A Vậy Hả
Trang Chủ » Hậu đại dịch, khởi nghiệp từ nông nghiệp lên ngôi?

Hậu đại dịch, khởi nghiệp từ nông nghiệp lên ngôi?

cover image - Hậu đại dịch, khởi nghiệp từ nông nghiệp lên ngôi?

2 năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến và gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19. Điều đó ảnh hưởng gần như tất cả mọi hoạt động của chúng ta từ lối sống, lao động, suy nghĩ,… Khi thế giới gần như ngưng đọng, đối mặt với những bất tiện, thiếu thốn, chúng ta lại có xu hướng quay về với những giá trị, những nhu cầu cốt lõi nhất. Và nông nghiệp, thực phẩm chính là một trong số đó.

Đây sẽ là một xu hướng kinh doanh không mới nhưng sẽ phát triển trong thời gian sắp tới, dựa vào số lượng những mô hình khởi nghiệp ở lĩnh vực này ngày càng nhiều, với sự phong phú đa dạng trong hình thức, mô hình,… và đương nhiên là chất lượng trong sản phẩm. Nếu bạn cũng muốn thử sức với mảng này, hãy tìm hiểu thật kĩ qua bài viết sau nhé!

Top 6 khó khăn khi khởi nghiệp nông nghiệp?

1. Nghề nông cơ bản là cực

Dù phát triển thành mô hình nào, chuyển mình thành công ty, xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh lung linh,… thì căn bản, làm nông sẽ vẫn có những tính chất riêng của nó.  Tính mùa vụ, phụ thuộc thời tiết, đòi hỏi công sức trồng trọt, chăm sóc, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”,… là không thể tránh khỏi và những điều đó không dễ chịu chút nào, nhất là đối với các bạn trẻ hừng hực khởi nghiệp với ước mơ, hi vọng lại bị thực tế khắc nghiệt như thế đón đầu.

Thời gian đầu, Thùy Dung đã có khoảng thời gian đi khắp Việt Nam, đến những trang trại, nhà vườn để tìm hiểu, nói chuyện với bà con ở đó xem khó khăn và vấn đề thật sự đang ở đâu. Từ đó tìm ý tưởng để khởi nghiệp nên Vianxanh như hiện nay.

Xem thêm tại: Nữ sinh kế toán khởi nghiệp thực phẩm hữu cơ 500tr/th

2. Khởi nghiệp nông nghiệp cần khoản đầu tư dài hạn

Đặc biệt là với những mô hình kinh doanh muốn chú trọng chất lượng – điều gần như là bắt buộc đối với thị trường khó tính như hiện nay, thì giai đoạn đầu tư và chuẩn bị lại càng dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đó là quá trình để tìm kiếm và chọn lựa tỉ mỉ từ mảnh đất trồng, giáo dục người nông dân về những kiến thức nuôi trồng, nghiên cứu về quy trình, cách thức vận chuyển,… nhằm cho ra thành phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn tốt nhất.

Còn trường hợp của Yendu Farm thì anh Thắng Kiều có chia sẻ, thời gian lâu xuất phát từ việc canh tác: Trồng cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, chôm chôm, nhãn, mít, xoài sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu từ 3-5 năm để có thể thu hoạch. Còn những cây lâu hơn như măng cụt phải từ 9-12 năm mới có trái.

Xem thêm: Nhóm bạn trẻ bỏ phố về quê lập vườn khởi nghiệp

3. Khởi nghiệp bằng nghề nông cần vốn lớn

Hầu như các mô hình kinh doanh nông sản, dù là dạng tươi, nguyên bản hay chế phẩm thì đa số cũng sẽ đặt một số lượng lớn tại nhà vườn. Nếu tự cung tự cấp thì cũng đòi hỏi số vốn ban đầu khá lớn để đầu tư vào đất, hạt giống, phân bón,… Đó chỉ mới là những chi phí ban đầu để đảm bảo cho đầu vào và tất nhiên sau đó là rất nhiều con số lớn hơn trong quá trình chế biến, vận chuyển, quản lý,… thậm chí trong trường hợp bạn tự làm tất cả các khâu để không thêm chi phí nhân công.

4. Khởi nghiệp nông sản cần quy trình bảo quản

Đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn và đau đầu ngay cả với những doanh nghiệp lớn và tất nhiên chi phí dành cho nó cũng không hề ít. Làm sao giao thành phẩm đến người tiêu dùng với tình trạng nguyên vẹn về hình thức và chất lượng? Làm sao để giữ lâu nhất những sản phẩm tồn trữ với chi phí thấp nhất? Làm sao để phân phối đi hết hàng tồn lâu trước khi phải bỏ đi tất cả vì hư hỏng?… Đó là phần ít trong số hàng trăm câu hỏi mà các mô hình khởi nghiệp cần giải quyết nhằm đem lại hiệu quả cho kinh doanh.

Đó là lý do mà sản phẩm của Vườn rau mẹ Soda sẽ được thu hoạch từ sáng sớm rồi đi giao ngay cho khách trong ngày. Vì rau không thể hái từ chiều hôm trước vì sẽ bị héo, giảm chất lượng, không bảo quản được lâu.

Xem thêm: Mẹ Soda khởi nghiệp bán rau hữu cơ online từ cơ duyên COVID

5. Nông nghiệp truyền thống còn phụ thuộc vào thương lái nước ngoài

Nếu giữ nguyên cách làm nông như cũ là lấy công làm lời, bán sản phẩm cho thương lái ngay tại nhà vườn với mức giá rẻ mạt, thậm chí còn bấp bênh, không đảm bảo để phải lặp đi lặp lại bài ca “giải cứu”,… thì lĩnh vực này thật sự rất khó khăn và việc phát triển chỉ có thể dựa vào người khác. Đó cũng là lý do rất cần những người trẻ với cái tôi mạnh mẽ có thể mang sức sáng tạo và kiến thức của mình mà khai thác vào mảnh đất màu mỡ này.

Nguyễn Văn Sơn – Founder Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn chia sẻ giá mãng cầu vô cùng bèo bọt, chỉ 3.000 – 4.000 đồng/kg, đôi khi thương lái không thu mua, nhà nông đành để rơi rụng hoặc cho gia súc ăn. 

Xem thêm: Cách 9x tạo ra doanh thu tiền tỷ từ loài cây bị đổ bỏ

6. Nông sản là ngành hàng quen thuộc 

Nghe như một điểm cộng nhưng thật ra, đối với thị trường gần như bão hòa, khi người người nhà nhà đều có thể mua và bán thì ở đó sẽ khó tìm ra USP (Lợi điểm bán hàng độc nhất – Unique Selling Point/Proposition). Đây là điểm khác biệt sẽ đem lại sự nhận dạng cũng như thích thú cho người tiêu dùng, để họ có thể mở lòng thử trước khi tính đến vấn đề mua trong lâu dài.

Top 4 lợi thế khi khởi nghiệp từ nghề nông?

Đúng là ngành nông nghiệp khó khăn và trắc trở lắm để trở thành lựa chọn khi khởi nghiệp. Bởi nó đòi hỏi khá nhiều thứ mà đôi khi một người mới, một người chập chững mang danh “vừa bắt đầu” khó có thể đáp ứng được. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Minh chứng là có rất nhiều, rất nhiều những người thường đã và đang dẫn dắt dự án kinh doanh nông nghiệp tồn tại được từ đầu cho đến tận hôm nay. Khi một điều gì đó không có nhiều người sẵn sàng làm, thì nếu bỏ công chăm sóc, một ngày nào đó bạn sẽ nhận lại được quả ngọt. A Vậy Hả sẽ động viên bạn với những điều tuyệt vời ở ngành nông nghiệp như:

1. Nhu cầu nông sản không bao giờ thiếu

Thực phẩm phục vụ cho việc ăn uống gần như không bao giờ là quá thừa vì nó đã là nhu cầu tất yếu của con người. Điều đó cũng đồng nghĩa chỉ cần có người thì bạn sẽ có cơ hội biến họ thành khách hàng của mình, không quá phân biệt về đặc điểm nhân khẩu học (ở một số trường hợp). Hơn thế nữa, khi mức sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu ăn uống cũng phát triển và làm phát sinh những mong muốn rất khác, sẽ làm đa dạng và mở rộng hơn thị trường thực phẩm/nông nghiệp.

2. Khởi nghiệp nông nghiệp có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao 

Nếu thật sự bỏ công nghiên cứu để phát triển nên những mô hình, những sản phẩm sáng tạo, đột phá từ nông sản nguyên gốc thì đây là cơ hội tạo ra giá trị gia tăng, lợi nhuận lớn cho dự án. Bởi nguồn cung, nếu lấy tại vườn thì tính ra khá rẻ so với mức giá mà người tiêu dùng sẵn sàng chi để thưởng thức những thành phẩm mới lạ, chất lượng.

Từ trái mãng cầu có giá rẻ bèo khi mua tại vườn, dự án Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn đã thu về doanh thu 150 triệu/tháng. Hay từ những loại hoa quả thường thấy nhưng món chè của Nhật Linh cũng đem về doanh thu đáng nể 100 triệu/tháng.

Xem thêm: Bỏ 2 tấm bằng đại học, cô gái bán chè online kiếm 100 triệu/tháng

3. Nông nghiệp đang được tạo điều kiện phát triển và có cơ hội xuất khẩu lớn

Hiện nay, thực phẩm/nông nghiệp vẫn là ngành hàng đang được chú trọng đầu tư và tạo điều kiện phát triển tại trong và ngoài nước. Những sự kiện triển lãm, cuộc thi, những mối quan hệ đối tác,… cũng dễ dàng có thể tham gia để làm nổi bật mình và mang lại cơ hội cho dự án của bản thân.

Như việc đạt giải 3 tại một cuộc thi khởi nghiệp ở Đắk Lắk đã cho Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn cơ hội được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Hay như cách mà một nhà tài trợ đã ủng hộ khoản vay $2500 không lãi suất khi Laman Juice gặp khó khăn đã giúp dự án có được thành công như hiện nay.

4. Nông sản chất lượng luôn mang lại thành công

Nếu bạn đã bắt đầu với giá trị cốt lõi là chất lượng và lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động của doanh nghiệp thì đừng lo, dự án của bạn sẽ khá khó thất bại. Trong thị trường ngổn ngang lẫn lộn thật giả như hiện nay, để tìm một nơi uy tín và được chứng thực bằng chất lượng thật sự là rất khó và người tiêu dùng sẽ ít có nhu cầu thay đổi chỗ mới. Như vậy bạn sẽ có cho mình một số lượng nhất định người dùng trung thành, rồi chính họ sẽ là người đem đến cho bạn những khách hàng mới qua truyền miệng, review trên mạng xã hội,… Và cứ thế thành công sẽ được đền đáp xứng đáng cho những giá trị tốt đẹp mà bạn tạo ra và cố gắng gìn giữ cho dự án khởi nghiệp của mình.

Top 7 mô hình kinh doanh nông sản thành công

  1. Chế phẩm trà từ mãng cầu: avayha.com/tramangcau/
  1. Quy trình khép kín cung cấp nông sản hữu cơ: avayha.com/vianxanh/
  1. Hạt và snack dinh dưỡng cho chế độ eat clean: avayha.com/hat-va-snack-dinh-duong-tips/
  1. Kinh doanh trà hoa dành cho giới trẻ: avayha.com/hemilys-tea/
  1. Chuỗi cửa hàng nước ép hoa quả: avayha.com/lamda-juice/
  1. Quán chè, sinh tố online từ trái cây: avayha.com/chelele/
  1. Bán nông sản online từ nguồn tự cung: avayha.com/quanhanhphuc/, avayha.com/mesoda/

Với những kinh nghiệm, bài học tổng hợp của những người đi trước, bài viết này mang đến cho bạn góc nhìn toàn diện hơn về một lĩnh vực nữa cho dự án khởi nghiệp – Thực phẩm/Nông nghiệp. Mong rằng bạn sẽ có cho mình những nhận định và kiến thức hữu ích để lựa chọn hướng đi cho con đường của mình. 

Hãy đồng hành cũng A Vậy Hả với những bài viết chất lượng tiếp theo nhé!

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha