A Vậy Hả
Trang Chủ » Mở cửa hàng phụ kiện trang sức online với 2 triệu vốn

Mở cửa hàng phụ kiện trang sức online với 2 triệu vốn

cover image - Mở cửa hàng phụ kiện trang sức online với 2 triệu vốn
Bảo Nghi, Xuân Quỳnh - sáng lập Shop phụ kiện online i.em

Bảo Nghi, Xuân Quỳnh

Sáng lập Shop phụ kiện online i.em

5-6Tr/th

Doanh Thu*Thông tin doanh thu được startup tự chia sẻ với mục đích hỗ trợ cộng đồng và chưa được AVayHa kiểm chứng.

0

Nhân Viên

2Tr

Vốn khởi đầu

“Mọi tư vấn của bọn mình hầu như không sử dụng bot chat nhằm mang lại chất lượng phục vụ đúng với tìm kiếm của khách nhất có thể. Sau một năm, tỉ lệ khách hàng quay trở lại mua hàng cũng đạt tầm 70% – 80%.”

Xin chào! Bạn là ai và bạn đang kinh doanh hay làm dự án nào?

Chào mọi người, bọn mình là Nghi và Quỳnh. Quỳnh hiện tại đang là sinh viên năm 2. Còn Nghi hiện thời đang làm việc trong mảng sáng tạo nội dung. Bọn mình là bạn thân từ những năm cấp 2.

Tụi mình đều là những người đam mê kinh doanh từ sớm. Tuy nhiên, phải đến khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, bọn mình mới thật sự bước chân vào con đường kinh doanh. Và i.em chính là dự án kinh doanh đầu tay của bọn mình.

Xem thêm: Doanh thu 100 triệu/tháng từ gian hàng mỹ phẩm và phụ kiện làm đẹp Shopee

Ý tưởng mở cửa hàng phụ kiện trang sức đến từ đâu?

Thật ra tụi mình đến với dự án này cũng khá tình cờ. Như đã chia sẻ trước đó, hai đứa mình đều thích kinh doanh. Nhưng thời điểm đó hai cả hai cũng chưa xác định rõ sẽ kinh doanh mặt hàng nào. 

Trong một lần tình cờ một người chị quen biết thanh lý lại các sản phẩm trang sức, bọn mình đã lấy hàng và bán thử. Kết quả là đợt ấy cũng thu về được một ít lợi nhuận. Nhận thấy tiềm năng của mặt hàng này (do thời điểm đó cũng không quá cạnh tranh như bây giờ), thế là bọn mình chọn trang sức là mặt hàng đầu tiên để khởi nghiệp. Cuối cùng, i.em đã ra đời từ đó.

Xem thêm: Xây dựng thành công cửa hàng đồ cói top 1 nhiều bài đánh giá

Cách đặt tên cho cửa hàng phụ kiện trang sức?

i.em với tụi mình là một cái tên đặc biệt, có xuất phát từ tiếng Anh. Trong giao tiếp, mỗi khi giới thiệu bản thân, tụi mình đều phải bắt đầu bằng hai tiếng “I am”. Được lấy cảm hứng theo cách giới thiệu ấy, hai đứa mình đã tạo ra thương hiệu i.em với mục đích khuyến khích các bạn trẻ tự tin thể hiện bản thân và được là chính mình. 

Tinh thần của tụi mình là khuyến khích mọi người tỏa sáng theo cách riêng của họ mà không có bất kỳ định kiến hay phán xét nào. Bởi vì chúng ta đều là những cá nhân đặc biệt, vì vậy hãy cứ tự tin thể hiện vẻ đẹp của bạn.

Đó chính là những giá trị mà hai đứa mình muốn truyền tải đến tất cả mọi người thông qua dự án i.em.

Xem thêm: Doanh thu 90 triệu/tháng từ shop giày dép 3 triệu vốn

𝘞𝘦 𝘢𝘳𝘦 𝘩𝘦𝘳𝘦 𝘵𝘰 𝘴𝘦𝘯𝘥 𝘨𝘰𝘳𝘨𝘦𝘰𝘶𝘴𝘯𝘦𝘴𝘴 𝘵𝘰 𝘺𝘰𝘶

Các bước vận hành shop trang sức online?

1. Lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp

Nhờ có lợi nhuận thu về từ đợt bán hàng thanh lý lại của người chị, bọn mình mạnh dạn nhập đợt hàng đầu tiên cho i.em. Tuy nhiên, việc kinh doanh trang sức là các loại hợp kim khác titan thời điểm ấy có lẽ sẽ khó mang lại độ bền, đẹp cũng như “chất riêng” cho i.em. Vì vậy, sau thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng, cuối cùng hai đứa  đã chọn titan là dòng sản phẩm chế tác để theo đuổi.

Sở dĩ bọn mình lựa chọn titan là bởi vì tính chất bền, đẹp phù hợp với trang sức. Ngoài ra, giá thành cũng khá ổn so với phân khúc thị trường tụi mình nhắm đến.

2. Nhập hàng

Bọn mình nhập hàng trực tiếp tại kho Việt Nam. Do cả hai đứa đều kỹ tính và muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất. Vì vậy, mỗi lần nhập hàng bọn mình đều đến trực tiếp kho để chọn lựa và kiểm tra từng sản phẩm trước khi gửi đến tay người mua.

3. Xây dựng hình ảnh, nội dung

Vừa kinh doanh trong ngành phụ kiện, vừa là những người yêu cái đẹp, vì vậy hai đứa mình rất chăm chút đầu tư vào hình ảnh cho i.em. Thêm nữa, khách hàng ngày nay cũng ngày càng khó tính và có tính thẩm mĩ cao. Vì vậy, bọn mình lại cần phải kỹ lưỡng cho toàn bộ quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu, từ packaging, content trang bán hàng đến chụp ảnh sản phẩm…

Trong hai đứa, Quỳnh là người có gu thẩm mỹ cao hơn, cho nên phần chụp ảnh sản phẩm hay quay video đa phần bạn ấy sẽ là người chịu trách nhiệm. Bắt đầu từ con số 0 nên khi kinh doanh gần như mọi thứ tụi mình phải tự học.

Lúc chụp ảnh sản phẩm, hai đứa sẽ đi mượn đèn, suy nghĩ set up background hay cách chụp hack sáng như thế nào để sản phẩm lên hình đẹp nhất. Bọn mình luôn quan niệm “Đặt khách hàng là trọng tâm”, vì thế khi làm bất cứ điều gì hai đứa đều sẽ suy nghĩ đến trải nghiệm và hành trình khách hàng sẽ như thế nào. Từ đó, tìm ra cách tối ưu nhất để mang lại giá trị cho khách hàng tiềm năng. 

Ngoài ra, bọn mình cũng đầu tư thêm cho phần đóng gói sản phẩm. Tụi mình tâm niệm đã chỉn chu thì nên chỉn chu đến tận cách trao gửi hàng. May mắn là về packing của tụi mình có phần sáng tạo, độc đáo nên đã nhận về được phản hồi tích cực từ các bạn mua hàng. Và từ đó, iem  đã tạo ra được một dấu ấn riêng cũng như một vị trí đặc biệt trong lòng các bạn tiêu dùng.

Kế tiếp, vì là kinh doanh online nên việc xây dựng nội dung bài viết cho kênh là điều bắt buộc. Ngoài đăng ảnh về sản phẩm, bọn mình cũng lên kế hoạch nội dung cho các ngày đặc biệt hoặc cung cấp thêm kiến thức về trang sức cho khách hàng. Hiện tại, instagram là kênh hoạt động chính của i.em.

Theo như kinh nghiệm của bọn mình, Reels cũng là kênh tiếp thị tiềm năng và đem lại một lượng lớn follower. Vì vậy, bọn mình cũng sẽ đầu tư thêm cho các video ngắn trên instagram để truyền thông đến khách hàng.

4. Chăm sóc khách hàng

Chăm sóc khách hàng là một phần rất quan trọng được tụi mình quan tâm. Với phần này, Nghi sẽ là người chịu trách nhiệm chính.

Mọi tư vấn của bọn mình hầu như không sử dụng bot chat nhằm mang lại chất lượng phục vụ đúng với tìm kiếm của khách nhất có thể. Nếu các bạn đã thử tư vấn bên i.em, bọn mình chỉ sử dụng một bot chat duy nhất để chào khách hàng, Ngoài ra, ngay khi xem được inbox, hai đứa đều sẽ tự tay tư vấn nhiệt tình mà không cần nhờ máy trả lời.

Feedback khách hàng gửi đến i.em

Cửa hàng phụ kiện trang sức online đang hoạt động ra sao?

Hiện thời, việc kinh doanh của bọn mình vẫn trên đà xây dựng và phát triển. Sau một năm, gần như toàn bộ lượng follower theo dõi đều là organic. Ngoài ra, tỉ lệ khách hàng quay trở lại mua hàng cũng đạt tầm 70% – 80%. Đây cũng là con số khả quan.

Mọi công việc kinh doanh hiện tại vẫn là do hai đứa mình cùng đảm nhiệm, bọn mình chưa thuê thêm nhân viên. Nếu có, chắc là sau này khi hai đứa quyết định xây dựng lại kênh trên tiktok.

Ngoài ra, sức ép từ sự cạnh tranh mặt hàng trang sức ngày càng lớn. Nên vì vậy, tụi mình lại càng phải chỉn chu hơn trong tất cả các khâu. Thêm nữa là cả hai đứa cũng đã cân nhắc đăng ký gian hàng cho i.em trên Shopee nhằm mở rộng kinh doanh.

Sản phẩm tại i.em được đầu tư chỉn chu về hình ảnh

Cách tìm và giữ khách cho cửa hàng phụ kiện online?

Bọn mình có tập chạy quảng cáo trên các nền tảng đang hoạt động như instagram để tìm kiếm thêm khách hàng. Thực sự, nguồn khách chủ yếu hiện tại của i.em vẫn đang tập trung ở instagram nên hai đứa cũng đẩy mạnh hoạt động trên nền tảng này nhất. Ngoài ra, bọn mình cũng đi follow các tài khoản instagram khác. Trường hợp họ thấy tài khoản của i.em – nhấp vào xem và cảm thấy phù hợp – nhấn follow. Đó cũng là cách để bọn mình tìm nguồn khách hàng.

Thêm nữa, đầu tư vào video trên reels hiện tại cũng mang lại các kết quả khả quan cho i.em. So với Tiktok, bọn mình thấy reels mang về lượt traffic tốt hơn. Cho nên hiện tại hai đứa cũng quyết định tạm dừng kênh Tikitok để tập trung vào Reels.

Về cách làm sao để giữ chân được người theo dõi, mình nghĩ nó phụ thuộc vào các điều sau:

  • Lấy khách hàng làm trọng tâm: Khi làm bất cứ điều gì, hai đứa đều giả định khách hàng sẽ cảm thấy thế nào. Từ đó, xây dựng chất lượng sản phẩm cũng như nội dung phù hợp với nhu cầu khách hàng. Chính sự nhiệt tình, chịu tìm hiểu và đầu tư này có lẽ đã mang về cho tụi mình lượng khách hàng quay lại với tỉ lệ 70% – 80%.
  • Chăm sóc khách hàng: Chất lượng dịch vụ chăm sóc đóng góp một phần không nhỏ đến sự thành công của i.em. Nhờ việc quan tâm, nhiệt tình tư vấn trước và sau khi mua mà bọn mình đã mang lại thiện cảm cho khách hàng -> tăng tỉ lệ khách quay lại.
  • Giảm giá: i.em cũng áp dụng chương trình giảm giá 5%/ tổng bill cho tất cả các khách hàng cũ gửi feedback sản phẩm cho i.em. Với cách này, bọn mình vừa có thêm nguồn tư liệu quảng bá cho thương hiệu, vừa tăng tỉ lệ khách tiếp tục mua hàng cho bọn mình ở đợt sau.

Xem thêm: Tất tần tật cách “nổ” đơn trên Shopee (phần 1)

Khó khăn lớn nhất khi mở shop online?

Đối với kinh doanh, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Từ lúc tập tành “khởi nghiệp” đến giờ, bọn mình cũng phải trải qua một vài khó khăn như:

  • Làm thế nào để tối ưu hóa việc tiếp thị nội dung: Trước lúc xây dựng i.em, mình cũng tham khảo qua các khung giờ vàng để đăng bài trên instagram. Tuy nhiên, có lẽ điều đó lại không hiệu quả với i.em. Vì thế, sau rất nhiều lần thử, cuối cùng bọn mình mới tìm được một khung giờ phù hợp. Sau cùng hai đứa mình rút ra là các bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, còn nó có phù hợp với doanh nghiệp mình hay không thì phải thử. Cứ thử nhiều lần thì sẽ tìm ra phương án phù hợp.
  • Kéo traffic về kênh bán hàng chính: Khi bắt đầu xây dựng nội dung với tiktok, bọn mình thừa nhận kết quả lại không như mong đợi. Sự thật là lượng traffic kéo về kênh bán chính của bọn mình gần như không có. Sau hơn 1 tháng thử nghiệm, tụi mình đành phải tạm dừng tiktok để tập trung vào kênh chính là Instagram. Dù rằng tiktok đang là trang nội dung nổi tiếng hiện nay, tuy nhiên có lẽ bọn mình vẫn chưa biết cách khai thác tốt nhất. Có thể trong tương lai, i.em sẽ quay trở lại đường đua tiktok, nhưng với một đội ngũ kinh nghiệm hơn.

Bài học đắt giá khi mở shop trang sức online?

Toàn bộ những gì tụi mình xây dựng được cho đến ngày hôm nay đều đến từ quá trình tự học. Kể ra thì bao gồm rất nhiều thứ từ chạy quảng cáo như thế nào, chụp ảnh ra sao cho đến cách viết bài sao cho hợp lý.  Ngoài ra, bọn mình còn học được cả về cách sale và chăm sóc khách hàng. 

Tuy tự học khá là khó khăn vì tụi mình đã thử và cũng sai rất nhiều lần. Nhưng sau cùng hai đứa mình đều trân trọng những thời gian tự mày mò ấy. Nhờ vậy mà cả mình và Quỳnh đều học được những bài học đầu đời về cách kinh doanh. 

Kế hoạch phát triển shop trang sức online?

Về kế hoạch sắp tới, trước mắt tụi mình vẫn tiếp tục chạy các campaign như Black Friday, giáng sinh để hưởng ứng các ngày lễ và thúc đẩy doanh số. Còn trong tương lai, tụi mình quyết định sẽ lên các kế hoạch để định hình thương hiệu rõ ràng hơn (về tên thương hiệu, concept…). Ngoài ra, chúng mình cũng dự định có thể sẽ mở rộng kinh doanh sang Shopee cũng như tìm kiếm các giải pháp phù hợp để tối ưu hóa lượng traffic về cửa hàng.

Công cụ, phần mềm gì cần cho shop online?

  • Thiết kế ảnh: Canva
  • Edit video: Capcut, VN video editor

Bạn có đang tuyển người cộng tác hay nhân viên không?

Hiện tại, bọn mình chưa tuyển thêm người cho dự án. Tuy nhiên, nếu sau này có kế hoạch phát triển trở lại trên tiktok, bọn mình có thể sẽ thuê đội ngũ để hỗ trợ.

Lời khuyên cho người mới bắt đầu mở shop online?

Đầu tiên hãy tìm hiểu thị trường, chân dung khách hàng như thế nào. Sau đó, dựa trên những thông tin đã thu thập, hãy tìm cách để tiếp cận khách hàng cũng như lựa chọn phân khúc thích hợp cho sản phẩm.

Thứ hai, với các case study, không phải cái nào cũng sẽ phù hợp với mình. Nhưng hãy cứ tìm hiểu và học hỏi bằng cách ứng dụng các case study vào doanh nghiệp. Sau một thời gian thử và trải nghiệm thì chúng ta sẽ biết điều gì là phù hợp với dự án.

Cuối cùng, hãy cứ kiên nhẫn, cố gắng và đừng nản chí. Bất cứ sai sót nào cũng đều sẽ là một bài học. Đó chính là nguồn động lực để chúng ta tiếp tục cố gắng.

Tìm bạn và shop phụ kiện trang sức online của bạn ở đâu?

Facebook: https://www.facebook.com/iem18yo

Instagram: https://www.instagram.com/iem.18/

Shopee: https://shopee.vn/iem.18 

Tóm tắt

  • Tên dự án: Shop phụ kiện online i.em
  • Người được phỏng vấn: Bảo Nghi, Xuân Quỳnh
  • Vốn khởi đầu: 2 triệu VND
  • Thời gian đầu tư ban đầu: 7 – 8 h/tuần
  • Doanh thu: 5-6 triệu/tháng
  • Số người sáng lập: 2 người
  • Số nhân viên hiện thời: 0 người
  • Kênh tăng trưởng: Marketing nội dung, truyền miệng
  • Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm

Tác Giả

Chào bạn, chúng tôi là Hiển và Sơn, sáng lập AVậyHả.

Chúng tôi phỏng vấn và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi với mong muốn giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm khởi động dự án của chính mình.

Hãy ủng hộ bằng cách theo dõi AVậyHả tại avayha.com/theo-doi/ hoặc facebook.com/avayha

Ý Kiến (2)