lúc đạt giải 3 cuộc thi khởi nghiệp tại Đắk Lắk, Shark Thủy ngồi ghế ban giám khảo và có đặt vấn đề muốn tìm hiểu thêm để đầu tư cho dự án. Nhưng nhận thấy còn khá nhỏ bé, vẫn có thể chủ động nguồn vốn, một phần không muốn lệ thuộc quá nhiều nên tôi từ chối và hy vọng sẽ quay lại trong tương lai với khả năng huy động nguồn vốn lớn, có kế hoạch mở rộng dài hạn.

Kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất trà mãng cầu?

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian tới tôi sẽ phát triển thêm một số chủng loại sản phẩm, trước tiên là mãng cầu sấy dẻo ăn liền, loại này đã có mặt rất nhiều trên thị trường, hứa hẹn mức cạnh tranh rất khắc nghiệt. 

Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một gia tăng. 

Hiện tại tôi tập trung chủ yếu cho kế hoạch tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Nới rộng độ tuổi khách hàng sử dụng trà mãng cầu từ 25 – 65 tuổi.

Lời khuyên cho người mới bắt đầu kinh doanh?

Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì các bạn nên nắm bắt thế mạnh bản thân trước khi bắt tay vào xây dựng dự án nào đó. Đó là yếu tố then chốt giúp bạn gắn bó lâu dài hơn với thương hiệu của mình.

Sự sáng tạo sẽ là điểm nhấn của thương hiệu, nếu có được điều này thì cơ hội đến với bạn sẽ cao hơn.

Chúc các bạn sẽ đạt được thành công nhất định trong tương lai gần.

Tìm bạn và dự án trà mãng cầu của bạn ở đâu?

Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn:

Anh Sơn Founder

Tóm tắt

  • Tên dự án: Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn
  • Người được phỏng vấn: Nguyễn Văn Sơn
  • Vốn khởi đầu: 60 triệu VND
  • Doanh thu: 150 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 2 người
  • Số nhân viên hiện thời: 6 người
  • Kênh tăng trưởng: Website, Facebook, Truyền miệng
  • Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha