Nguyễn Minh Nhật
Sáng lập Centi.Coach
60Tr/th
Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.
0
Nhân Viên
0Tr
Vốn khởi đầu
“Bạn cần kiên định, tin tưởng và tự tin vào “đứa con tinh thần” của bản thân thì mới có thể thuyết phục được người khác. “
Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh dự án gì?
Mình là Minh Nhật, founder của dự án Centi.Coach được thành lập từ cuối năm 2017. Dự án có sứ mệnh là “nhân hóa” tài chính, khiến tài chính trở nên có ý nghĩa và thiết thực hơn đối với những người cần đến, như giúp các cá nhân và gia đình có sự an tâm và tự tin hơn với tài chính.
Centi.Coach đi theo một hướng tiếp cận riêng, chính việc xuất phát từ vấn đề của cá nhân mình và ít người làm đã tạo nên sự khác biệt của dự án này. Thông thường, với chủ đề tài chính, người ta hay nói về công cụ, về đầu tư,… nhưng với mình thì đây không phải cái cốt lõi, bởi mỗi người sẽ có một vấn đề riêng, mà tài chính chỉ là biểu hiện thôi. Ví dụ, một người đang có lối sống không rõ ràng, không biết 1 cuộc sống như thế nào sẽ phù hợp với bản thân, thì biểu hiện về mặt tài chính là chi tiêu của người đó sẽ rất lộn xộn. Hay một người không hiểu, không kết nối, nói chuyện được với tiền thì biểu hiện là sẽ có rất nhiều vấn đề với tiền bạc… Và đó là lý do Centi.Coach sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề tài chính của riêng mỗi người.
Xem thêm: Doanh thu 30 triệu/tháng từ khóa học tài chính cá nhân
Lớp học tài chính cá nhân có ý tưởng từ đâu?
Vào năm 2017, mình không gặp nhiều vấn đề về tài chính. Tuy nhiên mình có nhiều dự định về tương lai, như chuyện lập gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già yếu,… Đây đều là những vấn đề chắc chắn sẽ xảy ra nhưng nhiều người lại không lo đến.
Nghĩ vậy nên mình đã thử làm khảo sát hỏi sâu một nhóm khoảng 10 bạn trong 2 lần, sau đó tiến hành khảo sát định lượng (khảo sát qua bảng hỏi để thu thập dữ liệu, số liệu thống kê,…). Thì kết quả mình nhận được là hầu như mọi người, kể cả những bạn đã học và làm trong lĩnh vực tài chính, đều sẽ có những vấn đề tương tự như: việc tiết kiệm tiền, bảo vệ tài chính không hiệu quả, không rõ ràng trong chi tiêu, đầu tư không rõ ràng,…
Vì vậy, có thể nói, dự án Centi.Coach bắt đầu từ việc mình đi tìm cách giải quyết cho vấn đề tài chính cá nhân của riêng mình. Rồi sau đó, dự án mở rộng ra để phục vụ cho nhu cầu của anh em, bạn bè, những người xung quanh khi mình thấy họ cũng có vấn đề tương tự và dần phát triển cho đến hôm nay.
Xem thêm: Cách 9x phát triển blog tài chính từ số 0
Quá trình mở lớp học tài chính cá nhân đầu tiên?
Hướng đi đầu chưa tối ưu
Ban đầu, hướng đi của dự án là financial planning (hoạch định tài chính), làm về tư vấn, kết hợp với coaching (huấn luyện 1-1 giữa một người có kinh nghiệm với 1 khách hàng để giải quyết vấn đề/nhu cầu cá nhân). Nhưng sau gần 1 năm triển khai, vào cuối năm 2018, mình nhận ra vấn đề rằng, tuy cũng có khách hàng với nhu cầu về coaching, nhưng nhóm khách hàng này rất ít, còn đối tượng khách hàng mà mình hướng tới, muốn làm việc cùng, muốn giúp đỡ thì lại không có khả năng chi trả cho dịch vụ này.
Định vị lại dự án
Bản thân mình cũng muốn tiếp cận nhóm khách hàng với số lượng lớn hơn nên đã dừng hoạt động coaching và chuyển qua hình thức đào tạo 100%, để qua các lớp học, dựa trên bảng hướng dẫn có sẵn thì học viên có thể áp dụng được luôn. Với cách làm này, các kiến thức sẽ dễ tiếp cận hơn, số lượng người học lớn hơn nên chi phí cũng thấp hơn và hiệu quả lại cao hơn.
Trước tiên, mình có làm các workshop thử nghiệm rồi tiến hành khảo sát qua phỏng vấn nhóm, bảng hỏi,… để đánh giá về nội dung, về cách triển khai bài giảng của mình. Chủ yếu mình sẽ dành thời gian cho hoạt động về financial planner (nhà hoạch định tài chính) và financial coaching (khai vấn tài chính)
Thiết kế lớp học
Ban đầu, mình đã soạn đầy đủ tất cả nội dung về hoạch định tài chính, nhưng đây là chủ đề rất rộng, nhiều phần nên sẽ rất khó. Vì vậy, mình quyết định sẽ tập trung vào mảng tài chính cá nhân, để khách hàng có thể hiểu và bắt đầu áp dụng được ngay. Nhưng như mình đã nói, sau gần 1 năm thực hiện hướng đi trên, mình đã quyết định chuyển sang tập trung vào việc đào tạo, đưa các yếu tố planning (hoạch định) và coaching (huấn luyện) vào lớp học với quy mô, số lượng học viên lớn.
Test & learn (Thử và học hỏi)
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, đó là một chặng đường dài với chuỗi ngày thử và sai để làm nên các workshop, các game khác nhau. Như khi đưa ra mô hình money coaching (huấn luyện về tiền bạc) dưới hình thức lớp học, mình đã phải thử nghiệm rất nhiều qua 1 thời gian nhất định mới có thể rút ra được mô hình và nội dung nào sẽ phù hợp với người học nhất.
Hiểu về đối tượng khách hàng, học viên
Dự án Centi.Coach chủ yếu phục vụ cho đối tượng là người lớn và cách học của họ cũng sẽ khác với trẻ con. Vì vậy, mình sẽ phải tìm hiểu thêm về cách người lớn học, tiếp thu, từ đó thiết kế ra chương trình, lớp học có nhiều hoạt động trải nghiệm để họ tham gia và tiếp cận tốt hơn thay vì chỉ nghe giảng. Ví dụ mình sẽ đưa những kinh nghiệm, trải nghiệm về quản lý tài chính giống với tình huống của học viên để họ cảm thấy quen thuộc, nhìn ra được vấn đề, mặt khác, họ sẽ hình thành được các thói quen, hành vi, cách suy nghĩ như thế nào trong các tình huống thiết thực, tương tự,… Đó là cách mà mình đã làm để học viên có thể thay đổi dần và quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.
Bên cạnh đó, mình cũng phải thiết kế ra các công cụ phù hợp với người lớn, như card game, board game (những trò chơi dưới dạng thẻ, bộ bài, chơi trên bàn,…) để họ thực hành sau lớp học, dễ dàng tiếp nhận thông tin, nội dung trong lớp học. Những trò chơi này có thể được phát triển thành các sản phẩm bán kèm sau này chứ không chỉ sử dụng trong lớp học vì mình nhận được khá nhiều phản hồi, đánh giá tốt về chúng, rằng nhiều người thậm chí muốn mua về để chơi cùng gia đình vì rất thích.
Xem thêm: Thu nhập thụ động 7 triệu/tháng từ web tư vấn tài chính bảo hiểm
Kiếm tiền từ lớp học tài chính cá nhân như thế nào?
Mình có lập một fanpage là “Mỗi tuần 1 công việc” để đăng tải, cập nhật những việc mình đang làm. Nhờ đó đã có nhiều người biết đến dự án và đăng ký học, sau đó họ lại giới thiệu bạn bè, những người xung quanh.
Áp dụng phễu bán hàng
Đồng thời, mình cũng áp dụng chiến lược tạo phễu bán hàng (sales funnel) để thu hút học viên bằng cách tổ chức các mini workshop, đến các trường Đại học chia sẻ về nghề, về tài chính cá nhân. Mình cũng vinh dự được giới thiệu đến Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN và Đại sứ quán Mỹ để tổ chức các chương trình tài chính dành cho thanh niên, nhờ đó dự án của mình ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Gián đoạn và thay đổi hướng đi
Sau lứa học viên đầu tiên, mình đã phải đối mặt với giai đoạn hụt khách. Đó là vào cuối năm 2018, một mặt mình đang chuẩn bị cho đám cưới, mặt khác mình muốn thay đổi về mô hình của dự án, nên sau đó 4 – 5 tháng mình không tổ chức các lớp học offline (trực tiếp) mà chỉ cập nhật thông tin trên fanpage.
Sau khi chuyện cá nhân đã ổn định, đến năm 2019 thì dự án có sự thay đổi, mình bắt đầu làm việc với doanh nghiệp nhiều hơn. Mình được giới thiệu trở thành đối tác của Manulife, được giới thiệu để đến nói chuyện và làm chương trình demo (thử nghiệm) ở Hà Nội về chủ đề sự nhận thức tài chính với quy mô khoảng 70 người. Rồi mình được giao làm 1 sự kiện với hơn 800 người tham gia, tiếp nối sau đó là 1 chuỗi đào tạo cho một nhóm của Manulife khoảng 20 – 30 người và lại được giới thiệu cho 1 nhóm khác của Manulife ở Sài Gòn.
Mình nhớ có một đợt mình làm chương trình với hình thức là training (huấn luyện) và tài trợ đối ứng (phi lợi nhuận) nhằm gây quỹ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc training một buổi cho những công ty nhỏ mà không thu phí,… Lúc đó, ngoài lợi nhuận, chương trình của mình còn mang tính xã hội và cũng nhờ vậy, mình có cơ hội tiếp cận được nhiều doanh nghiệp hơn, được giới thiệu nhiều hơn. Đó cũng chính là lúc mở ra bước ngoặc tiếp theo cho Centi.Coach: Khóa đào tạo tài chính cho nhân viên các doanh nghiệp lớn.
Thiết kế các chương trình khác nhau phù hợp với từng doanh nghiệp
Tài chính là 1 khía cạnh quan trọng để hỗ trợ về mặt hiểu biết, giúp giải quyết vấn đề cấp bách và nó thậm chí có thể ảnh hưởng tới khía cạnh tâm lý của một người. Bởi làm tài chính cá nhân cần có tính nhất quán, sao cho có thể áp dụng vào các sản phẩm/dịch vụ tài chính hiệu quả, chứ không đơn thuần là quản lý chi tiêu. Vì vậy, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến vấn đề này, từ đó mình được mời về để training (đào tạo) cho nhân viên, giúp họ có thể vững vàng hơn về mặt tâm lý đối với khía cạnh tài chính và tiền bạc. Mỗi công ty lại có một cách tiếp cận và mong muốn về tài chính khác nhau đòi hỏi mình cũng phải vận dụng, thiết kế chương trình một cách linh hoạt, đổi mới.
Như trong giai đoạn đó, mình có làm việc với Happy Bitis với nội dung chương trình thiên hướng wellbeing (trạng thái tự tại, hạnh phúc). Kết quả là các nhân viên của Bitis rất thích nên họ đã giới thiệu chương trình lên Learning & Development (Bộ phận đào tạo và phát triển nhân sự) để liên hệ lại với mình. Tương tự ở Lazada, họ cũng quan tâm đến chủ đề financial wellbeing (Trạng thái hạnh phúc về tài chính) cho nhân viên.
Còn kỷ niệm của mình với SCB thì mình nhớ nhân viên ở đây đa số đang ở giai đoạn sắp lập gia đình, có con,… đây là lúc mọi người thấy được tầm quan trọng của vấn đề tài chính cá nhân nên họ rất thích cách tiếp cận của mình.
Mình cũng từng có dịp training cho IBM Hà Nội và General Electrics tại nhà máy Hải Phòng thông qua công ty thứ 3. Tại đây, mình có thực hiện một chương trình khá mới, không có nhiều công ty ở Việt Nam làm, đó là Employee Assistance Program (EAP – chương trình hỗ trợ nhân viên các vấn đề cá nhân và / hoặc các vấn đề liên quan đến công việc).
Lớp học tài chính cá nhân hiện vận hành như thế nào?
Mình đánh giá dự án vẫn đang ổn. Với quy mô hiện tại thì một mình mình vẫn có thể thực hiện, nhưng vì dự án đang chuyển hướng nên có hơi nhiều việc một chút.
Về kế hoạch tương lai cũng như sự thay đổi của dự án thì vào năm 2021, mình có mở một lớp đầu tiên với mục đích đào tạo ra thế hệ 1 nhóm trainer (huấn luyện viên) khoảng 8 – 15 bạn về tài chính cá nhân.
Lý do là vì mình nhận thấy các nội dung như nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân dùng trong mua sắm sản phẩm hoạch định tài chính, trò chuyện về tài chính và hoạch định sự nghiệp hiện không có ai làm cả. Mình lại mong muốn có nhiều người có thể tiếp cận những vấn đề này hơn, giúp cho càng ngày càng nhiều người quản lý tài chính cá nhân tốt hơn và đây cũng là nhu cầu đang ngày càng tăng lên của các cá nhân và doanh nghiệp. Để làm được, đáp ứng được điều đó, mình cần một đội ngũ các trainer được đào tạo bài bản, thống nhất từ khóa học của mình.
Khoá học có 3 trụ cột gồm:
- Education (học về tài chính cá nhân và đào tạo)
- Experience (đáp ứng yêu cầu tổ chức được các buổi đào tạo)
- Ethics (đạo đức và tiêu chuẩn hành nghề)
Học viên không cần phải có nền tảng trước về tài chính và thậm chí có thể có thu nhập khi tham gia khóa học từ các buổi đào tạo thực hành. Đối với các lớp học public training (đào tạo cộng đồng) sẽ không thu phí theo khóa mà sẽ tính gói membership (thành viên) theo năm, mức phí vẫn đang được dự tính, năm đầu phí có thể cao nhưng sẽ thấp dần qua các năm sau).
Cách tìm và giữ học viên cho lớp học?
Để giữ chân và cả tìm kiếm khách hàng mới, mình có lập ra những cộng đồng (community) để học viên có thể học tập và chuẩn hóa kiến thức cùng nhau như: alumni learning (học cùng với nhau, chủ đề mở, chủ đề tài chính, chủ đề cá nhân) & alumni review (ôn tập, ứng dụng những gì đã học để ứng dụng vào tình huống mới). Cơ bản những buổi review sẽ giống hình thức group coaching (huấn luyện theo nhóm). Bởi nội dung trong một lớp học đôi khi chỉ cung cấp những kiến thức mà học viên cần biết. Còn trong các buổi review, mình có thể nghe chia sẻ của học viên về từng trường hợp riêng (như ý định chuyển nhà, sửa nhà,…), từ đó giúp học viên dựa vào những gì đã học để giải quyết vấn đề.
Kinh nghiệm thực tiễn khi mở lớp học?
Chuẩn bị tài chính
Trước đó, mình vẫn nghĩ mình đã có sự chuẩn bị kỹ khi có đủ tài chính để phục vụ cho việc đi học. Nhưng tài chính cho công việc kinh doanh lại không được mình quan tâm tới. Có những sự kiện mình không ngờ tới được, như sau khi lập gia đình, mình đã nghỉ 1 thời gian không làm việc và cũng có nhiều sự thay đổi, nhưng thực tế mình vẫn có thể chuẩn bị được hết cho những tình huống như vậy. Nên mình nghĩ việc chuẩn bị tài chính là quan trọng nhất.
Trò chuyện tài chính với người thân
Mặc dù nói là tài chính cá nhân, nhưng nếu không trò chuyện, thảo luận được vấn đề đó với những người xung quanh thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến cả việc kinh doanh của bản thân mình.
Rất kiên định
Nhiều người khi bắt đầu một việc, một dự án gì đó sẽ luôn nghi ngờ “làm vầy bao giờ sẽ thành công”, “bao giờ mới có khách”,… mà lại không biết rằng chính việc không tin tưởng vào điều mình làm sẽ khiến dự án thất bại. Bạn cần kiên định, tin tưởng và tự tin vào “đứa con tinh thần” của bản thân thì mới có thể thuyết phục được người khác.
Học về quản lý EQ (Trí tuệ cảm xúc)
Khởi nghiệp là một quá trình trồi sụt rất nhiều lần, người nào biết quản lý cảm xúc của bản thân sẽ ổn hơn nhiều và vững tâm để tiếp tục với dự án. Vì một khi bản thân đã có sự chuẩn bị chắc chắn về mặt cá nhân thì khi đương đầu với các vấn đề bên ngoài, với những người khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Công cụ, phần mềm gì để vận hành lớp học?
Mình sử dụng Google Calendar, Google Form, gần đây thì thêm Notion – một ứng dụng tích hợp rất nhiều thứ như lịch, có thể thiết kế bài giảng, có thể cùng học viên tương tác cùng 1 màn hình và rất nhiều thứ khác có thể đưa lên, thậm chí là chơi game.
Tìm bạn và dự án kinh doanh của bạn ở đâu?
Link FB cá nhân: facebook.com/nmtahn
Fanpage của Centi: facebook.com/centi.coach
Tóm tắt
- Tên dự án: Centi.Coach
- Người được phỏng vấn: Nguyễn Minh Nhật
- Vốn khởi đầu: 0 triệu VND
- Thời gian đầu tư ban đầu: 12 h/tuần
- Doanh thu: 60 triệu/tháng
- Số người sáng lập: 1 người
- Số nhân viên hiện thời: 0 người
- Kênh tăng trưởng: In-house training và public training
- Nguồn doanh thu: Truyền miệng
[…] Doanh thu 60 triệu/tháng từ lớp học tài chính cá nhân – Nguyễn Minh Nhật […]
Chào Hiển và Sơn, đây là bài đầu tiên mình đọc trên web và mình thực sự rất thích tính thực tế và khá chi tiết, có trình tự rõ ràng.