A Vậy Hả
Trang Chủ » Top 5 bài học khởi nghiệp đắt giá nhất định phải biết

Top 5 bài học khởi nghiệp đắt giá nhất định phải biết

cover image - Top 5 bài học khởi nghiệp đắt giá nhất định phải biết

Bắt đầu một dự án kinh doanh khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường có lẽ chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Thế nhưng, vẫn có nhiều bạn trẻ dám nghĩ, dám làm và họ đã thành công. Hãy cùng A Vậy Hả nhìn lại 5 câu chuyện của 5 bạn trẻ dưới đây và rút ra những bài học quan trọng khi khởi nghiệp từ chính những chia sẻ thực tế của họ.

Tận dụng nguồn lực quanh mình

Thảo Trâm, sinh viên năm 3 trường Đại học Greenwich, cô chủ nhỏ của cửa hàng cây cảnh Châm Garden. Trâm đã bắt đầu dự án của mình từ năm 15 tuổi khi còn đang là một cô bé học lớp 10 ở trường phổ thông.

Thảo Trâm chia sẻ: “Trong câu chuyện khởi nghiệp, hãy luôn luôn tìm kiếm lời khuyên và cả sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Ngày xưa lúc mình bắt đầu, ba mẹ và thầy cô của mình đều không cho vì rất lo cho mình. Và để giải quyết nỗi lo này của ba mẹ thì mình đã dùng chính kết quả học tập để chứng minh cho ba mẹ và thầy cô thấy mình hoàn toàn có thể vừa học vừa làm”. 

Thảo Trâm cho biết khi chủ động lên tiếng nhờ gia đình giúp đỡ vì hiểu bản thân không thể một mình làm tốt hết tất cả công việc, Thảo Trâm đã có 4 “nhân công” hoàn toàn miễn phí: ba thì đi chở cây, chở hàng, giao hàng; mẹ làm kế toán nên đã bắt đầu giúp Trâm lo bên mảng này; em trai thì đăng bài marketing cho mình và bà nội thì đã trồng cây giúp những khi đơn hàng quá nhiều.

Trâm nhắn nhủ: “Các bạn hãy kêu gọi sự giúp đỡ và ủng hộ từ gia đình và bạn bè. Nếu gia đình không đồng ý thì hãy tìm cách chứng minh và thuyết phục họ, bởi lẽ điều cốt lõi mà gia đình bạn không đồng ý cho bạn khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng chỉ vì họ vẫn còn lo cho bạn, họ chưa đủ tin là bạn có thể vừa khởi nghiệp nhưng cũng vừa học tốt. Khi bạn đã chứng minh được rồi, mình tin là bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ”.

Nếu chọn sai tệp khách hàng, đừng sợ làm lại!

Kim Chi, sinh viên năm 3 trường Học viện tài chính, cô chủ của shop online Kichi Shoes chuyên kinh doanh mặt hàng giày dép phong cách ulzzang tâm sự: “Lúc mới bắt đầu bán, mình không có kinh nghiệm và cũng không có ai hướng dẫn nên đã phải trả giá khá nhiều.

Vào giữa năm 2019 mình quyết định thử kinh doanh online. Tính mình vốn khá liều nên đã nhập hẳn 15 triệu tiền hàng mà không khảo sát kĩ thị trường. Lúc đó mình mang tâm lý ham rẻ, chỉ cần thấy hàng rẻ là mình nhập về và nghĩ chỉ cần bán giá thấp thì sẽ có nhiều người mua. Nhưng đó chính là sai lầm của mình. Mình bắt đầu đăng bán sản phẩm vào các hội nhóm trên Facebook với giá rất rẻ và cũng có người mua. Nhưng với những sản phẩm rẻ tiền, người mua sẽ không cân nhắc nhiều nên đặt hàng rất nhanh và thường là họ không có nhu cầu nhiều đối với nó. Vì lẽ đó mà mà lượng hàng bị bùng rất nhiều, mình đã phải bán lỗ để thu hồi vốn”.

Nhận ra bản thân đã sai trong việc chọn nơi bán hàng vì tệp khách hàng Kim Chi hướng đến là những bạn trẻ được tiếp xúc với hình ảnh của các hot boys, hot girls, thần tượng,… Hàn Quốc nhiều và bị ảnh hưởng bởi phong cách của họ, cũng tức là khách hàng mục tiêu cho mặt hàng của Kim Chi tập trung ở Instagram nhiều hơn. Kim Chi đã quyết định mở shop online trên Instagram. 

“Nhưng lần này mình rút kinh nghiệm và chuyển sang hình thức bán hàng đặt trước. Bên cạnh đó mình có thuê vài bạn đang hot trên Instagram quảng cáo shop và sản phẩm nên dần cũng có một lượng khách ổn định.

Đến khoảng đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mang lại rất nhiều thách thức nhưng lại là một cơ hội lớn cho ngành thương mại điện tử. Các sàn lớn trở nên quen thuộc hơn với mọi người và cũng dần trở thành thói quen mua sắm của họ. Mình bắt đầu nhận được nhiều câu hỏi của khách trên Instagram rằng mình có bán hàng trên Shopee không. Từ đó mình quyết định tìm hiểu thêm về Shopee và đến tháng 5/2021 thì chính thức mở gian hàng trên nền tảng này” – Kim Chi chia sẻ

Hãy học hỏi thêm về kỹ năng quản lý thời gian

Bad Mood Stationery của cô chủ Khánh Trình ra đời vào năm 2018, khi Khánh Trình vẫn còn là sinh viên năm 2 đại học. Lúc đó, vốn khởi đầu của Khánh Trình chỉ tầm 2 triệu rưỡi. Với các mặt hàng cùng ngành, đây là con số khởi đầu khá lớn. Tuy nhiên, vì đã đam mê kinh doanh từ năm cấp 2, do đó cô biết một số nguồn cung giá cả hợp lý mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, chỉ sau 1 tháng thành lập, Bad Mood đã thu hồi được số vốn ban đầu và có thêm kinh phí để đầu tư vào đợt hàng tiếp theo.

Sau khoảng thời gian kinh doanh, một trong những điều Khánh Trình đã học được chính là: Hãy cứ thử và dám sai. Theo Khánh Trình, “kinh doanh là một cuộc chơi mạo hiểm, hãy cứ trải nghiệm hết mình, dám thử dám sai để rồi từ đó rút ra bài học. Có những thời điểm mà dường như mọi thứ đều quá sức với mình. Đặc biệt vào năm 4 đại học khi các học phần năm cuối trở nên dồn dập. Mình vừa phải ôn thi vừa phải lo cho Bad Mood, lúc đó của hàng phất lên rất nhanh nhưng mình lại không tận dụng thời điểm này để xây dựng tệp khách hàng mới. Trải nghiệm này cho mình bài học về cách sắp xếp quản lý‎ thời gian tốt hơn”.

Đối với các bạn trẻ đang có mong muốn kinh doanh nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu, Khánh Trình nhắn gửi: “Với kinh nghiệm lâu năm, mình nghĩ rằng các bạn có thể bắt đầu với các sản phẩm thiết kế, làm cộng tác viên để học hỏi thêm về kinh doanh từ người đi trước, hay tự xây dựng thương hiệu cá nhân. Ban đầu, bạn không cần có một trang cá nhân quá tốt để bắt đầu bán hàng, hãy tận dụng thuật toán của mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, và hãy kiên trì xây dựng nội dung giá trị, khách hàng sẽ tìm đến bạn”.

Bắt đầu từ những điều gần gũi nhất với bản thân 

Hà Phương, hay còn được mọi người gọi là Pum, sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc Dân và hiện đang sở hữu Pum.thelips. Đây là một kênh mua sắm mỹ phẩm uy tín dành cho giới trẻ. Hà Phương đã bắt đầu dự án kinh doanh của mình bằng chính điều bản thân yêu thích và quan tâm.

“Ngay từ bé mình đã rất đam mê mỹ phẩm và làm đẹp. Mình luôn mong muốn hàng ngày bước ra ngoài thật tự tin và rạng rỡ. Thời gian ấy mình đã nghiên cứu và sưu tầm rất nhiều mỹ phẩm. Và đương nhiên bên cạnh những lựa chọn hợp lí thì cũng sẽ có những sự lãng phí khi mua sản phẩm. Mình đều đã ghi chép, ghi nhớ đặc tính của từng sản phẩm để có cái nhìn tổng quan và khách quan nhất. 

Sau đó khi niềm đam mê lớn dần, mình muốn lan tỏa năng lượng và giới thiệu những sản phẩm làm đẹp tốt nhất đến với những bạn nữ đang ở độ tuổi rạng rỡ nhất như mình. Vậy là khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường với bao hoài bão, mình đã mở một shop online nhỏ và lấy tên là Pum.thelips – Pum là tên mình và cũng chính là tiếng bặm môi mỗi khi con gái tô son. Nó chính là kết tinh của niềm đam mê lớn nhất của mình và chính con người mình” – Hà Phương kể.

Trong việc xác định nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, Hà Phương cho biết vì khởi nghiệp ngay từ khi còn học cấp 3 nên khách hàng mục tiêu và gần Hà Phương nhất chính là các bạn cùng trường và cùng độ tuổi. Phương chia sẻ: “Đây là nhóm khách hàng dễ tiếp cận và mua hàng nhất. Thời gian đầu mình đã có rất nhiều đơn hàng nhờ sự ủng hộ của bạn bè, đó cũng là bước đệm và động lực để Pum.thelips phát triển được như ngày hôm nay. Đến bây giờ, mình vẫn luôn xác định khách hàng mục tiêu là các bạn nữ từ 18-25 tuổi ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh”. 

Hãy hết lòng vì điều mình đã chọn làm 

Tấn Thành, sinh viên năm cuối ngành truyền thông số tại đại học RMIT Việt Nam. Hiện tại, Tấn Thành cũng đang phát triển mô hình kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh (bánh mì), cung cấp nguyên liệu và nhượng quyền thương hiệu Viet’s Bread cùng với một người anh từ tháng 10/2019 đến nay. 

Chia sẻ về quá trình bắt đầu bán những sản phẩm đầu tiên, Tấn Thành cho biết:  “Lúc đó mình đang học năm 2 Đại học và quyết định gap year [1] 1 năm để đi làm. 1 năm đó mình làm cùng lúc 2 công việc. Sáng mình làm design in-house cho một công ty mỹ phẩm, chiều về thì thực hiện dự án xe bánh mì như thiết kế bao bì, menu, chụp hình sản phẩm,…. Cuối tuần mình lại đi vòng quanh tìm địa điểm, liên hệ với các đối tác phòng trà, phòng gym, tiệm net, quán cafe,… cần đồ ăn sáng.

*Gap year: Có thể hiểu là “năm khoảng trống” hay năm nghỉ phép, đây là cụm từ dùng để chỉ khoảng thời gian nghỉ kéo dài 12 tháng hoặc có thể lâu hơn khi đang học tập và làm việc

Mình bắt đầu bán vào đúng mùa mưa, cực lắm vì phải dầm mưa, có khi dầm cả ngày luôn. Nhưng vì mình có chạy chương trình khuyến mãi, vị trí cũng đẹp, dễ nhìn dễ mua và hương vị được đầu tư kỹ càng nên bán tốt lắm. Nhiều người ngày nào cũng ghé ăn vài ổ rồi mua thêm đem về cho người thân nữa. Nên dù cực nhưng mình vẫn thấy vui vì sản phẩm của mình được nhiều người ủng hộ”.

Cuối cùng, trái ngọt cũng đã đến với chàng trai trẻ tuổi khi sau  tầm 1 tháng thì Tấn Thành đã ký hợp đồng trở thành đối tác quán ăn của Baemin và GoFood. “Tuy hoa hồng phải trả là 20-25%, khá cao nhưng mình thấy xứng đáng vì đây là kênh 1 kênh marketing và tăng uy tín thương hiệu rất hiệu quả. Việc cộng tác với các app được nhiều người sử dụng thì đã tăng độ nhận diện và tần suất tiếp cận được khách hàng rồi. Thêm vào đó, để được ký hợp đồng với app thì thương hiệu phải đảm bảo rất nhiều điều kiện về sản phẩm, thiết kế cửa hàng, thực đơn, địa chỉ,… và phải cung cấp các giấy tờ như giấy phép ĐKKD, giấy đăng ký địa điểm, CMND/CCCD/Passport. Điều đó sẽ càng làm tăng uy tín cho thương hiệu của mình” – Tấn Thành nhận định

Trên đây là 5 câu chuyện, 5 bài học A Vậy Hả muốn gửi đến bạn. A Vậy Hả tin rằng đây sẽ là những lời khuyên hữu ích và đồng thời cũng sẽ là “vitamin” tiếp thêm cho bạn động lực để bắt đầu thực hiện dự án của mình. Có thể bạn sẽ có cách nhìn nhận về những bài học khác với chúng mình, bạn có thể chia sẻ cùng chúng mình trên fanpage chính thức.

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha