Đỗ Lệnh Hoài Anh
Sáng lập Saffron Esfedan-GolIran
100Tr/th
Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.
3
Nhân Viên
2Tr
Vốn khởi đầu
“Thời điểm bắt đầu, mình nghĩ dự án này chỉ có 30% cơ hội thành công. Vốn đầu tiên mình bỏ vào chỉ vỏn vẹn 100$. Tệp khách hàng của mình thời gian đầu tiên chính là các vị trung niên, bạn bố mẹ mình.”
Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh gì?
Chào mọi người, mình là Đỗ Lệnh Hoài Anh, đồng sáng lập và chủ sở hữu shop kinh doanh Saffron Esfedan GolIran Việt Nam. Mình khởi động dự án vào tháng 12/2017 dưới sự giúp sức của ông xã mình hiện tại.
Shop mang các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe tại Iran về cho người Việt Nam, vì thời điểm đó thị trường Việt Nam tràn lan các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Rất nhiều bạn bè của bố mẹ mình muốn tìm một loại thực phẩm chức năng để cải thiện sức khỏe nhưng cũng không biết tìm nguồn nào, điều đó thúc đẩy mạnh mẽ mình quyết tâm làm dự án này.
Sau 3,5 năm hoạt động, dự án đã phát triển khá thuận lợi, thu về không chỉ lợi nhuận mà còn trao đi rất nhiều giá trị tốt đẹp cho khách hàng.
Mình quản lí online từ đầu năm 2020 cho đến nay. Doanh thu trong dịch trung bình 100.000.000/ tháng. Những tháng cuối năm hoặc tháng có lễ Tết sẽ tốt hơn một chút, khoảng 300-400.000.000/tháng.
Sản phẩm chủ chốt của shop mình cho đến nay vẫn là kinh doanh Saffron – Nhụy hoa nghệ tây hữu cơ. Hiện nay do dịch Covid nên quy mô dự án của bọn mình bị chậm lại một chút.
Xem thêm: Doanh thu 60 triệu/tháng từ bán Saffron như nghề tay trái
Ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh saffron hữu cơ có từ đâu?
1. Thất bại khi kinh doanh thời Đại học
Lúc còn đi học đại học, mình cũng từng thử sức tập tành kinh doanh mỹ phẩm, nhưng do không có kiến thức và người hỗ trợ, nên có thể xem là thất bại.
Thời điểm đó mình vẫn tìm được khách hàng, nhưng lợi nhuận dường như “gối đầu”. Vốn ít nên giá nhập rất cao, tiền lời cũng chi trả cho chi phí xăng dầu đi lại hoặc thuê ship. Sau 6 tháng thì mình quyết định dừng lại và sang Iran để học lên cao hơn.
2. Mình từng nghĩ: “Kinh doanh Saffron chỉ có 30% cơ hội thành công”
Ý tưởng kinh doanh Saffron và các sản phẩm organic của bọn mình hoàn toàn là của bạn trai mình (hiện tại đã thành ông xã).
Thật sự thời điểm đó, khi ông xã mình đề xuất ý tưởng, mình đã nghĩ dự án này chỉ có 30% cơ hội thành công, nhưng sau này mình mới biết, đó là do mình đã không tự tin vào bản thân chứ không phải đó là một ý tưởng không tốt.
Thời điểm đó mình hiện là sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Tiếng Anh – Tiếng Ba Tư tại Iran. Mình sang Iran nhờ học bổng toàn phần, mỗi tháng đều được bố mẹ chu cấp thêm chi phí sinh hoạt. Nhưng với tính cách thích mạo hiểm và thử những điều mới lạ từ bé, có một cái gì đó thúc đẩy mình tìm hiểu về kinh doanh.
3. Tìm người đồng hành phù hợp khi khởi nghiệp
Một điều rất tình cờ và may mắn, ông xã mình tốt nghiệp ngành Quản Trị Doanh Nghiệp và cũng cực kỳ đam mê kinh doanh. Anh luôn thúc đẩy, hỗ trợ, đưa ra các ý tưởng về sản phẩm.
Điều này thực sự các bạn muốn khởi nghiệp nên lưu ý, vì đi một mình thì sẽ đi nhanh, nhưng đi với nhiều người thì sẽ đi được xa hơn – cố gắng tìm được những người cùng chí hướng, xây dựng doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn bạn tự xoay sở.
Xem thêm: Doanh thu 300 triệu/tháng từ shop mỹ phẩm Hàn và Mỹ online
Quá trình mở shop bán saffron như thế nào?
Mình là đứa tham vọng lắm. Làm cái gì phải làm hết năng suất, khi không thể cố nữa hoặc thấy nó không khả thi thì mới bỏ thôi.
Từ lúc bắt tay vào làm dự án, đầu mình đầy ý tưởng điên rồ cho dự án nhưng không thể chia sẻ với ai, mình hay viết lại trong một quyển sổ. Mỗi ngày sẽ lấy động lực nhìn vào và hoàn thành để biến ý tưởng thành hiện thực một cách đỡ tốn sức nhất.
Tệp khách hàng của mình thời gian đầu tiên chính là các vị trung niên, bạn bố mẹ mình mà mình đã đề cập ở trên. Họ tin tưởng rằng đã tìm được nguồn chính gốc và an tâm giao sức khỏe của họ cho mình.
Tiếp đến là một số bạn bè cũ, có những người mở spa và muốn hợp tác để lấy sản phẩm của mình trưng bày và làm liệu trình trong spa của họ. Và cuối cùng là những khách hàng vãng lai, khách lạ tìm đến.
90% lượng khách hàng đã mua bên mình đều là khách hàng thân thiết sau này, họ đều quay lại. Có lẽ do hậu mãi bên mình cũng khá ổn, và chắc chắn phần trăm lớn nhờ chất lượng sản phẩm mình đã chọn lọc.
Kinh nghiệm thực tế nhập hàng saffron hữu cơ?
1. Sợ rủi ro, chỉ bỏ 100$ tiền vốn mua saffron
Vốn đầu tiên mình bỏ vào dự án này chỉ vỏn vẹn 100$, vì lúc đó thực sự mình rất sợ rủi ro, và ngân sách thời điểm đó cực kì ít ỏi. Trong 1 năm đầu tiên, mình nâng mức nhập từ 100 grams lên gần 10kg/tháng.
Kinh doanh saffron tới 10kg là một bước đột phá mà chính mình cũng bất ngờ. Dù so với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Saffron khác, mình vẫn chỉ là hạt cát trên sa mạc, nhưng mình cũng rất tự hào về những nỗ lực của bọn mình.
2. Nhập hàng saffron từ Iran rất khó khăn
Iran là nước bị Mỹ cấm vận về kinh tế. Điều này thực sự ảnh hưởng và gây khó khăn rất nhiều trong thời gian đầu tiên, và ngay cả thời điểm hiện tại. Bọn mình không thể dễ dàng thanh toán trực tiếp từ Việt Nam, cũng không thể dễ dàng hợp thức hóa giấy tờ nhập, xuất do thủ tục phức tạp hơn nhiều lần các nước khác.
Thêm một điều khó khăn hơn, các sản phẩm bọn mình quyết định đưa về lại nằm trong danh sách “hàng hóa có giá trị cao” trong danh sách thuế hiện hành ở Việt Nam. Thuế cao là điều tất nhiên, nhưng các thủ tục giấy tờ mới là điều khiến bọn mình trăn trở nhất.
Khó khăn giai đoạn ban đầu nằm ở việc tất cả hàng hóa mình nhập trực tiếp từ công ty Esfedan, một trong những công ty Saffron lâu năm nhất hiện nay tại Iran. Thời gian đầu để tạo sự tin tưởng và nhận được hợp đồng từ công ty, mình đã phải rất nỗ lực.
3. Tập trung cho chất lượng sản phẩm
Điều quan trọng hơn nữa, sản phẩm đầu tiên chính là sản phẩm tiên quyết. Khi khách hàng lựa chọn doanh nghiệp bạn để gửi gắm niềm tin, thứ bạn trao đi giải quyết được các kỳ vọng của khách hàng lần đầu, thì những sản phẩm về sau bạn tung ra sẽ dễ dàng tiếp cận và được đón nhận hơn.
Mình sống và làm việc, kết hôn tại Iran. Điều này một phần cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của chúng mình rất nhiều, trong vấn đề tạo dựng thương hiệu và niềm tin từ khách hàng.
Phương châm như đã đề cập, mình muốn hướng doanh nghiệp thiên về chất lượng và giá trị đem lại cho khách hàng nhiều hơn số lượng, lợi nhuận. Vì mình quan niệm, một khi đã đem lại chất lượng và có được sự tin tưởng, lợi nhuận cũng sẽ trong tầm tay.
Các bước bắt đầu bán saffron như thế nào?
1. May mắn thu được 1500$ khi mở bán
Từ vốn 100$ đầu tiên bọn mình đã may mắn thu lại 1500$ trong chưa đầy 1 tuần lễ mở bán. Doanh thu đầu tiên này bọn mình sử dụng để chi trả cho các chi phí vận chuyển và nhập thêm hàng, mở rộng quy mô bán lẻ.
Tháng thứ 2 lượng đơn hàng lẻ vẫn tiếp tục tăng đều. Tháng thứ 3 sau khi bắt đầu mở rộng quy mô bán lẻ thì doanh nghiệp của mình bắt đầu nhận được sự quan tâm của các khách hàng sỉ, do thời điểm đó Saffron bắt đầu hot tại Việt Nam.
Xem thêm: Cô sinh viên bùng nổ doanh thu sàn shopee chỉ trong 1 năm
2. Có khách hàng sỉ đầu tiên
Khách hàng sỉ đầu tiên của mình là một người bạn cũ, không hề thân thiết. Bạn ấy có một cái spa nhỏ tại TP Hồ Chí Minh. Lượng khách hàng quen khá đều đặn nên bạn ấy đặt 100 grams Saffron. Đó cũng là đơn hàng “lớn” đầu tiên tạo động lực tiền để để mình có thêm niềm tin vào dự án này.
Doanh thu tháng 4, 5, 6 tăng vọt vì các khách sỉ có nhu cầu rất cao, mình nhớ thời điểm đó từ 100grams sỉ đầu tiên tăng thành 10-15kgs/ đơn hàng, nhập liên tục và gần như cháy hàng toàn hệ thống. Cuối năm đầu, số đơn hàng tăng hơn 10 lần so với tháng đầu mở bán.
Bí quyết tìm khách hàng cho shop saffon?
1. Xây dựng nội dung marketing: Tự làm hình ảnh, video trải nghiệm sản phẩm
Những bước chập chững đầu tiên, bọn mình đều tự quay phim chụp ảnh sản phẩm, ảnh và video trải nghiệm sản phẩm trên chính bản thân mình, đó là một cách làm content chân thực nhất.
Bạn không thể tiêu thụ một sản phẩm ra thị trường nếu ngay cả bản thân bạn cũng chưa trải nghiệm. Mình kinh doanh saffron nên phải tự trải nghiệm nó.
Khi bắt đầu dự án này, từ những bước đầu tiên mình luôn đặt bản thân mình như một khách hàng. Từ đó áp dụng và tạo ra những content thiết thực để giới thiệu sản phẩm của mình.
2. Tập trung thương hiệu cá nhân, không trả tiền quảng cáo Facebook
Mình không trả tiền chạy quảng cáo trên facebook. Mình tập trung vào xây dựng thương hiệu cá nhân, đó là trang tài khoản cá nhân của mình. Phần lớn các khách hàng vào trang cá nhân, đọc thông tin và thấy tin tưởng rồi liên hệ. Lượng tương tác trên fanpage Saffron Esfedan GolIran Việt Nam thời điểm đó không nhiều bằng.
Cho tới nay vẫn vậy, thương hiệu cá nhân vẫn là hướng mình đang đi. Để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công, mình đọc rất nhiều sách, cố gắng xây dựng những nội dung có giá trị và hình ảnh chuyên nghiệp hơn, cố gắng kết nối với những người có tầm ảnh hưởng.
3. Khách tăng vọt khi được báo chí phỏng vấn
Sau 1.5 năm chạy dự án, mình nhận được lời mời phỏng vấn từ VTV – chị Vân Anh – phóng viên thường trú tại Trung Đông đã bay từ Dubai sang Iran phỏng vấn vợ chồng mình. Đó cũng được coi là một bước tiến dài trong sự nghiệp của mình.
Sau khi phỏng vấn đó lên sóng Chuyển động 24H, các đơn hàng sỉ lẻ đổ về và doanh thu tăng ít nhất 30%. Sau bài phỏng vấn đó,mình nhận thêm phỏng vấn từ một số trang báo uy tín như VNExpress, Thanh Niên,… Lượng follow trang cá nhân tăng đáng kể.
Lúc đó mình nhận ra xây dựng thương hiệu cá nhân là cách làm hiệu quả. Tất cả các sản phẩm này khi mở bán đều được sự đón nhận nồng nhiệt, luôn trong tình trạng cháy hàng, hàng nhập về không đủ bán.
Shop saffron hiện hoạt động ra sao?
Doanh thu và vận hành đi vào ổn định
Hiện tại mình có 3 nhân viên. Doanh thu trung bình mùa dịch 100.000.000/ tháng. Lượng khách hàng mới và khách hàng quay lại đều rất đều đặn. Nguồn sỉ của mình cũng ổn định, định kỳ nhập mỗi tháng.
Sau 3.5 năm vận hành kinh doanh saffron, mọi thứ đã đi đúng quỹ đạo mình mong muốn, mặc dù đôi khi vẫn phải đối mặt với những rủi ro nhưng mình và ông xã đã cố gắng giảm thiểu phần trăm rủi ro xuống mức thấp nhất.
Hiện tại, mình đã giao hết cho ông xã quản lý tài chính doanh nghiệp. Mỗi cuối tháng mình sẽ trực tiếp kiểm tra lại và đối soát, kiểm kho với nhân viên.
Đa dạng hoá dòng sản phẩm hữu cơ, không chỉ saffron
Hiện tại khách hàng của mình đang có nhu cầu rất nhiều về các loại mỹ phẩm nội địa ở Iran, cũng như các thực phẩm chức năng organic tốt cho sức khỏe.
Nắm được nhu cầu, mình tung ra thêm vài sản phẩm organic nổi bật tại Iran: nước hoa hồng, nụ hồng khô, tinh dầu Saffron và mật ong Saffron…
Bí quyết tìm và giữ được khách hàng cho shop Saffron?
1. Hiệu quả lớn từ truyền miệng
Mình đã từng chạy SEO Google trong thời gian ngắn, chạy tương tác bài viết của page, tuy nhiên mình thấy không hiệu quả bằng truyền miệng. Do mình liên tục tập trung vào hậu mãi và quà tặng khi mua hàng của doanh nghiệp mình, nên các khách hàng đã mua hàng bên mình họ giới thiệu rất nhiều bạn bè, người thân.
2. Mở event tặng quà, giảm giá để thu hút
Cứ mỗi lần bên mình mở một event tặng quà, giảm giá… thì doanh thu của tháng sau đó tăng đột biến do khách lạ ghé rất nhiều. Tháng vừa rồi 50-50 lượng khách hàng cũ và mới.
Khách quen thường sau 1-2 tháng sẽ quay lại, mỗi đơn hàng từ 2-3 grams trở lên do mình đưa chính sách nếu mua từ 2 grams sẽ được lợi hơn về giá so với mua lẻ 1 gram.
3. Ưu tiên đổi trả thật tốt, sẵn sàng hoàn lại toàn bộ tiền
Mình cực kì chăm chút khách hàng sau khi họ chọn mua dịch vụ bên mình. Dĩ nhiên, lượng khách hàng khó tính và không hài lòng về sản phẩm vẫn có chứ không thể nói là hài lòng 100% được, nhưng chỉ là số lượng cực kì ít thôi.
Nếu khách đã sử dụng sản phẩm, mà nhận ra sản phẩm bị lỗi, hoặc trong 1000 lọ có 1 lọ bị vấn đề về chất lượng, mình cũng chấp nhận nhận lại sản phẩm và hoàn lại toàn bộ tiền cho khách, hoặc gửi lại một sản phẩm mới.
Quan niệm của mình trong hơn 3 năm kinh doanh saffron, đó là tìm được khách hàng thì dễ, nhưng để giữ chân khách hàng và khiến họ quay lại mới khó. Có lẽ vì vậy, mà trong 3.5 năm làm dịch vụ, mình đều giải quyết ổn thỏa đâu vào đó, ít nhất là không khiến khách hàng có ấn tượng xấu về dịch vụ bên mình.
Xem thêm: Cô gái mở shop sản phẩm mùi hương phong cách phòng Lab
Điểm thú vị trong quá trình xây dựng shop bán saffron?
1. Mất tài khoản Facebook đột ngột, doanh thu giảm 20%
Có một cột mốc khá đáng nhớ trong năm 2020 của mình. Vào tháng 10/2020, một ngày đẹp trời thì mình bị mất Facebook, Facebook mình bị vô hiệu hóa do quét tự động hành vi bán hàng.
Tháng mình bị mất Facebook, doanh thu giảm 20% luôn. Thực sự, mình cuống cuồng lên, không biết làm gì ngoài chờ đợi.
Kinh doanh saffron mà sau một tháng Facebook vẫn chưa được mở. Mọi công việc trì trệ vì toàn bộ khách hàng của mình đều liên hệ qua Facebook đó.
Đúng thời điểm tình hình dịch COVID diễn ra phức tạp nhất, trụ sở Facebook tại Mỹ cũng bị quá tải, case của mình không có ai giải quyết. Mình đành tạo một Facebook mới và add lại dần dần, nhưng cơ số khách hàng của mình nằm trong lượng người theo dõi chứ không phải trong danh sách bạn bè.
2. Nhờ dịch vụ lấy lại tài khoản
Có 1 điều may mắn, thông tin khách hàng đều được mình lưu lại trong app quản lý bán hàng, dựa vào số điện thoại đó mà mình quyết định add Zalo toàn bộ khách hàng có trong app. Hơn 5000 contact, thật sự bạn không tưởng tượng nổi đâu.
Hiện tại trang cá nhân của mình đã sở hữu tích xanh xác minh chính chủ của Facebook. Mình đã phải chi một khoản lớn để lấy lại Facebook từ các bên dịch vụ, và thêm một khoản nữa để lên tích xanh, do mình đã có các bài báo phỏng vấn nên công đoạn lên tích không khó khăn lắm.
3. Tìm cách đa dạng hoá kênh tiếp cận
Sau đợt đó, mình nhận ra chỉ chăm chú vào một nền tảng mạng xã hội thì quá nguy hiểm và rủi ro. Hiện tại mình cố gắng kéo khách hàng sang fanpage cũng như zalo và các nền tảng khác, cẩn tắc vô áy náy mà .
Thách thức lớn nhất khi kinh doanh saffron?
1. Tìm người giúp quản lý và vận chuyển
Thời gian đầu, mình rất đau đầu trong chuyện quản lý doanh nghiệp online, và tìm người đáng tin cậy cũng như đủ kinh nghiệm để giúp mình quản lý kho hàng + nhận đơn + gói hàng + vận chuyển đến tay khách hàng.
Thuê nhiều shipper nhưng cứ khoảng 2-3 tháng là lại phải tìm người khác. Doanh nghiệp bán hàng online hiện nay, theo mình đa số đều nhận thu COD (Cash on Delivery) toàn quốc, vì ưu tiên sự thoải mái của khách hàng.
2. Thu COD dẫn tới rủi ro hụt tiền
Khách hàng bên mình 30% sẽ chuyển khoản trước, còn lại đều là thu COD. Các khách sỉ mua số lượng lớn, giá trị đơn hàng cao thì đều chuyển khoản trước 50%, nhận hàng sẽ chuyển nốt 50% còn lại.
Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, mình tìm người quen để làm shipper kiêm luôn gói hàng. Sau một thời gian, do lượng đơn hàng nhiều và quản lý còn non kém, có một vài cá nhân lợi dụng sự tin tưởng và ít kiểm tra chặt chẽ của mình mà lấy tiền từ tiền thu COD để dùng riêng.
Lúc phát hiện ra thì đã quá muộn, họ không có khả năng chi trả khoản đã rút trong tiền của mình. Đó cũng là lúc mình nhận ra, mình cần thay đổi hoàn toàn bộ máy vận hành.
3. Sử dụng app hỗ trợ vận hành doanh nghiệp
Mình và ông xã đã mua các app hỗ trợ vận hành doanh nghiệp, từ xa cũng có thể dễ dàng kiểm soát số lượng đơn hàng và đối soát số lượng sản phẩm tại kho. Mình cũng thuê thêm nhân viên kho, nhân viên ship riêng rẽ. Mỗi người một nhiệm vụ, và chỉ tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hiện tại mọi thứ đã đi đúng quỹ đạo của nó.
4. Đánh đổi sức khỏe
Nếu bạn hỏi thời gian đầu, mình đã hy sinh những gì cho dự án và doanh nghiệp này, thì mình xin trả lời, đó là “sức khoẻ”.
Trong 1 năm đầu tiên, mình gần như quản lý toàn bộ tất cả các khâu, từ tư vấn, trả lời khách hàng, chốt đơn, gửi đơn cho shipper, hối thúc shipper, cho đến khâu nhập hàng về Việt Nam, deal với hải quan, hợp thức hóa các thủ tục giấy tờ tại Việt Nam.
Những tháng đơn hàng nhiều mình cầm điện thoại để làm việc gần như cả ngày, chỉ trừ 3,4 tiếng ngủ mỗi ngày.
Điện thoại lúc nào cũng nóng ran, pin chai luôn vì sạc liên tục. Trước khi bắt đầu dự án này, mắt mình 10/10, hiện tại thì mình đã phải đeo kính nếu muốn đọc rõ, và một mắt chỉ còn 3-4/10 thôi.
Không chỉ mắt kém đi, mà hệ miễn dịch của mình cũng yếu hẳn đi luôn, mùa đông tại Iran làm mình bệnh liên tục, điều mà ở Việt Nam mình chưa bao giờ trải qua.
Ý thức được sức khỏe quan trọng, mình vẫn làm việc nhưng đã phân chia thời gian điều độ hơn, cũng như sắp xếp công việc và tuyển người hỗ trợ.
Bài học quan trọng khi kinh doanh Saffron?
Những bài học mình rút ra được từ khi kinh doanh saffron cho tới giờ có lẽ rất nhiều. Mình xin đúc kết vài điều quan trọng nhất:
- Phải mạo hiểm mới có thành công, nhưng đừng mạo hiểm với tất cả những gì mình có. Phải thật kiên nhẫn chờ đợi một dự án thật tốt xuất hiện, và dù nó có xuất hiện đi chăng nữa, cũng phải nhớ rằng, dự án không quan trọng bằng những người vận hành nó.
- Đừng bao giờ bỏ trứng vào một rổ, cũng đừng bỏ vào quá nhiều rổ.
- Tin tưởng vào bản thân mình nhiều hơn.
Thị trường Saffron sau khi hot cực đỉnh thì sau 3 năm cũng đã bão hòa, nhưng như mình đã chia sẻ ở trên, nhờ mình tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân, nên các sản phẩm mình phân phối ra thị trường đều nhận được sự quan tâm nhất định. Đây có lẽ là chiến lược thành công và đúng đắn.
Xem thêm: Top 5 ý tưởng kinh doanh vốn dưới 50 triệu
Những tài liệu nào có ảnh hưởng nhất đến shop Saffron?
Những show truyền hình này mình nghĩ người khởi nghiệp nên một lần xem qua :
- The Apprentice của Donald Trump
- Shark Tank (cả phiên bản Mỹ và Việt)
- Dragons’ Den (phiên bản Anh)
Từ ngày xem những show này, mình được khai sáng rất nhiều. Dù biết nó chỉ là chương trình truyền hình thực tế, có lẽ cũng được dàn dựng nhưng nó giúp mình hiểu thêm các kiến thức về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các khái niệm chuyên ngành.
Công cụ, phần mềm gì cần cho vận hành shop Saffron?
Inflow, Moshop
Lời khuyên cho người mới bắt đầu mở shop Saffron?
Việc chọn sản phẩm tốt, đúng thị hiếu gần như chiếm 50-60%. Theo mình chọn đúng sản phẩm cũng quan trọng như tìm đúng tệp khách hàng.
Nếu bạn có tiềm năng tiếp cận khách hàng nhưng chọn không đúng sản phẩm thì cơ hội thành công cũng không cao. May mắn mình đã tìm hiểu kĩ về tệp khách hàng cũng như thị hiếu thị trường thời điểm đó, nên hầu như các sản phẩm mình tung ra đều được khách hàng đón nhận.
Mình thấy thực sự các bạn trẻ muốn khởi nghiệp nên lưu ý, đi một mình thì sẽ đi nhanh, nhưng đi với nhiều người thì sẽ đi được xa hơn. Cố gắng tìm được những người cùng chí hướng, xây dựng doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn bạn tự xoay sở.
Hãy tự tin vào quyết định và lựa chọn của bản thân mình nhé!
Xem thêm: Top 6 điều cần biết cho người kinh doanh mỹ phẩm online
Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?
Mình hiện tại vẫn đang tuyển cộng tác viên và đại lý toàn quốc, có thể liên hệ mình qua Facebook Đỗ Lệnh Hoài Anh hoặc Zalo, Viber, Whatsapp +989034738704
Tìm bạn và shop Saffron hữu cơ của bạn ở đâu?
Facebook: facebook.com/emy.dolenhhoaianh
Fanpage facebook.com/saffronxachtayiran/
Zalo, Viber, Whatsapp +989034738704
Tóm tắt
- Tên dự án: Saffron Esfedan-GolIran
- Người được phỏng vấn: Đỗ Lệnh Hoài Anh
- Vốn khởi đầu: 2 triệu VND
- Thời gian đầu tư ban đầu: 80 h/tuần
- Doanh thu: 100 triệu/tháng
- Số người sáng lập: 2 người
- Số nhân viên hiện thời: 3 người
- Kênh tăng trưởng: Facebook, báo chí, truyền thông, thương hiệu cá nhân
- Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm