A Vậy Hả
Trang Chủ » Tự nghiên cứu công thức bánh ngọt thuần chay, cô gái tăng doanh số 150%/năm

Tự nghiên cứu công thức bánh ngọt thuần chay, cô gái tăng doanh số 150%/năm

cover image - Tự nghiên cứu công thức bánh ngọt thuần chay, cô gái tăng doanh số 150%/năm
Mie Trần - sáng lập Coco & Nuts

Mie Trần

Sáng lập Coco & Nuts

20-25Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

0

Nhân Viên

100Tr

Vốn khởi đầu

“Mình cứ làm, làm và làm. Phương châm kinh doanh của mình lúc đó, và tới tận bây giờ là đặt khách hàng làm trung tâm, chậm mà chắc, và không ngừng thay đổi, cải thiện. “

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh gì?

Logo của Coco & Nuts.

Mình là Mie Trần, một cựu du học sinh ngành quản lý khách sạn-nhà hàng đã rời ngành, và là một người thích làm bánh, quan tâm tới môi trường và ăn chay bán phần.

Hơn một năm trước, mình đã sáng lập ra Coco & Nuts – một dự án về bánh ngọt thuần chay (vegan) và hiện đang điều hành nó với mô hình kinh doanh chính (ở thời điểm hiện tại) là bán bánh thuần chay online. 

Mình thành lập dự án này với mục đích đem đến một sự lựa chọn mới trong ngành bánh ngọt ở Việt Nam- một sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người dùng, tốt hơn cho môi trường và các loài động vật trên Trái Đất.

Hiện tại quy mô Coco & Nuts còn khá nhỏ với một mình mình làm toàn bộ công việc và 3.300 người theo dõi trên trang Instagram.

Xem thêm: Doanh thu 250 triệu/tháng từ tiệm bánh thuần chay vốn 10 triệu

Ý tưởng mở tiệm bánh thuần chay từ đâu?

1. Quyết tâm vào Nam lập nghiệp

Mình luôn nghĩ tới nó như một cái duyên mỗi khi kể câu chuyện này. Tháng 3/2020, vì cảm thấy trống rỗng, không hạnh phúc với công việc và cuộc sống ở Hà Nội lúc bấy giờ, mình đã quyết tâm cùng bạn thân “nam tiến” vào Sài Gòn lập nghiệp.

Lúc ra đi mình không tính toán, lập kế hoạch gì nhiều, chỉ nghĩ đơn giản là cứ vào trước rồi sẽ kiếm việc dần dần. Nhưng sau khi đến Sài Gòn được 1 tuần thì cũng là thời điểm “bệnh nhân số 17” về nước và tình hình dịch Covid biến chuyển xấu đi. Trong 2-3 tuần tiếp theo đó thì có lệnh giãn cách toàn xã hội. Vì chưa kịp tìm được việc mới nên mình thường tìm tới căn bếp để giải khuây. 

Bánh ngọt phiên bản không có phô mai, trứng, bơ, sữa, gelatin…

2. Niềm yêu thích làm bánh

Vì rất thích làm bánh và cũng thích ý nghĩa của tư tưởng ăn chay vì động vật (veganism) nên lúc đó mình bắt đầu mày mò nghiên cứu cách làm bánh thuần chay. Mình đã thử làm món bánh New York Cheesecake mà bạn thân mình thích nhất, nhưng là phiên bản không có phô mai, trứng, bơ, sữa, gelatin và bất kì thành phần từ động vật nào. Sau đó thì kết quả vượt xa mong đợi, chiếc bánh ngon hơn tưởng tượng nên mình càng thấy thích thú để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. 

3. Cảm hứng ăn chay để bảo vệ môi trường, động vật

Mình nghĩ ăn chay rất tốt cho sức khỏe, cho môi trường và mang tính nhân đạo cao. Nhưng để thuyết phục mọi người đều ăn chay thì khá khó vì không phải ai cũng có đủ kiến thức để có thể cân đối dinh dưỡng trong chế độ ăn thuần chay. 

Nhưng với đồ ngọt, đây không phải thức ăn để nạp dinh dưỡng/ năng lượng hằng ngày cho cơ thể, chúng ta thưởng thức chúng như một niềm vui, một món quà, một thứ xinh đẹp,…

Vì vậy, tuy hiện tại thị trường bánh chay còn khá mới và hiếm nhưng mình vẫn thực hiện với mong muốn làm ra những chiếc bánh ngọt thuần chay ngon và đẹp mắt không kém bánh thông thường, để ai cũng có thể dùng nó, dù có ăn chay hay không.

Mình muốn biến bánh ngọt thuần chay trở thành một thứ phổ biến. Khi ấy, lượng bơ, trứng, sữa, phô mai dùng trong bánh ngọt sẽ giảm đi và giảm gây hậu quả tới môi trường.

Chính vì vậy nên Coco & Nuts không chỉ hoàn toàn về việc bán bánh, mà mục tiêu của mình với dự án này còn là để truyền cảm hứng tới những bạn thích làm bánh. Mình mong việc làm bánh thuần chay trở nên phổ biến hơn và chúng ta cùng nhau góp phần khiến Trái Đất tốt đẹp hơn.

Xem thêm: Mở tiệm bánh online thành công sau 3 tháng nghỉ việc văn phòng

Các bước quan trọng khi mở tiệm bánh ngọt thuần chay?

1. Chuẩn bị sản phẩm, R&D (nghiên cứu và phát triển)

Đây là một giai đoạn dài và thiết yếu trong hành trình này. Tới bây giờ, dù đã có một số sản phẩm cố định nhưng mình vẫn coi là mình ở trong giai đoạn đó. Những ngày đầu tiên thì là việc thử công thức.

Vì muốn chậm mà chắc nên mình quyết định bắt đầu với 1 dòng bánh duy nhất – vegan cheesecake, nhưng muốn có nhiều vị để khách hàng lựa chọn. Cái tên Coco & Nuts đã ra đời từ đây. Vì các loại hạt và dừa là nguyên liệu chính để mình làm ra những chiếc bánh thuần chay ở tiệm.

2. Tự viết công thức cho sản phẩm

Mình cũng phải tự phát triển các vị khác nhau nên lúc mới bắt đầu phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Mình phải thử chi li từng chút một, thêm nguyên liệu này 5 gram thì sẽ thay đổi như nào, hay cái kia giảm bớt 10 gram thì sẽ ra sao.

Tìm kiếm người trong khu vực để ăn thử bánh miễn phí.

3. Mời ăn thử và nhận feedback

Vì phải làm thử nhiều lần nên có quá nhiều bánh thừa, mình lại ghét vứt bỏ đồ ăn nên đã nghĩ ra một cách. Mình lên mạng, vào một cộng đồng ăn chay ở Sài Gòn, giới thiệu về dự án và tìm kiếm người trong khu vực để ăn thử bánh miễn phí.

Mình tự sắp xếp thời gian mang bánh đến tận nơi (freeship), làm quen với họ và nhận được phản hồi rất nhiệt tình, có khi dài cả một trang word, còn có người nhận chụp hình bánh miễn phí cho mình nữa.

Bài đăng ấy thành công bất ngờ, mình thì vừa không phải vứt bánh thừa, vừa có feedback khách quan, lại có thông tin những khách hàng tiềm năng ở gần, có thêm rất nhiều người theo dõi và một vài người bạn mới nữa. Nhiều người sau đó đã trở thành khách quen của mình tới tận bây giờ.

Xem thêm: Doanh thu 100 triệu/tháng từ lớp dạy làm bánh trung thu

Khó khăn khi kinh doanh bánh ngọt thuần chay?

1. Khó khăn khi sản phẩm mới, địa điểm lạ lẫm

Bản thân vừa chuyển đến một nơi xa lạ, không quen biết ai, lại theo đuổi một ngành hoàn toàn mới mẻ và kinh nghiệm gần như bằng không nên lúc bắt đầu khá khó khăn. Thêm nữa là với bánh thuần chay thì dù ở tiếng Việt hay tiếng Anh thì vẫn còn khá ít tài liệu để mình học hỏi.

Nhiều nguyên liệu ở Việt Nam không có sẵn hoặc giá rất đắt vì nhu cầu còn ít nên khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng có lẽ cũng chính vì thử thách như vậy nên mình càng muốn chinh phục nó nhiều hơn. Mình cứ làm, làm và làm. Phương châm kinh doanh của mình lúc đó, và tới tận bây giờ là đặt khách hàng làm trung tâm, chậm mà chắc, và không ngừng thay đổi, cải thiện. 

2. Khó khăn hoàn thiện và quản lý chất lượng sản phẩm

Vì mình kinh doanh thực phẩm, và còn là một thứ mới mà rất ít người đã ăn qua nên khó để biết như thế nào là tốt, là “chuẩn”. 

Khó khăn chồng chất từ hoàn thiện và quản lý chất lượng sản phẩm đến thiết kế branding và packaging.

3. Khó khăn làm thương hiệu và đóng gói

Logo đầu tiên được mình làm bằng Powerpoint vì không biết design, sau đó được một người em giúp thiết kế lại. Mình nói với em về một chiếc logo nói lên được câu chuyện của mình, vừa tối giản, vừa hiện đại, lung linh vì mình thích phần trang trí bánh.

Rồi chiếc logo như hiện tại ra đời, có 4 phiên bản, với tagline  “conscious- baking” (dịch nôm na là “làm bánh bền vững”) hàm ý về vegan và less-waste lifestyle (lối sống thuần chay và ít thải rác cho môi trường). 

Với sản phẩm đầu tiên, cũng là sản phẩm chủ đạo hiện tại của Coco & Nuts – dòng bánh vegan cheesecakes, mình muốn hướng tới hình ảnh gần gũi, thân thiện với môi trường vì đặc tính không chứa bột mì, đường kính, chất phụ gia và tốt cho sức khỏe. 

Mình chọn hộp kraft (loại giấy màu nâu tái chế), thắt nơ, cài một tấm thiệp viết tay và chiếc logo được cắt từ bao bì của các sản phẩm tiêu dùng – xuất phát từ việc mình không muốn vứt nhiều rác thải.

Dần dần nó trở thành một dấu ấn đặc trưng của Coco & Nuts. Rất nhiều khách hàng phản hồi lại là họ thấy ấn tượng bởi chiếc logo và chiếc thiệp độc đáo này, thậm chí còn giữ lại như một vật kỉ niệm.

Xem thêm: Bỏ 2 tấm bằng đại học, cô gái bán chè online kiếm 100 triệu/tháng

Lựa chọn hộp kraft (loại giấy màu nâu tái chế) vì không muốn vứt nhiều rác thải.

Những chiếc bánh đầu tiên được bán như thế nào?

Bán theo đơn đặt trước

Mình đã có khoảng thời gian chạy thử khoảng 1-2 tháng trước khi mở bán sản phẩm chính thức. Lúc đó mình bán hàng theo mô hình đặt trước. Mình đăng thời gian biểu hằng tuần lên để khách chọn vị bánh và giờ giao, sau đó dùng một bên giao hàng thứ ba để đưa bánh tới tay người nhận.

Khách có thể chuyển khoản trước hoặc dùng dịch vụ thu hộ của bên thứ ba. Thời gian đầu khi lượng khách ít thì mô hình này khá tốt vì mình quản lý được chặt chẽ số lượng cần làm và bảo đảm không bị tồn đọng bánh. Giá bánh lúc đó cũng được khuyến mãi thấp hơn đáng kể so với bây giờ vì sản phẩm chưa hoàn thiện 100%. 

Bán sản phẩm làm sẵn

Khi mở bán chính thức thì mình chuyển qua mô hình bán sẵn. Lúc mới chuyển qua bán sẵn thì vì chưa có số liệu thống kê để dự tính mỗi lần, mình làm dư khá nhiều, và không đủ khách nên bị lỗ trong mấy tháng đầu. 

Cách quảng bá cho quán bánh ngọt thuần chay?

Mở rộng tệp khách, kênh bán hàng

Mình nhận ra là tệp khách hàng của mình khi đó chưa đủ lớn, họ vẫn chỉ gói gọn trong những người theo dõi từ cộng đồng ăn chay ở Sài Gòn (đa số là người nước ngoài hoặc Việt kiều), nên sau đó mình bắt đầu tìm kênh tăng trưởng khác. Có lần mình tham dự một hội chợ của người Hàn Quốc thì sau đó có thêm một số lượng khách Hàn Quốc sống tại Sài Gòn trở thành khách quen. 

Truyền thông, quảng cáo

Mình mày mò chạy quảng cáo trên Facebook và Instagram thì có thêm nhiều tập khách hàng khác nhau: những người Việt ăn chay, người ăn uống lành mạnh, người quan tâm tới môi trường và người tìm mua bánh ngọt để ăn mừng hoặc tặng quà. Mình cũng tham gia một số cộng đồng về làm bánh thuần chay quốc tế nên cũng có một số lượng người theo dõi từ nước ngoài.

Khi có một lượng khách hàng nhất định rồi thì mình không cần quảng cáo nhiều nữa mà khách hàng truyền miệng lẫn nhau, dần dần mình có nhiều khách quen và khách quay lại hơn. Ở thời điểm này thì mô hình bán sẵn phát huy tối ưu vì khách không cần chờ đợi để được ăn bánh.

Tỉ lệ bán hàng thành công với những khách mới biết tới tiệm cũng cao hơn vì nhiều lúc họ tìm tới tiệm bánh để mua sẵn bánh làm quà tặng. Đến giờ là sau một năm thì số lượng đơn hàng đã tăng 100-120% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đơn hàng cũng như người quan tâm đến dự án ngày càng tăng lên.

Quán bánh ngọt thuần chay hiện hoạt động ra sao?

Hiện tại thì mảng kinh doanh của Coco & Nuts vận hành tương đối ổn. Số lượng người theo dõi cũng tăng trưởng mỗi ngày. Mình có nguồn doanh thu và phần lời ổn định. Mình liên tục tái đầu tư những phần lời đó vào dự án để nó phát triển hơn.

Mình có ghi chép lịch sử mua bán hàng để quản lý kinh doanh hiệu quả thì thấy doanh số phát triển khá tốt. Nhiều hơn tới 150% so với doanh số cùng kỳ năm ngoái. Lượt theo dõi và lượt xem/tương tác cũng tăng đều ở Instagram. 

Khó khăn:

Ngoài làm bánh thì còn rất nhiều việc sau hậu trường khác.
  • Khối lượng công việc của mình ngày càng nhiều. Hiện tại thì mình đang làm mọi thứ một mình. Ngoài việc hiển nhiên là làm bánh thì mình cần làm rất nhiều việc khác đằng sau một tiệm bánh đó là thu mua, kế toán, chụp hình, soạn nội dung quảng cáo, bán hàng, chăm sóc khách hàng, phát triển sản phẩm mới, rửa bát, lau dọn… 
  • Số lượng đơn hàng ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc mình cần dành nhiều thời gian cho những việc phải làm trước, ít thời gian cho việc thay đổi/phát triển/học hỏi hơn. Những kế hoạch và công việc khác cũng dần dà bị lãng quên vì mình cần bỏ nhiều thời gian và công sức để hoàn thành đủ đơn hàng. Vậy nên nếu mình cứ ở quy mô này thì sẽ dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi. Mình cần mở rộng quy mô và có thêm nhân lực trong bộ máy làm việc.

Bí quyết tìm và giữ khách hàng cho tiệm bánh ngọt?

Tìm khách hàng

  • Qua Instagram: Mình cố gắng xây dựng một trang Instagram dễ dàng gây ấn tượng từ hình ảnh tới câu chuyện nên dần dần người theo dõi tự tăng trưởng mà không phụ thuộc nhiều vào quảng cáo. Từ khi bắt đầu Coco & Nuts, mình cố gắng chia sẻ thật nhất những gì diễn ra trong hành trình này. Từ những sự thay đổi, phát triển, hay kể cả những sự cố, những lần khách chưa hài lòng mình đều chia sẻ chứ không giấu giếm. 
Một trang Instagram được chăm chút từ hình ảnh đến câu chuyện để gần gũi hơn với khách hàng.

Lắng nghe: Mình cũng thường xuyên xin phản hồi, ý kiến của khách hàng và người theo dõi để có cái nhìn khách quan hơn về sản phẩm. 

Tạo câu chuyện cho thương hiệu: Mình đặt rất nhiều suy nghĩ và cảm giác của bản thân vào trong những câu chuyện trên mạng xã hội của Coco &. Nuts. Mình cho Coco & Nuts có cá tính riêng, có người nhận xét là nó “như một nàng thơ”, chứ không đơn giản là một nơi để rao hàng. Mình nhận thấy cách chia sẻ này tiếp cận người theo dõi một cách gần gũi và thân thiết hơn, khiến mọi người cũng sẽ mở lòng đón nhận nó và dễ dàng chia sẻ lại với mình.

Xuyên suốt hành trình này, điều mình thấy quý giá nhất chính là được gặp và làm bạn với rất nhiều người đáng yêu ở khắp mọi nơi. Có những mối nhân duyên rất tình cờ mình gặp được qua Coco & Nuts,trong đó có 3 người mà mình nhớ nhất.

Người đầu tiên là Kelly, từng là một phần của team Coco & Nuts và cũng là người bạn thân thiết của mình. Người thứ hai là chị Becky, người mình từng phụ trách chăm sóc khi còn làm nhân viên khách sạn và được gặp lại vào đợt mời thử bánh. Người cuối cùng là bạn trai hiện tại, được Kelly làm mai cho. Câu chuyện cuối cùng này trước giờ mình chưa bao giờ kể trên Coco & Nuts đâu đó nha (cười).

Giữ khách hàng. 

Quan trọng nhất chính là đặt khách hàng là trung tâm của doanh nghiệp. Vì xuất thân từ ngành dịch vụ nên mình hiểu rõ điều đó và cố gắng thực hiện mọi yêu cầu của khách trong tầm khả năng của mình:

  • Mình dành thời gian trả lời khách kĩ lưỡng, trau chuốt nhất và luôn cố gắng nắm bắt, đoán trước nhu cầu của khách để đưa ra gợi ý phù hợp. 
  • Mình nhắn tin nói chuyện, làm bạn với những khách muốn chia sẻ và đưa ra thông tin ngắn gọn, cụ thể với những khách chỉ có nhu cầu đặt bánh. 
  • Mình cố gắng hỏi thăm với mọi khách hàng để xem họ phản hồi ra sao với sản phẩm. Tỉ lệ khách than phiền khá ít, dưới 5%, và thường xuyên nhất mình nhận được là do khâu giao hàng. 
  • Mình thường giải quyết bằng cách lắng nghe và xin lỗi khách thật lòng. Nếu thời gian cho phép thì mình sẽ làm lại sản phẩm mới gửi lại khách, hoặc xin tặng khách mã giảm giá đặc biệt ở những đơn hàng sau. Hầu hết khách hàng của mình đều rất thông cảm. 
  • Đối với những khách quen thì mình hay viết những mẩu thư nho nhỏ cho họ và gửi kèm những hộp bánh. Một vài dịp đặc biệt thì mình sẽ tặng quà  cho họ.

Những bài học thực tế khi kinh doanh bánh ngọt thuần chay?

Hành trình này đã mang tới cho mình quá nhiều bài học. 

  • Cần chuẩn bị sẵn sàng bánh trước thời gian cần giao vì có rất nhiều thứ có thể không may xảy ra. Có lần mình đang đi giao một chiếc bánh lớn thì gặp tai nạn xe khiến bánh bị vỡ nát hết. May mà có thời gian để làm lại vừa kịp giao. Nên sau lần đó, mình cẩn thận hơn và luôn nghĩ tới phương án B với những đơn hàng cầu kì. 
  • Cần chọn lựa kỹ càng các nhà cung cấp và đối tác cho một hành trình lâu dài. Khi mới bắt đầu, vì chưa tìm hiểu kĩ nên mình thường chọn nhà cung cấp với tiêu chí rẻ nhất cho một nguyên liệu nào đó. Nhưng những bên như vậy họ không chú trọng tới việc chăm sóc khách hàng, không chuyên nghiệp và khiến mình lâm vào tình trạng dở khóc dở cười. Nên sau này mình lựa chọn những bên uy tín hơn. Dù giá có cao hơn một chút nhưng nguồn hàng đảm bảo, và họ cũng sẵn sàng giải quyết khi xảy ra sự cố gì. 
  • Luôn luôn có định hướng và kế hoạch cho bất cứ thứ gì. Nó sẽ giữ bạn đi đúng đường để tới đích, một cách nhanh nhất.

Kế hoạch sắp tới cho Coco & Nuts: Xây dựng bộ máy tổ chức với những thành viên mới, ra mắt dòng bánh mới và phát triển thêm mảng lớp dạy làm bánh thuần chay. 

Những người hay tài liệu có ảnh hưởng nhất đến tiệm bánh?

  • Những người bạn thân và gia đình luôn ở đó cỗ vũ mình, những người khách quen/bạn của Coco & Nuts luôn động viên tinh thần, giúp cho mình tinh thần mình luôn mạnh mẽ, không lùi bước khi gặp khó khăn.
  • Những nguồn, tài liệu mình học được rất nhiều về khởi nghiệp: chị Sara Blakely và lớp Self-Made Entrepreneurship trên Masterclass, cuốn sách “Để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả” của Michael E. Gerber. 

Công cụ, phần mềm gì cần cho vận hành tiệm bánh online?

Mình dùng hệ sinh thái Google (Mail, Drive, Sheets) để trao đổi và lưu giữ thông tin. Snapseed và Unfold để chỉnh sửa hình ảnh và story.

Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?

Mình có đang cần tuyển nhân viên, là những bạn có hứng thú với content hoặc/và làm bánh, tối đa 02 bạn và một bạn chuyên phụ trách giao hàng, cái này thì ưu tiên những bạn ở quận 2 nhé. 

Lời khuyên cho người mới bắt đầu mở tiệm bánh?

  • Tìm hiểu về kiến thức khởi nghiệp trước khi bắt đầu: Về chuyên môn thì có thể học dần hoặc thuê những người giỏi về nó. Nhưng để xây dựng một doanh nghiệp/ dự án thành công thì chiếc lược và tầm nhìn của người chủ đóng vai trò then chốt. 
  • Quan tâm sức khoẻ tinh thần của bản thân: Bởi khởi nghiệp chắc chắn sẽ có không ít khó khăn và thử thách. Trên con đường bạn chọn sẽ có không ít rào cản. Bạn phải là người mạnh mẽ và tự tìm cách vượt qua chúng. 
  • Tập trung vào kế hoạch của bản thân: Một điều chắc chắn rằng trong những ngày tháng đầu khi bạn kể về ý tưởng của mình thì đa số mọi người xung quanh sẽ nghi ngờ nó hoặc có những ý kiến khiến bạn nghi ngờ ý tưởng của mình. Nên tốt nhất thì bạn chỉ nên tập trung vào công việc của mình và kể cho một số ít người bạn thấy thực sự nên kể. Hoặc bạn phải đảm bảo rằng những ý kiến của người nghe sẽ không làm ảnh hưởng tới bạn. 
  • Có khoản dự phòng hoặc một công việc (mà không tốn toàn bộ thời gian của bạn): để đảm bảo rằng bạn vẫn có khả năng chi trả sinh hoạt phí trong những tháng đầu. Vì chắc chắn là khi mới bắt đầu bạn sẽ không thể tạo ra lợi nhuận ngay lập tức. Và bạn cũng không muốn để những nỗi lo về tiền bạc ảnh hưởng tới những quyết định của bạn trong dự án/doanh nghiệp của mình.
  • Dám ước mơ lớn: Mình không nói là bạn nên viển vông, mơ mộng vì khởi nghiệp cần dựa trên tính thực tế và khả thi. Nhưng bạn cần có mục đích rõ ràng, và nên có mục đích lớn lao, cao cả và có ý nghĩa để bạn thực sự đặt toàn bộ khả năng của mình vào trong đó. Nếu bạn nghĩ rằng việc mình làm thật bé nhỏ ngay từ đầu thì tại sao bạn cần đánh đổi thời gian và công sức của bạn để thực hiện nó?

Tìm bạn và tiệm bánh thuần chay của bạn ở đâu?

Hiện tại Coco & Nuts hoạt động toàn phần trên mạng xã hội. 

Instagram: instagram.com/coconnuts.sg/

Facebook: facebook.com/coconnuts.sg/

Instagram cá nhân: instagram.com/its.mie/

Tóm tắt

  • Tên dự án: Coco & Nuts
  • Người được phỏng vấn: Mie Trần
  • Vốn khởi đầu: 100 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 84 h/tuần
  • Doanh thu: 20-25 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 1 người
  • Số nhân viên hiện thời: 0 người
  • Kênh tăng trưởng: Truyền miệng, quảng cáo mạng xã hội, marketing nội dung, tham gia sự kiện
  • Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha

Ý Kiến (2)