A Vậy Hả
Trang Chủ » Mách bạn 4 bí kíp giữ chân khách hàng trong ngành F&B

Mách bạn 4 bí kíp giữ chân khách hàng trong ngành F&B

cover image - Mách bạn 4 bí kíp giữ chân khách hàng trong ngành F&B

Một trong những điều khi chọn khởi nghiệp trong ngành F&B (Food and Beverage Service) được quan tâm nhất, chính là việc làm thế nào để có thể giữ chân được những vị khách đến quán. Làm sao để khách hàng ghé đến một lần, và rồi sẽ chọn ghé lại thêm một lần nữa.

Trong bài viết lần này, A Vậy Hả sẽ gửi đến bạn những phương thức để giữ chân khách hàng theo cách thật tinh tế và mang lại hiệu quả cao từ chính chia sẻ của những bạn chủ đang kinh doanh trong ngành F&B.

Tạo ra không gian sẻ chia, thân thiện và cởi mở

Thy Thơ – chủ quán trà sữa Tiamo, sở hữu lượng khách trung thành từ ngày mở quán dù có nhiều quán cùng phân khúc khách hàng khác được mở ra ở Tây Ninh. Thy Thơ đã chia sẻ rằng các bạn học sinh đến quán không chỉ chia sẻ với nhau về chỗ ngồi những ngày quán đông khách, mà còn chia sẻ với nhau kiến thức, chia sẻ những kỉ niệm vui buồn với nhau, cứ dần dần như vậy mà từ lạ thành quen.

Và đó cũng là một trong những lý do khiến cô chủ quán trà sữa Tiamo quyết định làm một lễ trưởng thành cho các bạn vào năm 2019 với mong muốn có một buổi tiệc chia tay cho những bạn đã ôn thi ở quán suốt cả một năm học, xem quán như “ngôi nhà thứ 3” sau gia đình và nhà trường.

Bên cạnh đó, ngoài giờ làm công ty, Thy Thơ vẫn hay dành thời gian ngồi ở quán và quan sát. Dần dần, các bạn bắt đầu đến trò chuyện, kể cho “chị Thơ” nghe về chuyện học tập và những chuyện khác trong cuộc sống của các bạn (chị Thơ là cách gọi thân thương của các bạn khách đến quán dành cho cô chủ). 

Thy Thơ tâm sự: “Mình cũng sẵn sàng chia sẻ lời khuyên với cương vị là một người đi trước mỗi khi các bạn cần. Những lần trò chuyện như vậy đã giúp cho khoảng cách giữa một người chị 8X là mình và các bạn genZ mỗi ngày lại được rút ngắn đi một chút”.

Có thể nói, cũng chính nhờ những điều đó mà ở Tiamo không còn tồn tại mối quan hệ giữa chủ quán và khách hàng, mà là mối quan hệ bạn bè, giữa các bạn học sinh và một người “chị lớn”. Không gian học tập sẻ chia, gần gũi và không có khoảng cách giữa người chủ và khách hàng này đã trở thành một trong những lý do giúp Tiiamo giữ vững được vị thế của mình dù sau này đã xuất hiện thêm nhiều quán khác cùng phân khúc khách hàng.

Thy Thơ chia sẻ: “Những tháng cao điểm như mùa thi, mình phải xếp chỗ để các bạn có đủ chỗ ngồi, và rất may mắn vì các bạn đến quán mình đều vui vẻ với việc đó và vẫn lựa chọn quán mình làm nơi để mỗi ngày đến học nhóm hoặc tự ôn thi”.

Đọc trọn vẹn bài viết tại: https://avayha.com/trasuatiamo/

Đừng chỉ nhớ mặt khách, hãy nhớ cả những cái tên

Trong khi đó, Bằng – chủ của homestay Mộng Hanoi cùng quán cà phê Hello Stranger lại có cách tiếp cận cá nhân hoá cho từng khách hàng vô cùng độc đáo.

“Thành công của Hello Stranger phần nhiều là nhờ công sức của chính nhân viên trong quán với cách tiếp cận cá nhân hóa cho từng khách hàng” – Bằng tiết lộ. Cụ thể, các bạn nhân viên sẽ hỏi tên và ghi lên từng chiếc cốc cho khách vào lần đầu tiên. Sau đó khách hàng đến lần 2, lần 3 sẽ được nhân viên nhớ mặt gọi tên. 

Hiện tại, 2 mô hình homestay Mộng Hanoi và quán cà phê Hello Stranger đã được kết hợp với tên gọi BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ. Dự án được ra đời với mong muốn của anh chủ quán rằng có thể mang lại cảm giác gần gũi, thoải mái như ghé thăm ngôi nhà của một người bạn vậy.

Việc này sẽ mang lại cảm giác quen thuộc và đặc biệt cho mỗi khách hàng đến quán. Đó cũng chính là bí quyết của Hello Stranger, là cách làm quen với “người lạ” qua những cái tên hoàn toàn độc nhất và mang đến những giá trị tinh thần thiết thực cho các vị khách đến Bạn đến chơi nhà.

“Có thể nói, thứ mà mình tự hào nhất đối với 2 dự án này là chúng được tạo ra hoàn toàn từ chính bản thân mình, được mọi người biết đến và đón nhận. Giá trị tinh thần mà chúng mang lại khi khách hàng mong muốn đến đây chỉ để trò chuyện, tâm sự,… cho mình biết rằng bản thân đã đi đúng hướng, rằng mình đã tạo ra một nơi đúng với những gì mà mình mong đợi” – Bằng tâm sự

Đối xử với khách hàng như một người bạn

Anya, tên tiếng Việt là Hà, vào năm 2019 đã quyết định thành lập Rawberry –  một tiệm bánh thuần chay (raw-vegan) được chế biến từ những nguyên liệu thô, chọn lọc từ thiên nhiên. Mỗi chiếc bánh của tiệm đều không chứa gluten, sữa, đường hóa học và không xử lý ở nhiệt độ cao.

Ở Rawberry, Anya cho biết luôn giữ thái độ hòa nhã và thể hiện sự tôn trọng với khách. Đối với các khách hàng của mình, Anya luôn tâm niệm phải đối xử với họ như những người bạn thật sự, và luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ lâu dài.

Chính vì thế, khách hàng mỗi khi bước vào Rawberry, Anya sẽ luôn có một cuộc trò chuyện nho nhỏ khi đến tiệm, đôi khi đó là lời hỏi thăm sức khỏe, những lời chúc bình an và may mắn. 

Bên cạnh việc chăm sóc khách hàng, chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quan trọng nhất. Anya chia sẻ: “Mình luôn lắng nghe từng feedback khách, không ngừng học hỏi và phát triển mỗi ngày để từng cái bánh đến tay khách hàng phải đạt chất lượng tốt nhất”. 

Có lẽ cũng chính nhờ vào tâm thế chăm sóc khách hàng tận tình và chu đáo đó mà Rawberry có rất nhiều khách hàng đi theo kể từ những ngày đầu thành lập. Anya kể rằng bản thân ấn tượng nhất là kỷ niệm với hai vị khách người Nam Phi. 

“Lúc đó, mình vẫn còn bán online, anh chị sau khi ăn thử bánh ở Rawberry thì vô cùng ưng ý, nên tuần nào cũng đặt. Cứ mỗi tuần, mình đều đặn đến nhà giao bánh cho anh chị, từ đó việc gặp gỡ họ đem đến một niềm vui nhỏ, đó cũng chính là động lực rất lớn để mình có thể tiếp tục sống với đam mê làm bánh. Cho đến năm 2020, vì tình hình dịch bệnh, nên anh chị phải về nước. Tuy vậy, anh chị vẫn luôn ủng hộ mình từ xa, thỉnh thoảng lại nhắn tin hỏi thăm tình hình của mình và Rawberry” – Anya trải lòng.

Luôn dành thời gian trò chuyện và lắng nghe khách hàng

Na – chủ của quán nhậu nhỏ tên “Muối” đã  cùng bạn “thất nghiệp chủ động” và mở Muối để kinh doanh với mục tiêu Muối sẽ trở thành nơi mà mọi người có thể thoải mái, tự do và tìm ra được sự “mặn mòi” của cuộc sống sau mỗi ngày làm việc nhạt nhẽo. 

Chia sẻ về cách giữ chân khách hàng của mình, Na cho biết đối với những khách hàng quen thuộc, “Muối” thường xuyên trò chuyện tương tác qua Fanpage hoặc trực tiếp tại quán. Cùng với đó, “Muối”  luôn để ý những thói quen của khách để phục vụ tốt hơn nên ngoài việc quảng cáo trên mạng xã hội. 

Xem đầy đủ bài viết tại: https://avayha.com/muoi/

Cũng nhờ cách chăm sóc khách hàng tinh tế đó mà Muối cũng được biết đến do “truyền miệng”, giới thiệu của bạn bè và khách quen cũ. Trong quá trình làm việc, Muối cũng không tránh khỏi những lần bị than phiền bởi đồ ăn, Muối thường tiếp nhận ngay lập tức và có ý kiến phản hồi thoả đáng. 

“Na và Tứn thường tặng cho khách một món quà nhỏ để bù đắp nếu như lỗi đó là do quán. Tuy nhiên tỷ lệ này không lớn, 6 tháng qua, chúng mình có tổng cộng 8 lời than phiền, trong đó 7 trường hợp đều được xử lý vui vẻ trở thành khách quen sau này, 1 trường hợp không được khách hàng đón nhận” – Na thổ lộ.

Trong câu chuyện về việc giữ chân khách hàng, có thể nói, mỗi một người kinh doanh đều sẽ có những phương thức khác nhau, nhưng tất cả những trường hợp thành công đều tựu trung lại ở một điểm. Đó chính là sự chân thành, tất cả các bí quyết dù thú vị đến đâu cũng sẽ đều khó để thành công nếu không bắt nguồn từ tình cảm của chính bạn dành cho những vị khách hàng của mình.

Trên đây là những câu chuyện A Vậy Hả muốn chia sẻ với bạn về việc giữ chân khách hàng, còn bạn, bạn có những cách thức nào khác muốn chia sẻ với chúng mình  không?

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha